Đường nông thôn đã trắng “điểm đen”

HỮU KÝ Thứ tư, ngày 24/06/2015 07:00 AM (GMT+7)
Sau 5 năm dồn sức xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông nông thôn tại TP.HCM ngày càng hoàn thiện, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông TP.HCM, đến nay trên các tuyến đường giao thông nông thôn của thành phố không còn “điểm đen” về tai nạn giao thông (TNGT).
Bình luận 0

Yên tâm khi ra đường

Tại xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, trước đây khi chưa triển khai đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, việc đi lại của người dân rất khó khăn, dễ xảy ra tai nạn giao thông. Nhưng những năm gần đây đường sá đã được làm mới, mở rộng và nhựa hóa nên việc đi lại thuận lợi, người dân yên tâm khi ra đường.

img
Đường giao thông nông thôn tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh) dần được nhựa hóa khang trang, sạch đẹp. H.K

 

Theo đánh giá của ông Lê Văn Tư (ngụ xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), khi các tuyến đường nông thôn hoàn thiện, các vụ TNGT cũng ít xảy ra, kể cả những đường có nhiều xe cộ đi lại như Mai Bá Hương, Láng Le – Bàu Cò... “Trước đây đường sá nhỏ, ổ gà lồi lõm, thiếu điện chiếu sáng nên hay xảy ra tai nạn giao thông, nhất là vào ban đêm. Hiện nay đi lại dễ rồi, người dân không phải lo tình trạng mất an toàn giao thông như trước” - ông Tư nói.

Tương tự, trao đổi với chúng tôi nhiều người dân ở khu vực ngoại thành cũng cho rằng các tuyến đường nông thôn được đầu tư hoàn thiện giúp họ yên tâm hơn khi tham gia giao thông. Trên các tuyến đường nông thôn cũng ít xảy ra trường hợp chở hàng hóa cồng kềnh gây mất an toàn cũng như tình trạng phóng nhanh vượt ẩu.

Không còn “điểm đen”

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, tình hình giao thông khu vực nông thôn đã được cải thiện. Trên các tuyến đường nông thôn không còn “điểm đen” giao thông. Số vụ TNGT trên đường nông thôn được kéo giảm theo từng năm. Giải thích về điều này, ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết, thời gian vào cuối năm 2010, đầu 2011, tình hình TNGT ở đường nông thôn cao là do có nhiều công trình giao thông được triển khai, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, việc điều tiết giao thông, tổ chức giao thông thực hiện chưa tốt nên dễ dẫn đến TNGT. Trong đó, Củ Chi từng là huyện có nhiều vụ TNGT tại các đường nông thôn, nhưng đến nay huyện này là một trong những địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn giao thông trên đường nông thôn.

Theo lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố, tại hầu hết các đường nông thôn đều có đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, biển báo giao thông... để hạn chế tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Tại nhiều xã còn có các lực lượng thường xuyên đi tuần tra xử lý, nhắc nhở các vi phạm về trật tự giao thông. Đặc biệt, việc tuyên truyền về giao thông tại các địa phương được thực hiện tốt đã giúp nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, ông Tường lưu ý cần phân biệt giữa đường nông thôn với đường ngoại thành vì hai tuyến đường này hoàn toàn khác nhau. Theo đó, đối với các tuyến đường ngoại thành, trong 5 tháng đầu năm 2015 đã xảy ra 64 vụ TNGT, khiến 62 người chết và 20 người bị thương. Do đó, việc kéo giảm các vụ TNGT tại ngoại thành đang được các địa phương đẩy mạnh.

Trên các tuyến đường giao thông nông thôn của thành phố, năm 2010 có 7 vụ TNGT, làm 7 người chết và 2 người bị thương; năm 2011 có 28 vụ, 20 người chết và 20 người bị thương; năm 2012  có 4 vụ, 4 người chết và 2 người bị thương. Nhưng đến năm 2013 còn có 3 vụ, 3 người chết và 1 người bị thương. Đặc biệt trong năm 2014 và đến 5 tháng đầu năm 2015, trên các đường nông thôn không xảy ra vụ TNGT nào.

(Thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem