Nhà văn hóa cơ sở tiền tỉ: Xa dân, có vỏ mà không có hồn

Mỵ Lương – Hồng Vân Thứ ba, ngày 21/07/2015 08:11 AM (GMT+7)
Xây được nhà văn hóa cho thôn, xã đã là việc cực kỳ khó khăn, nhưng có nhiều nơi, xây lên rồi cũng bỏ không vì không có hoạt động gì. Câu hỏi đã bao năm “Ai là người chăm lo cho “phần hồn” của nhà văn hóa?” dường như đến nay vẫn chưa có lời giải.
Bình luận 0

Dân không thiết tha

Trao đổi với chúng tôi  về vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, TS Lê Thị Anh (Học viện Báo chí và tuyên truyền) cho biết: “Các nhà văn hóa, trung tâm văn hóa chính là nơi để nâng cao đời sống tinh thần và hiểu biết về pháp luật của nhân dân, từ đó giảm thiểu các tệ nạn xã hội, như ma túy, mại dâm, trộm cắp, vi phạm trật tự an toàn giao thông, vi phạm cảnh quan đô thị... Các buổi sinh hoạt văn hóa ở cơ sở cũng chính là môi trường thuận lợi để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến với các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, mong mỏi này vẫn chỉ là trên lý thuyết, vì nhiều nơi các thiết chế này đang bị bỏ hoang”.

img

Một góc của Nhà văn hóa thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) bỏ hoang, thiếu vắng các hoạt động. Ảnh: HỒNG VÂN

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), mỗi thôn đều phấn đấu có một nhà văn hoá (NVH) to đẹp theo mẫu chung. Tuy nhiên, khi đã có công trình này, không phải ở đâu cũng khai thác hết công năng NVH. Hoạt động của các công trình này chưa tạo sự hấp dẫn cho người dân đến sinh hoạt thường xuyên.

Hai thôn La Bê và La A (xã Kim Giang, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương) đều có NVH đầy đủ, song câu lạc bộ thơ của người dân hai thôn này không tổ chức tại NVH mà được duy trì đều đặn tại đình Trữ La vào ngày 25 hằng tháng. Ông Lê Văn Tuy- thủ từ đình cho biết: “Câu lạc bộ thơ duy trì đến nay đã được 8 năm và có hơn mười người tham gia. Thực tế mọi người chọn ra đình đọc thơ vì đình gần gũi, thân quen”.

Trong khi đó có nhiều NVH cơ sở vật chất nghèo nàn không  đáp ứng được hết nhu cầu văn hóa, văn nghệ đa dạng của người dân địa phương, khiến cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng đi xuống. “Trước kia chúng tôi đã thành lập câu lạc bộ khiêu vũ cho chị em phụ nữ có chỗ sinh hoạt chung, nhưng chỉ được vài buổi lại tan do không có địa điểm ổn định tập luyện. Các thành viên trong đội cũng chán mà bỏ dần, nghĩ mà thấy tiếc. Giá như NVH thôn không phải là công trình bỏ hoang và ươm trồng cỏ dại để người dân chúng tôi có địa điểm sinh hoạt văn hóa thì tốt biết mấy” - chị Trần Thị Nga (43 tuổi), người dân thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch, Đông Anh) cho hay.

Nhiều người lo ngại, các NVH nông thôn hoạt động yếu sẽ khiến người dân thiếu đi một địa chỉ lành mạnh để tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ; thanh thiếu niên không có nơi vui chơi, giải trí dễ tìm đến quán net hoặc vướng vào các tệ nạn xã hội khác.

Ông Lê Tiến Lượng – Giám đốc NVH Trung tâm tỉnh Thái Bình khẳng định: “Nguyên nhân phần nhiều do các NVH thiếu kinh phí để mua sắm trang thiết bị. Bên cạnh đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số nơi chưa thực sự sâu sát, công tác, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn còn hạn chế”.

“Trắng” cán bộ văn hóa

Việc áp dụng tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) và phong trào xây dựng đời sống văn hóa (tiêu chí 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn nông thôn vẫn tồn tại nhiều vướng mắc. Trong đó khâu triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa tại các địa phương cũng như vận hành các thiết chế ấy đang trở thành bài toán khó đối với người quản lý.

 Tại Thái Bình, ở cấp tỉnh, 80% số cán bộ quản lý NVH có trình độ đại học, 20% trình độ cao đẳng. Ở cấp huyện, 50,9% số cán bộ có trình độ đại học, 7,5% trình độ cao đẳng, 41,6% trình độ trung cấp. Ở cấp xã, 5% có trình độ đại học, 32% trình độ cao đẳng, 25% trình độ trung cấp, còn 38% không qua đào tạo cơ bản và không có chuyên môn nghiệp vụ văn hóa. 

Phần lớn NVH nông thôn đang thiếu những cán bộ văn hóa có trình độ chuyện môn, nghiệp vụ được đào tạo, tập huấn bài bản. Hiện nay, nhiều NVH được giao cho cán bộ mặt trận thôn hay trưởng thôn quản lý. Liệu họ có đủ khả năng duy trì hoạt động văn hóa, văn nghệ ở địa phương hay không? Khi cơ sở vật chất được giao về thôn, người phụ trách có thể đứng ra kêu gọi được nhân dân làm tốt công tác xã hội hóa hay không?

 Mang băn khoăn này trao đổi với ban lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), một cán bộ cho biết: “Đánh giá theo hệ tiêu chí NTM, đơn vị NVH đạt chuẩn thật sự là chưa có. Chấm tiêu chí NHV thôn, xóm, khu dân cư đều mang tính tương đối. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực văn hóa rất thấp, gần như áp chót trong các lĩnh vực. NVH không có người phụ trách riêng mà phần nhiều do lãnh đạo thôn quản lý. Giao cho một người không chuyên về văn hóa quản lý NVH, ban chỉ đạo huyện chúng tôi cũng rất trăn trở, nhưng biết làm sao được”.

Thêm nữa, việc NVH xã được bàn giao về cho thôn sở tại để phát huy và khai thác cũng dẫn đến một mâu thuẫn là trung tâm văn hóa xã ở gần các thôn, nhưng mỗi thôn lại có một NVH riêng. Nhiều người đặt câu hỏi: Như vậy có cần thiết phải xây dựng thêm NVH thôn nữa không?

Ông Lại Thành Kiên- Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết: “Thực trạng phổ biến hiện nay ở các địa phương là  “NVH không có thì thiếu, có thì thừa”. Lấy ví dụ NVH thị trấn chỉ dành cho hội họp, tập huấn là chính, còn hoạt động văn nghệ có thể đưa về NVH trung tâm huyện để tổ chức nên việc phát huy công năng chưa được nhiều. Mặt khác, muốn phát huy phong trào văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân cũng đòi hỏi sự nhiệt huyết của chính người dân địa phương ấy. Mà điều này mới thực sự là khó”.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem