Ký ức Hà Nội: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê ở Bát Tràng

Thu Nguyễn (Hà Tĩnh) Thứ ba, ngày 19/09/2023 09:13 AM (GMT+7)
Biết ơn Hà Nội đã gieo duyên cho tôi gặp gỡ, chứng kiến một tình bạn vượt qua khoảng cách địa lý và ranh giới lịch sử.
Bình luận 0

Tôi tình cờ gặp Manus vào năm 2013 tại hồ Hoàn Kiếm, nơi tôi thường tới học nói tiếng Anh. Là con của một cựu chiến binh ở miền Trung, có cơ hội lắng nghe câu chuyện của người lính già, tôi thấu hiểu hơn nỗi lòng của các cựu binh, dù họ ở phía nào.

Tôi có cảm nhận rằng, người Hà Nội - họ không hề lãng quên câu chuyện cũ. Người Hà Nội chỉ thay đổi góc nhìn về quá khứ, để tái tạo ra nguồn năng lượng mới có khả năng chữa lành những vết sẹo cũ. Họ bao dung tiếp nhận cái mới, cùng nhau kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn.

Rời xa khu chợ gốm nhộn nhịp, ông Manus Campbell (SN 1947) một cựu binh đến từ New Jersey (Mỹ) cùng tôi bước tới khu làng cổ Bát Tràng. Trước mắt chúng tôi là không gian tĩnh lặng với những bức tường gạch dài nhuộm nắng mưa thời gian. Chúng tôi ghé vào quán cà phê khiêm tốn, nằm trong ngõ vắng, nơi từng vạt rêu mỏng phơi mình lấm tấm lẫn các vệt than đen.

Ký ức Hà Nội: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Manus (phải) và bác Phạm Văn Đông lần đầu gặp gỡ. Ảnh: Tác giả cung cấp.

… Bác chủ quán vừa pha phin cà phê, vừa bắt chuyện với chúng tôi. Và điều diệu kỳ đã xảy ra - khởi đầu cho tình bạn đẹp. Khi nghe người cựu binh đến từ bên kia bán cầu kể từng chiến đấu ở Quảng Trị, bác Đông chủ quán sững người rồi ngập ngừng hỏi lại: Cũng 1967 à? Cũng Quảng Trị? Tôi cũng ở đó nhưng mà … bên kia chiến tuyến!

Hai người lính chợt lặng im. Mắt nhìn mắt. Rồi họ nắm chặt tay nhau. Mỉm cười. Có lẽ, những ai đã đi qua thời đạn lửa, cũng một phần thấu hiểu được nỗi lòng của nhau. Manus tâm sự, tuổi 19, ông bị điều đến Việt Nam, trở thành lính thuỷ đánh bộ. Khi trở về Mỹ, ông không dễ dàng vượt qua hội chứng chấn thương tâm lý (PTSD) sau cuộc chiến. Nỗi ám ảnh, sợ hãi theo ông vào từng giấc ngủ, cơn mơ.

Ký ức Hà Nội: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê Việt Nam - Ảnh 2.

Manus (1967), Quảng Trị (hàng sau, thứ hai từ phải sang). Ảnh Tác giả cung cấp.

Chờ ly cà phê cạn, bác Đông hào hứng dẫn chúng tôi tham quan. Bác kể, "ngấm" nghề của cha ông, sau khi rời quân ngũ, bác về quê tiếp tục ăn ở cùng cao lanh, men gốm.

Bác vanh vách giới thiệu về mái đình, màn rước nước độc đáo và gốc tích các dòng họ lớn ở làng. Bác tự hào: những người con ở làng không chỉ giỏi nghề làm gốm mà còn giỏi buôn bán, văn chương. Tôi có cảm nhận, bác y hệt ông Hai bằng xương bằng thịt bước ra từ truyện ngắn Làng của nhà văn Kim Lân.

Nghe thông tin về người lính Mỹ, bốn cựu chiến binh làng Bát Tràng vội tới nhà bác Đông. Họ tay bắt, mặt mừng, chuyện nối chuyện. Ai cũng háo hức kể, nhiều đoạn nói nhanh quá, tôi dịch không kịp. Họ kể lại lần đối mặt với địch nơi khe suối, trận sốt rét ở rừng Trường Sơn, chuyến hành quân trong đêm vắng...

Ký ức Hà Nội: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Manus cùng các cựu chiến binh làng Bát Tràng. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Bên ven sông Hồng lộng gió, chúng tôi cùng ngắm nhìn từng con sóng bạc lấp lánh. Dòng sông chở nặng phù sa tạo ra cốt đất đặc trưng là quà tặng "mẹ thiên nhiên" tặng riêng cho dân làng Bát Tràng. Từng thớ bùn đất mộc mạc cũng tạo nên cốt cách của người làng: bao dung, phóng khoáng.

Sau lần đầu gặp gỡ, mỗi khi ghé Hà Nội, Manus đều rủ tôi tới Bát Tràng. Cả gia đình bác Đông chào đón cựu binh Mỹ như một người bạn cũ nghĩa tình.

Ký ức Hà Nội: Cuộc gặp gỡ xúc động giữa cựu binh Mỹ và ông chủ quán cà phê Việt Nam - Ảnh 4.

Hai cựu binh trong lần gặp gỡ thứ hai. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Lần thứ hai, bác Đông dẫn chúng tôi đi thưởng thức ẩm thực làng Bát. Bữa cơm do nghệ nhân tên Lâm đứng bếp. Chúng tôi không khỏi trầm trồ trước sự tinh tế, khéo léo trong cách bài trí món. Tôi ấn tượng với món canh măng mực - thương hiệu có mặt trong mọi bữa cỗ quan trọng của làng. Cuối bữa, chúng tôi uống "trà đạo" làng Bát chế từ hột hoa sói, nhấm nháp cùng chè xôi ướp hoa bưởi trọn vị thơm ngon.

Sau nhiều cuộc gặp, tình bạn trở nên bền chặt hơn. Manus mời bác Đông và tôi vào Hội An chơi. Đây là chuyến đi xa nhất của bác Đông, kể từ ngày giải ngũ. Khi thấy người đứng tuổi, mặc áo bộ đội, tay cầm mũ cối đi lại trên tàu, Manus và bác Đông lại hỏi: Anh ơi, có phải cựu chiến binh không? Chúng tôi là cựu chiến binh này!

Ông Manus đã cưới một người vợ Việt và hiện định cư ở Hội An. Tám năm trôi qua từ ngày gặp mặt, ông và bác Đông vẫn gặp gỡ ở Hà Nội và trò chuyện qua Facebook. Xa Hà Nội, nhớ về làng cổ, về tình bằng hữu đẹp của các cựu binh, tôi khe khẽ ngâm vần thơ của ai đó:

"Đã lâu không đến Bát Tràng

Quê hương gốm sứ một làng ven sông

.... Nâng niu bình gốm chén trà

Thương ai chuốt đất sớm khuya nhọc nhằn".

Tác phẩm dự Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội gửi về Báo NTNN/Điện tử Dân Việt phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất một bút danh.

Tác phẩm dự thi gửi về email của chương trình: cuocthikyuchanoi@gmail.com hoặc qua đường Bưu điện về Ban Bạn đọc, tầng 10 Tòa nhà Báo Nông thôn Ngày nay 68 Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.

Cuộc thi viết Ký ức Hà Nội lần thứ II nhận bài viết dự thi kể từ thời điểm phát động tháng 4/2023, đăng tải bài viết từ ngày 01/5/2023 và kết thúc ngày nhận bài dự thi ngày 25/9/2023.

Cơ cấu giải thưởng: 01 Giải Nhất trị giá 20 triệu đồng; 02 Giải Nhì mỗi giải trị giá 10 triệu đồng; 03 Giải Ba mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 05 giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.

Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức vào tháng 10/2023 tại Hà Nội.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem