Xót lòng nhìn nhà văn hóa cơ sở xây tiền tỷ... chờ sập

Mỵ Lương – Hồng Vân Thứ hai, ngày 20/07/2015 08:09 AM (GMT+7)
Để “lên” danh hiệu nông thôn mới, nhiều địa phương đầu tư cả chục tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa (NVH). Tuy nhiên, có thực tế là nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả, sử dụng sai mục đích hoặc chưa bàn giao đã xuống cấp, gây lãng phí lớn. Chất lượng các hoạt động ở NVH cũng còn rất nhiều chuyện buồn.
Bình luận 0

Không dám đến gần nhà văn hóa

Chúng tôi tìm về NVH huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) trong cái nắng như đổ lửa của một ngày giữa tháng 7. Chỉ đường cho chúng tôi, một người dân xã Tân Lập không giấu nổi sự bức xúc: “Có nhiều nhà báo cũng về tìm hiểu công trình NVH huyện nhưng đến sự thể chưa đâu vào đâu, xuống cấp vẫn xuống cấp. Nhà nước cũng có sửa chữa nhưng không thấm tháp gì. Công trình chắc chắn do làm ẩu, ăn bớt nguyên vật liệu nên mới vậy. Nhìn cả chục tỷ đồng phơi nắng gió, xuống cấp từng ngày, chờ sập mà bà con chúng tôi xót lòng”.

img

Ông Chu Văn Sáng phải buộc thêm dây thép để cánh cửa trong phòng làm việc khỏi bị "rụng" trước gió.  Ảnh: M.L 

Được biết công trình NVH huyện Yên Mỹ có tổng mức đầu tư lên tới hơn 9 tỷ đồng do UBND huyện Yên Mỹ làm chủ đầu tư. NVH này được đưa vào sử dụng từ năm 2009 nhưng tới nay vẫn chưa được nghiệm thu, bàn giao. Điều đáng nói là thời gian sử dụng nhà văn hóa này chưa đến 7 năm thì công trình đã xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Chu Văn Sáng – Giám đốc Trung tâm VHTTDL huyện Yên Mỹ, cho biết: “Ngay cả trần phòng làm việc của cán bộ cũng bị rạn nứt, nước thấm qua trần chảy xuống sàn nhà nên kể cả khi thời tiết nắng khô ráo, nền nhà vẫn bị đọng nước. Phần lớn khung cửa gỗ ra vào hội trường, khu vực phòng làm việc, nhà vệ sinh ở tầng 1 bị mối mọt. Một số cánh cửa đã long bản lề, có cánh vỡ kính rơi từ tầng 2 xuống rất nguy hiểm. Mới đây Hội đồng nhân dân huyện Yên Mỹ đã quyết định chi thêm gần 2 tỷ đồng để tu sửa công trình”.

img

Các vết rạn nứt dài tại các điểm xung yếu của NVH huyện Yên Mỹ.  Ảnh: Mỵ Lương

Cũng đã xuống cấp, NVH thôn Đại Đồng (xã Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội) trông còn xập xệ hơn khi mái nhà thủng dột lỗ chỗ. Nếu không được người dân thôn Đại Đồng chỉ đường, chúng tôi sẽ không nhận ra đó là NVH. Cánh cửa gỗ mở toang hoang, lộ ra những song sắt cũ kỹ, hoen gỉ. Bên trong chỉ thấy duy nhất một chiếc bàn gỗ bụi phủ dày.

Trên những bức tường bong tróc là cờ lưu niệm, bằng khen mốc lem nhem do thấm nước mưa. Sợ hơn là bãi rác ngay trước sân NVH Đại Đồng bốc mùi nồng nặc. Trong khi đó, NVH thôn Trung Oai (xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội) luôn “cửa đóng then cài”, trái ngược với mục đích xây làm nơi sinh hoạt chung cho người dân địa phương. Hiện nay, công trình này đang bị bỏ hoang. Bà Doãn Thị Thống (78 tuổi, thôn Trung Oai) cho biết: “NVH thôn xây dựng đến nay đã 25 năm mà không được nâng cấp nên xập xệ, cửa gỗ đều đã mục nát cả. Lâu lắm chẳng ai dám đến gần”.

Nơi mong mãi chẳng có

Trong khi nhiều nhà văn hóa được chi “mạnh tay” để rồi… bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng và không thường xuyên tổ chức các hoạt động phục vụ người dân, thì tại một số địa phương lại không thể kiếm đâu ra địa điểm để sinh hoạt văn hóa.

" Trong số 1.527 NVH thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 688 NVH chưa đạt quy chuẩn do tận dụng các thiết chế đình, chùa, nhà trẻ, nhà kho, nhà bạt... Ngân sách của tỉnh còn ít nên kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa ở xã, phường còn nhiều hạn chế”.  


Ông Lê Tiến Lượng - Giám đốc NVH trung tâm tỉnh Thái Bình

Cụ Nguyễn Văn Xuyền, 82 tuổi ở thôn Cổ Dũng I, xã Đông La, (Đông Hưng, Thái Bình), ngậm ngùi cho biết: Cả xã Đông La có đúng hai thôn có NVH, còn 5 thôn mong mỏi mà chưa được xây. Từ trước đến nay, mọi sinh hoạt chung của thôn đều diễn ra tại đình Cổ Dũng-Đền Nghè. Một số thôn khác không có NVH phải họp nhờ trường tiểu học. “Kinh phí dành để làm đường trước nên chưa xây được NVH thôn. Bà con cũng lo nếu không làm được NVH mà họp mãi ở đình rồi hỏng ngôi đình cổ mất” - cụ Xuyền trăn trở.

Việc xét tiêu chí nông thôn mới đối với các địa phương gặp khó khăn trong việc bố trí diện tích đất và huy động các nguồn lực để xây dựng NVH - thể thao xã, NVH - Khu thể thao thôn cũng phải chủ động, linh hoạt.

Ông Trương Công Thấm – Trưởng phòng Thiết chế văn hóa cơ sở (Cục Văn hóa cơ sở - Bộ VHTTDL) cho biết: “Các địa phương sử dụng trung tâm học tập cộng đồng, nhà rông, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng, đình làng, NVH đã xây dựng từ trước, NVH liên thôn… tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân vẫn được tính đạt tiêu chí về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6) trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Còn về lâu dài, các địa phương này vẫn cần có lộ trình cụ thể quy hoạch, đầu tư xây dựng trung tâm văn hóa-thể thao xã, NVH-Khu thể thao thôn đảm bảo tiêu chí theo quy định của Bộ VHTTDL.

Tuy nhiên, cũng có những địa phương, người dân cho biết đã nghe thông tin về việc bố trí ngân sách xây dựng NVH nhưng đến giờ vẫn chỉ là “dự án treo”. Bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi, thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch) cho biết: “Từ tháng 2.2015, tôi biết có thông tin thôn chúng tôi sẽ được cấp 1 tỷ đồng để xây dựng NVH mới cho nhân dân sinh hoạt, nhưng đã hơn nửa năm, không có hoạt động xây dựng nào được triển khai. “Từ lúc có thông báo tới nay chỉ đắp thêm được cái sân bê tông vẫn còn lổn nhổn. Người dân kiến nghị nhiều và băn khoăn không biết số tiền ấy đang ở đâu mà vẫn chưa xây dựng nhưng lãnh đạo không giải đáp” - bà Hồng bức xúc.

Phóng viên NTNN đã liên lạc ông Nguyễn Quốc Long-Trưởng ban Văn hóa xã Đại Mạch để tìm hiểu thông tin nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem