Bị 'siêu lừa' Huyền Như chiếm 200 tỷ đồng, 10 cựu lãnh đạo Navibank phải ra tòa

Lý Tín Thứ tư, ngày 28/02/2018 11:32 AM (GMT+7)
Siêu lừa Huyền Như (Huỳnh Thị Huyền Như – Nguyên quyền trưởng phòng giao dịch chi nhánh Điện Biên Phủ - Ngân hàng VietinBank) dùng nhiều thủ đoạn để huy động vốn từ nhiều ngân hàng nhằm trả nợ cá nhân. NaviBank là một trong số bị hại bị Huyền Như lừa chiếm đoạt 200 tỷ đồng. Tuy vậy, tại sao lãnh đạo ngân hàng này bị truy tố?
Bình luận 0

Sáng nay (28.2), TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm đối với 10 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) ra xét xử về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

10 bị cáo gồm: nguyên Tổng Giám đốc Lê Quang Trí, các nguyên Phó Tổng Giám đốc Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hùng Sơn và 6 người nguyên là trưởng các phòng ban của Navibank.

img

Quang cảnh phiên tòa xử các cựu lãnh đạo NaviBank sáng nay - Ảnh: Lý Tín

Theo cáo trạng, từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, Huyền Như lấy danh nghĩa huy động vốn cho VietinBank đã gặp gỡ, trao đổi với nhiều đối tượng môi giới, đại diện các đơn vị, ngân hàng về việc nhận gửi tiền với lãi suất ưu đãi, phí môi giới cao... Ngay sau khi các đơn vị, cá nhân gửi tiền vào VietinBank, Như dùng thủ đoạn lập chứng từ, giả chữ ký của chủ tài khoản nhằm rút, chuyển tiền đi trả nợ cho cá nhân Như, chiếm đoạt 3.986 tỷ đồng, trong đó có 200 tỷ của NaviBank.

Bản án sơ thẩm ngày 27.1.2014 của TAND TP.HCM và phúc thẩm ngày 7.1.2015 của TAND Tối cao tuyên phạt Như mức án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Như buộc phải bồi thường cho NaviBank 200 tỷ đồng.

Như vậy, trong vụ án của Như, NaviBank được xác định là bị hại. Vậy tại sao Trí và 9 nhân viên thuộc cấp là lãnh đạo NaviBank lại bị truy tố?

Theo cáo trạng, tháng 11.2010, thông qua Võ Anh Tuấn – Nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè, Như thỏa thuận được với Đoàn Đăng Luật – Trưởng phòng nguồn vốn NaviBank về việc NaviBank gửi tiền nhàn rỗi cho VietinBank chi nhánh Nhà Bè với lãi suất cao từ 16,5% - 22,5%/năm. Lãi suất ghi trên hợp đồng là 14%/năm, lãi suất ngoài hợp đồng từ 2,5% - 8,5%/năm được chi trả ngay sau khi NaviBank chuyển tiền vào VietinBank.

img

Huyền Như và Võ Anh Tuấn tiếp tục hầu tòa trong phiên xử cựu lãnh đạo NaviBank

Trong cuộc họp lãnh đạo NaviBank, Luật báo cáo nội dung trao đổi với Tuấn và được Trí giao cho bị cáo Nguyễn Giang Nam thực hiện. Từ chủ trương này, Trí và 9 thuộc cấp đã phê duyệt giải ngân 1.543 tỷ đồng cho 14 nhân viên đứng tên vay tiền từ NaviBank và sau đó gửi sang VietinBank để lấy lãi suất cao. Tài sản đảm bảo để vay tiền của 14 nhân viên là tiền gửi vào VietinBank.

Đến 7.9.2011, NaviBank nhận lại 1.353 tỷ đồng, 200 tỷ đồng còn lại bị Như dùng nhiều thủ đoạn chiếm đoạt.

Cáo trạng cáo buộc các bị can của Hội đồng tín dụng NaviBank phê duyệt cấp tín dụng cho 14 nhân viên đứng tên vay tiền với mục đích “tiêu dùng” là hình thức che giấu việc Navibank gửi tiền vào VietinBank lấy lãi suất cao thể hiện ở các nội dung:

14 nhân viên vay tiền không có tài sản đảm bảo. Các hợp đồng gửi tiền vào VietinBank mà 14 nhân viên dùng làm tài sản đảm bảo vay tiền của NaviBank có sau khi được phê duyệt cho vay tiền.

Hồ sơ NaviBank cho 14 nhân viên vay tiền là hồ sơ khống thể hiện ở việc không có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, không có phương án sử dụng vốn vay.

Lãi suất NaviBank cho 14 nhân viên vay thể hiện trên Giấy đề nghị vay vốn kiêm hợp đồng tín dụng và các khế ước nhận nợ là 16,5% - 22,5%/năm nhưng hợp đồng gửi tiền vào ViettinBank chỉ có 14%/năm. Việc các nhân viên vay lãi suất cao mang đi gửi thu lãi suất thấp hơn là không khả thi trong việc sử dụng vốn vay, không đảm bảo khả năng trả nợ, không đủ điều kiện để được duyệt vay vốn.

Việc các bị can phê duyệt cấp tín dụng cho 14 nhân viên vay tiền đã vi phạm Quyết định số 34/2010/QĐ-TGĐ ngày 29.4.2010 của Ngân hàng NaviBank, vi phạm Điều 7 về điều kiện vay vốn của Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, vi phạm về việc xét cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước cấm các tổ chức tín dụng huy động tiền gửi với lãi suất vượt trần 14%/năm. Để lách luật, che giấu việc gửi tiền vay vượt trần, các bị cáo đã thỏa thuận với VietinBank lãi suất ngoài từ 2,5% - 8,5%/năm.

Cáo trạng kết luận, việc cho vay sai đã khiến NaviBank bị chiếm đoạt 200 tỷ đồng gây thiệt hại cho NaviBank.

Trong buổi sáng làm việc đầu tiên (28.2), HĐXX kiểm tra căn cước của các bị cáo và người có quyền nghĩa vụ liên quan. VKS công bố cáo trạng. Dự kiến, chiều nay sẽ bắt đầu phiên xét hỏi.

Phiên tòa kéo dài đến ngày 16.3 và có 30 luật sư tham gia bào chữa cho 10 bị cáo. Huyền Như và Võ Anh Tuấn được trích xuất đến tòa để khai báo.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem