Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về đêm Hoàng thành Thăng Long xưa

Lê Hồng Quang Thứ năm, ngày 14/09/2023 10:57 AM (GMT+7)
Thành Thăng Long bao quanh một cùng đất rộng lớn được xây dựng làm 3 lớp. Lớp ngoài cùng ôm trọn cả sông Tô Lịch và dấu tích còn lại của tường thành là phố Hoàng Hoa Thám ngày nay, hào nước chính là phố Thụy Khuê.
Bình luận 0

Hoàng Thành Thăng Long trở thành địa điểm tham quan thú vị của Hà Nội gần 20 năm nay. Giờ đây, Hoàng thành Thăng Long còn cuốn hút hơn với trải nghiệm tham quan giải mã đêm Hoàng thành. Khách tham quan được sống lại cảm giác của những bí hiểm đêm hoàng cung của cả ngàn năm xưa vọng về thực tại. Đêm Hoàng thành Thăng Long thu hút từ trẻ em đến người lớn tuổi. Chỉ có một tiếng đồng hồ mà ký ức nghìn năm lần lượt trở về qua từng viên gạch cổ để rồi ai cũng thốt lên hay quá, đẹp quá!

Nhiều người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội trước kia vẫn thường gọi khu vực Hoàng thành Thăng Long là thành Hà Nội. Vẫn lờ mờ hiểu giữa thành Thăng Long và thành Hà Nội có gì đó vừa giống nhau vừa khác nhau. Tại sao Hà Nội lại có 5 cửa ô trong bài hát Tiến về Hà Nội, lại có phố Đường Thành, có cột cờ Hà Nội…

Giải mã Hoàng thành Thăng Long mới rõ dẫn du khách ngược lại hơn một nghìn năm trước. Bước qua cửa Đoan Môn, được chìm đắm trong trích đoạn tuồng diễn cảnh năm 1010, vua Lý Công Uẩn ban "Chiếu dời đô" chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Đại La, vua nhìn thấy rồng bay lên nên đặt tên là thành Thăng Long. 

Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về đêm Hoàng thành Thăng Long xưa - Ảnh 1.

Giếng cổ hơn nghìn năm với nhiều gạch xếp nhiều thời kỳ. Ảnh Tác giả cung cấp.

Thành Thăng Long bao quanh một vùng đất rộng lớn được xây dựng làm 3 lớp. Lớp ngoài cùng ôm trọn cả sông Tô Lịch và dấu tích còn lại của tường thành là phố Hoàng Hoa Thám ngày nay, hào nước chính là phố Thụy Khuê. 

Lớp tường thành thứ hai nhỏ hơn nằm phía Đông có 4 cửa chính Đông - Tây - Nam - Bắc và dấu tích còn lại là Cửa Bắc với vết đạn bắn lõm trên thân thể vẫn còn ở phố Phan Đình Phùng. Cứ từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác mà ồ à ra thế, bao năm đi qua phố Hoàng Hoa Thám cứ tự hỏi sao phố này cao hẳn lên so với các phố khác.

Thời vua Minh Mạng ban chiếu đặt tên cho vùng đất này là Hà Nội, tên gọi Thăng Long không được dùng do vua không ở đây nữa, Thăng Long trở thành Hà Nội tỉnh. Cuối thế kỷ XIX, một dự án của Pháp phá thành Hà Nội để lấy đất xây dựng các khu phố đã phá lớp thứ hai của thành Hà Nội, chỉ còn giữ lại Kỳ đài - Cột cờ Hà Nội xây dựng lại từ thời vua Gia Long với chiều cao thấp hơn cột cờ ở Kinh thành Huế. Lại một ngỡ ngàng cho du khách được giải mã vì sao Hà Nội và Huế lại có hai Cột cờ giống nhau đến thế.

Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về đêm Hoàng thành Thăng Long xưa - Ảnh 2.

Đêm Hoàng thành Thăng Long thu hút các lứa tuổi. Ảnh Tác giả cung cấp.

Sau khi bị phá, thành Hà Nội chỉ còn lại vòng thành thứ 3 trong cùng mà nay chúng ta đang gọi là "Hoàng thành Thăng Long" nhưng cũng chỉ còn lại đôi rồng đá đặc biệt được chế tác 1000 năm trước từ hai khối đá nguyên khối không lắp ghép. Đôi rồng đá vừa ngạo nghễ với thời gian, vừa hiền từ cho du khách ngằm nhìn, vừa trầm tĩnh suy tư bao biến cố vật đổi sao dời của hơn 10 thế kỷ.

Ký ức hơn một nghìn năm được thể hiện qua màu sắc và kích thước của từng viên gạch dưới từng tầng đất từ màu đen tới màu đỏ, từ gạch nhỏ tới gạch vồ trải từ thời Đại La qua các triều đại Lý - Trần - Lê. Tất cả hiện lên rõ mồn một. Ký ức Hà Nội nghìn năm hiện lên trên các bảo vật quốc gia như chiếc bát "thấu quang" in nổi hình đôi rồng và ánh đèn xuyên thấu nên gọi là "thấu quang". 

Thú vị nhất là được hứng xin một chai nước nhỏ từ chiếc giếng cổ hơn nghìn năm, thành giếng được xây xếp các lớp gạch xen lẫn giữa gạch đen thời Đại La, gạch đỏ thời Lý - Trần và gạch vồ thời Lê. Mạch nước ngầm trải qua hơn nghìn năm vẫn trong vắt, mát rượi, chai nước nhỏ trở thành kỷ niệm cho mỗi du khách tới với đêm Hoàng thành.

Ký ức Hà Nội: Miền ký ức về đêm Hoàng thành Thăng Long xưa - Ảnh 3.

Ngự lâm quân và thị nữ tái hiện cuộc sống hoàng cung. Ảnh Tác giả cung cấp.

Chưa hết, ký ức Hoàng thành Thăng Long được tổng kết qua "Bài kiểm tra ký ức" khi phải trả lời đúng các câu hỏi về các hiện vật đúng với từng thời kỳ: đầu rồng, đầu phượng, chim uyên ương, hình con cá sấu trên gạch… và phần thưởng là một kỷ vật lưu niệm về Hoàng thành Thăng Long.

Cảm xúc nhất là được cảm nhận không khí linh thiêng khi tham dự lễ dâng hương Điện Kính Thiên, mỗi người tự tay cắm nén hương tưởng nhớ công ơn tiên tổ ngàn năm đã xây dựng Tổ quốc Việt Nam, xây dựng kinh thành Thăng Long để có được Hà Nội ngày nay. Ký ức về một Hà Nội nghìn năm vẫn còn ngay trong lòng Hà Nội!

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem