Tết, lại chuyện bánh chưng quê, hay phố?

Thứ năm, ngày 30/01/2014 07:45 AM (GMT+7)
Bánh chưng không chỉ là một món ẩm thực truyền thống mà còn là hòn vía của tết cổ truyền bao đời nay.
Bình luận 0
Tuy nhiên, để có được chiếc bánh ấy nhiều người đã không khỏi băn khuăn giữa việc tự làm (rất lích kích, bất tiện trong thời buổi hiện đại) và mua sẵn (khó tin tưởng ở chất lượng).

Tiếng là được nghỉ làm nhưng ai cũng hiểu đang có khối việc Tết nhất ở nhà đang chờ mình về “đánh vật”. Mệt, tốn kém nhưng có nhiều thứ vẫn không thể bớt đi. Bởi thiếu nó thì chẳng còn là tết nữa. Ngày nay gạo, thịt, rượu, bánh kẹo, thuốc lá…sẵn tiền phẩy tay là có. Nhưng còn cái bánh chưng mới thật là khó nghĩ.

Cậu em họ tôi sau mấy năm làm ăn khấm khá đã chuyển nhà về một phố lớn ở Hà Nội. Tưởng ở nơi đô hội, 4 phía đều có siêu thị chắc cái gì cũng sẵn nhưng té ra lại lo chuyện bánh chưng lắm. Năm nào cũng vậy, cứ giáp tết lại gọi về báo anh gói hộ mấy cái để sắp lên bàn thờ và cho các cháu quên hương vị tết ông cha. Hẳn nhiều người mới nghe sẽ kêu: Giàu có như vậy mà vẫn còn nhờ vả anh chị mấy cái bánh. Nhưng không! kể ra cũng khó tính thật.

Bánh bán sẵn ở chợ quanh năm suốt tháng và thực ra mùi vị cũng khá. Có đủ các kích cỡ và nếu cần đặt mua có thể phục vụ tận nơi theo ý gia chủ, nhất là lại đặt bánh ở những cơ sở vốn trọng chức tín. Nhưng xem ra, đây lại là cái ăn vào bụng, nếu cứ phải “nghi nghi hoặc hoặc” thì cũng ngán lắm. Việc làm bánh đòi hỏi phải sờ mó, bốc bải, vật liệu thì luôn phơi bầy nên khó tránh khỏi những e ngại về vệ sinh. Hơn nữa, lâu nay thấy các phương tiện thông tin đại chúng nói chuyện làm mứt, làm bún, bánh kẹo… thấy ghê ghê nên chuyện nghi ngờ cả chiếc bánh chưng đi mua là có lí.

Biết bánh chưng mua sẵn vừa ăn vừa lo là vậy nhưng tính chuyện tự túc thì cậu em tôi cũng ngại lắm. Nhà cửa trật trội, nồi niêu lại không sẵn. Tuy bây giờ có bếp ga, thực phẩm bán đầy chợ kể cả (lạt tre, lá dong) nhưng còn mấy ai biết gói chiếc bánh vuông vức nữa chứ. Luộc xong lại còn phải ép nước, phải treo nên nghe chừng khó khăn thật.

Tôi biết cậu em không chỉ lo cho chất lượng mấy cái bánh mà điều sâu sa hơn là lo giữ được cái hồn vía, hương vị tết của ông bà ta cho thế hệ con cháu. Suốt cả năm trời ăn cơm nồi điện, uống bia hơi, động một tí là "Hê lô, ô kê" bằng tiếng Anh… nếu không có mấy chiếc bánh quê mùa này thì mất bản sắc thật.

Năm nay khoảng sân trước nhà tôi cũng không còn nữa, thay vào đó là một con đường bê tông rộng rãi. Cái mảnh sân quý như vàng bởi đến dịp cuối năm khói mù bếp củi luộc bánh, nướng khoai, đầy ắp tiếng trẻ nô đùa giờ đã thành quá khứ. Bên hiên hành xóm vọng sang tiếng cô con gái lớn vừa từ trường Đại học về hỏi bố:

-Tết này nhà mình còn gói bánh chưng không bố?

-Có chứ. Sao lại không.

Nói rồi ông quay sang cười với tôi:

-Năm nay không còn cái sân nữa, nhưng ta vẫn có cách. Sân thượng nhà chú rộng rãi, nhà tôi mới tậu được cái nồi to lắm. Ta lên sân thượng làm cái “liên minh” luộc bánh chưng chú ạ. Cũng vui phết. Dù có khó khăn đến đâu thì vẫn phải gắng lo cho trọn nghĩa một cái tết cho con trẻ chứ.

Tôi gật đầu rồi cười với ông và nhìn ra màn mưa xuân mỏng mảnh. Rét thế này được ngồi bên bếp lửa hẳn sẽ ấm áp vô cùng.
Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem