Thương nhớ ấu thơ vùng quê nghèo

Chủ nhật, ngày 12/10/2014 12:52 PM (GMT+7)
Cuộc sống hiện đại nơi phố thị tiện dụng kể ra cũng có cái sướng thật đấy. Mưa chẳng đến mặt, nắng chẳng đến đầu, vào phòng thì máy lạnh máy ấm, ra đường bọc kín trong lớp “nin ra” bảo vệ. Muốn ăn gì, chơi gì đều có sẵn, thức ăn ê hề ngoài chợ, nhà hàng khách sạn, rạp chiếu phim, các khu vui chơi giải trí mọc lên như nấm. Sướng vậy mà, sao bằng một góc vườn xưa quê nghèo lam lũ. 
Bình luận 0
Sao bằng những buổi đánh khăng, đánh đáo, chơi chuyền chơi chắt, sao bằng những tháng ngày dầm mưa bắt cá rô ron. Tôi nhớ cả cái vườn thân thuộc, nhớ những cây rau đay, mồng tơi bà vun xới mỗi ngày. Nhớ cả món rau sam rau dền mọc dại mẹ vẫn luộc cho ăn những buổi trưa hè. Nhớ món cua đồng rang muối bà rang cho tôi ăn sau mỗi buổi đi thăm đồng, tranh thủ bắt thêm được mớ cua nắm tép.
img Ảnh minh họa.

Tôi nhớ những buổi sáng ăn khoai luộc trừ cơm, những củ khoai béo tròn, bở tơi bốc khói trong rổ, ăn bao nhiêu cũng không chán. Nhớ cả những ngày mưa nhàn rỗi, các dì tôi cải thiện món bánh sắn nhân đường đen hấp trong mê rổ, ngon đến nỗi lũ trẻ chúng tôi mong có thật nhiều ngày mưa gió như thế, để lại được ăn bữa “cải thiện” dài dài.

Có thực mới vực được đạo! Thật thế, dù ai có bảo “miếng ăn là miếng tồi tàn” thì tôi vẫn thấy mê ăn. Vì những món quà quê ngon lành ấy cũng ngọt thơm và bình dị như làng quê tôi vậy, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy thèm ăn, mê ăn chứ không tục ăn, mà những món quà quê giản dị những sắn khoai ấy cũng chẳng cho phép người ăn “phàm phu tục tử” cơ mà.

Miếng ăn quan trọng thế nhưng lũ trẻ chúng tôi cũng sớm được dạy bảo, hễ sang nhà hàng xóm mà người ta dọn cơm hay giở thức gì ra ăn là tự động chạy về ngay. “Tự trọng” phết như thế mà cũng có lúc khó xử khi bị các cô, các bác hàng xóm dúi vào tay bằng được thức quà nào đó. Từ chối thì không nỡ mà nhận rồi lại thấy “áy náy”, sợ rằng sẽ bị bà hay mẹ quở mắng.

Trẻ con có những nỗi sợ và lo lắng mơ hồ như thế đó. Bây giờ có cố gắng như thế nào, tôi cũng không thể chế biến được những thức quà quê đủ hương vị nồng nàn như thời bé dù nguyên liệu vẫn vậy. Có lẽ tại vì chẳng ai có được hai lần tắm được ở một dòng sông nhỉ. Tuổi thơ đã vuột mất rồi, nhanh như chim én, vụt bay…

Ăn rau sam, rau má, rau dền dại khi đã thành người lớn khác hẳn với ăn chúng khi vẫn còn nhỏ dại, chị em xúm quanh mâm cơm đạm bạc của mẹ, ngon thì vẫn ngon, ngon chứ những thứ rau mát lành của đồng quê, nhưng khác lắm. Khác thế nào thì chính tôi cũng không diễn tả được, lạ quá đi thôi.

Ăn nộm hoa chuối với rau muống mua ngoài chợ cũng khác hẳn với hoa chuối và rau muống vườn nhà, có thể tôi hoài cổ đôi chút nhưng khách quan mà nói khác hẳn thật, lạ chưa. Thế hệ trẻ con quê nghèo ngày xưa ấy, chúng tôi không có sữa chua, váng sữa nhập ngoại, chẳng được ăn nho Mỹ táo Úc.

Chúng tôi chỉ có những quả mây chín, quả ruối dại và những chùm sắn thuyền đỏ sậm. Có ngọt và có cả vị chát xít, vậy mà ngày nào cũng thơ thẩn kiếm mấy thứ quả dại đó để ăn và say mê… Cũng không phải vì đói hay thèm thuồng ăn uống quá độ đâu mà trẻ con thì vẫn hay thích ăn linh tinh như thế, mặc cho những “hậu quả” vẫn thường gặp phải là đau bụng, mặc cho bố mẹ tha thồ cấm cản, nói “rát hầu bỏng cổ”.

Lại còn thêm tật thích rình mò tìm tòi những tổ ong để chọc nữa chứ, thật là hấp dẫn quá đi thôi. Đứa nào cũng sợ ong đốt đau nhưng hễ cứ thấy tổ ong nào to to một chút là hè nhau tẩm dầu vào giẻ, đốt đuổi lũ ong “người lớn” đi để lấy mất tổ.

Sau đó đứa nào đứa nấy hể hả khêu ong non cho vào rang muối ăn lấy ăn để, dù có khi trước đó còn ra rả đọc: “tổ ong lủng lẳng trên cành…” ra chiều ca ngợi sự “đoàn kết” của loài ong và căm ghét loài cáo xâm lược lắm lắm. Chẳng biết các bạn quê khác thế nào, chứ lũ trẻ quê tôi còn có một cái thú nữa là trò đưa ma lũ chim chóc, chuồn chuồn, ve sầu mà chúng tôi bắt được và bị chết sau khi được lũ chúng tôi “nuôi nấng và chăm sóc”.

“Đám” cũng rất quy mô và hoành tráng, cả một lũ trẻ nối đuôi dài lê thê “đưa” nạn nhân xấu số đi chôn cất, cũng đắp mộ thành nấm đất lùm lùm, cũng khóc hờ ầm ĩ và cũng cúng cấp đàng hoàng. Đồ cúng thường là rau dại, hoa quả dại, cũng có khi trọng thể hơn có miếng thịt đứa nào chôm được trong chạn. Thể nào sau đấy cũng là những trận cãi nhau ầm ĩ, có khi còn có cả ẩu đả vì tội có đứa rình ăn vụng hết cả đồ cúng.

Ôi những trò chơi thuở nhỏ và các bạn ngày xưa, có khi nào ai đó như tôi nhớ quay quắt về thơ ấu, để mà mỉm cười khi mình đã từng có một thời trẻ thơ vô tư lự nhất, không khổ đau hay nghĩ suy mà chỉ có sự trong trẻo, hồn nhiên, thơ ngây. Đó là những buổi trưa hè trốn mẹ , trốn ngủ đi dính ve sầu, đó là những khi thả cây chuối đầy ao tập bơi vùng vẫy, đó là trò chơi đồ hàng băm băm chặt chặt hay có khi chỉ là một mình ngồi thả chân trên một cành cây nào đó, mộng mơ mình là hoàng tử hay công chúa giáng trần.

Một tuổi thơ chẳng có gì dữ dội, cũng chẳng có gì biến cố, chỉ êm đềm như dòng sông quê thuở ngày xưa. Vậy mà vẫn gợi, và vẫn nhớ, và vẫn thảng thốt trong những đêm mơ …

Làm sao tìm được những đêm trăng huyền diệu ánh trăng và khói sương đêm quê ấy, với hương cau, hương dạ lý thoảng thơm mà ngây ngất, với người anh hàng xóm lẩm nhẩm hát khúc “Hương thầm”. Tất cả đã xa rồi, miền ấu thơ cổ tích. Bây giờ có lúc về quê tôi cũng ngắm trăng và thưởng trà nhưng cảm xúc cũ, cảnh sắc xưa thì chẳng thể nào tìm lại được. Đơn giản thôi, vì tuổi thơ đã trôi xa rồi, mãi mãi. Nên hoài niệm, chỉ để nhớ mà thôi…
(Theo Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem