Ký ức Hà Nội: Tình bạn và sự chia sẻ ngọt bùi trong trận lụt lịch sử tại Thủ đô

Vũ Thị Thảo Thứ hai, ngày 18/09/2023 06:39 AM (GMT+7)
Năm đầu tiên tôi xa nhà cũng là năm Hà Nội oằn mình trong trận lụt lịch sử. Hồ Gươm nước hồ chan nước lũ, không còn phân biệt được bờ và hồ. Hà Nội các con phố đã biến thành sông...
Bình luận 0

Năm 2008 tôi lên Hà Nội học đại học. Năm đầu tiên tôi xa nhà cũng là năm Hà Nội oằn mình trong trận lụt lịch sử. Hồ Gươm nước hồ chan nước lũ, không còn phân biệt được bờ và hồ. Hà Nội các con phố đã biến thành sông. Trên đường người dân lo mò vớt biển xe, người xì sụp bắt cá.

Đồ đạc trong phòng tôi ngập bủm, trôi nổi khắp nơi, chiếc giường bất đắc dĩ trở thành kho chứa tất cả: từ bếp ga, nồi niêu, quần áo đến những thứ cồng kềnh khác.

Đường Nguyễn Tuân nước ngập bánh xe, nước cống tràn lên đen xì, mùi hôi thối sộc thẳng vào mũi. Vỉa hè đường Nguyễn Trãi thỉnh thoảng lại có chỗ cắm cành cây đánh dấu nắp cống bị mất. Đã có nơi nắp cống bật khiến người dân trượt xuống chết thương tâm. Vì vậy mỗi khi đến đoạn có cành cây cắm tôi luôn thấy rùng mình ám ảnh.

Ký ức Hà Nội: Tình yêu, sự chia sẻ ngọt bùi về trật lụt lịch sử tại Thủ đô - Ảnh 1.

Nhiều tuyến phố Hà Nội ngập sâu mỗi khi gặp phải mưa lớn kéo dài.

Những ngày tháng sau đó thật khó khăn. Ô tô từ quê đến cầu Chương Dương đều phải quay về. Tôi không lấy được gạo bố mẹ gửi lên. Sinh viên ăn cơm là chính, vừa no lâu vừa đỡ tốn tiền thức ăn, giờ không có gạo tôi sẽ ra sao.

Bần thần một hồi lâu tôi chợt nhớ ra đường Khương Đình có đoạn lá nốt leo cao ở bờ tường, tôi vội vàng ra hái, trong bụng mừng thầm có thể ăn nó thay rau.

Tôi hăng hái thái lá nốt, cho muối vào xào lên, mùi thơm bay lên làm tôi tưởng tượng một bữa cơm ấm êm ngày lũ. Nhưng khi ăn miếng đầu tiên, tôi đã thấy hiện thực đập vào mặt. Lá nốt khi kết hợp với đồ ăn khác thì ngon còn xào một mình thì không thể nuốt nổi. Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ y nguyên vị đắng của lá nốt, vị mặn chát của muối đã trôi xuống cuống họng thế nào.

Các bạn khác cũng không sướng hơn tôi. Có bạn vừa chuyển đến hôm trước thì hôm sau ngập phòng. Tiền không, đồ ăn không, chỉ biết uống nước rồi đi ngủ cho đỡ đói nhưng đói không ngủ nổi. Tôi bưng sang phòng bạn tô cơm nguội cuối cùng, hai đứa vừa ăn vừa khóc. Bạn bảo đây là loại cơm ngon nhất mà bạn từng được ăn.Tôi xót xa, đây là gạo người ta chỉ nấu cho lợn gà ăn vì không ra gì. Nhà tôi nghèo cũng chỉ có gạo đó.

Chân tôi nổi mụn ngứa ngáy vì ngâm nước bẩn suốt. Tôi nghĩ ra cách xúc sỏi đá cho vào bao rồi chặn ở cửa phòng cao ngất như người ta hộ đê, sau đó lấy thau thùng múc hết nước trong phòng ra. Thấy nước cạn dần rồi hết tôi mừng húm. Chưa được bao lâu thì nước trong phòng từ từ dâng lên rồi cao bằng mực nước như trước. Bạn tôi ngán ngẩm lắc đầu bảo nước không còn tràn vào từ cửa nữa mà ngấm dần qua tường vào, thế là bó tay.

Bố mẹ tôi sốt sắng gọi hỏi tình hình con gái thế nào. Tôi bịa ra câu chuyện mình may mắn được bao nhiêu người giúp đỡ, cho đủ loại đồ ăn và không thiếu thốn cái gì cả. Bố mẹ tôi thở phào nhẹ nhõm còn tôi lặng lẽ lau nước mắt. Tôi không muốn làm bố mẹ phải đau lòng khi biết tôi đói khổ.

Hơn một tuần sau khu phố có người tốt bụng mang đến cho mỗi phòng trọ một bịch mì tôm để vượt qua cơn đói. Bạn tôi bảo sau này ai giàu hơn sẽ đãi người kia một bữa mì tôm hải sản, mà phải là hải sản đắt tiền nhất. Tôi đòi lúc đó phải ăn mì tôm nấu với vây cá mập. Hai đứa vừa ăn vừa ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Ký ức Hà Nội: Tình yêu, sự chia sẻ ngọt bùi về trật lụt lịch sử tại Thủ đô - Ảnh 2.

Công ty thoát nước Hà Nội hướng dẫn người dân lưu thông qua đoạn đường ngập.

Nhưng càng khổ cực lại càng đùm bọc nhau hơn, cái gì cũng chia nhau, khó khăn gì thì cùng nghĩ cách, cứ thế mà bước qua trận lụt kinh hoàng của Hà Nội.

Năm 2012 kết thúc năm cuối đại học cũng là lúc tôi phải quyết định nơi mình sinh sống và lập nghiệp lâu dài. Khác với dự định ban đầu là về quê sau khi học xong, lúc này tôi bịn rịn không muốn rời xa Hà Nội. Hà Nội đã cùng tôi nếm trải mọi chông gai, cùng tôi gói gém nhiều kỷ niệm thanh xuân đẹp đẽ. Hà Nội còn chứng kiến hành trình tôi trưởng thành, từ lúc mơ hồ chênh vênh đến khi tìm được con đường đi cho riêng mình, trả lời được câu hỏi tôi là ai và tôi sống để làm gì.

Nhà thơ Chế Lan Viết từng viết "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn" dường như nói hộ tâm tình của biết bao người giống như tôi đối với Hà Nội. Mỗi con đường, góc phố, gánh hàng hoa, ghế đá, công viên hay những con người lao động bình dị nơi đây đều là hóa thân rất đẹp của Hà Nội. Tất cả cứ từng chút từng chút một bước vào trái tim tôi, để rồi khi tôi ý thức được điều đó trong tôi đã ngập tràn tình yêu Hà Nội.

Giờ tôi đã hiểu, mỗi người dù sinh ra và lớn lên ở đây hay đến từ một tỉnh thành xa xôi nào khác, chỉ cần thật lòng gắn bó với Hà Nội đều trở thành một phần máu thịt không thể tách rời.

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem