Con đường thoát nghèo của bản Na Pan

Nam Tùng sơn Thứ ba, ngày 14/04/2015 10:27 AM (GMT+7)
Thôn Na Pan chỉ cách thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần, Hà Giang) có 6km nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Con đường thoát nghèo của người dân nơi đây đang bắt đầu từ những “đầu tàu” nhỏ.
Bình luận 0

Bản nghèo trên vách núi

Ông Ly Quý Đoan – Trưởng bản Nà Pan cho biết: Bản có 68 hộ, thì có tới 50 hộ thuộc diện hộ nghèo khó khăn, vì 100% là người dân tộc Mông, Tày, Nùng, Hà Nhì... Cách đây 2 năm, từ thị trấn để lên bản Na Pan phải mất khoảng 1 giờ mới đến, bởi con đường độc đạo lên bản ở trên vách núi này chẳng khác nào đường “chuột chạy”. Xe đạp, xe máy, ô tô đều không thể đi được, nên người dân chủ yếu đi lại bằng ngựa và đi bộ.

img
Bí thư bản Na Pan Vàng Văn Chiêm, người đi đầu trong phát triển 
chăn nuôi thoát nghèo. Ảnh: Việt Tùng
Ngay gia đình ông Đoan có 6 người, dù bản thân rất nỗ lực, nhưng nhiều năm vẫn không thoát khỏi nghèo, vì muốn xuống chợ mua gói muối, chai nước mắm cũng mất cả ngày, hay nuôi được con lợn, con dê muốn bán cũng phải mượn 2 – 3 người khiêng từ 4 – 5 giờ sáng xuống thị trấn mới kịp họp chợ. Thành ra giá hàng hóa bà con mua thì cao, còn hàng hóa bán thì thấp, nên “cái khó nó cứ bó cái nghèo” mãi.

Nhưng 3 – 4 năm trở lại đây mọi sự đã khác, cuộc sống của dân bản Na Pan đã đổi thay.

Những “đầu tàu” gương mẫu

Quan điểm

Ông Vàng Văn Chiêm
  Động lực để giúp bản thay đổi là nhờ sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước trong xóa nhà tranh tre, nứa lá, nhà tạm, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển chăn nuôi, trồng trọt và lồng ghép các chương trình xây dựng nông thôn mới vào phát triển kinh tế, làm đường giao thông nông thôn. 
Mặc dù là Bí thư bản, nhưng gia đình ông Chiêm cũng đã từng là hộ nghèo. Ông cho biết, gia đình có 4 đứa con, 3 đứa đã xây dựng gia đình, một đứa đang học cao đẳng y ở Phú Thọ. Ông nuôi bò từ năm 1995, có thời điểm (2002 – 2008) ông có tới 13 con bò, nhưng vì hủ tục “thách cưới” còn nặng nề, nên lo cưới vợ, gả chồng xong cho 3 đứa con thì đàn bò cũng vừa hết, nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2010, ông Chiêm vay 20 triệu đồng mua cặp bò và 6 con dê về nuôi. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi, nên hiện ông đã có 6 con bò và gần 40 con dê.

 

Còn nhà Trưởng bản Đoan, năm 2012 được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 15 triệu đồng, ông mua 4 con dê về nuôi. Sau 3 năm, đàn dê đã lên tới 30 con, vừa rồi bán đi 6 con để sửa sang lại nhà cửa. “Trước khi vay ngân hàng, mình đã có 2 con trâu, giờ nó đẻ được 2 con nữa, đầu năm 2014 mình chính thức thoát nghèo và được bà con tin tưởng bầu làm trưởng bản” – ông Đoan cho hay.

Không chỉ vươn lên thoát nghèo, ông Chiêm và ông Đoan còn giúp cho nhiều hộ vay ngân hàng mua bò, dê chăn nuôi và thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho họ. Nhờ đó, trong 5 năm qua đã có hơn chục hộ ở bản Na Pan đã thoát nghèo…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem