Đối tượng mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề đối mặt mức án nào?

Xuân Lực Thứ tư, ngày 13/08/2014 15:52 PM (GMT+7)
"Rất có thể các bị can bị Trang và Nguyệt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết phạm tội "có tổ chức" được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 120 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ "mười năm đến hai mươi năm hoặc chung thân", luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết.
Bình luận 0

Liên quan đến vụ mua bán trẻ em ở xảy ra ở chùa Bồ Đề, như đã đưa tin, hôm nay (13.8), thông tin từ Phòng CSHS (Công an TP.Hà Nội), quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, trú tại xã Khánh Hòa, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã được Viện KSND cùng cấp phê chuẩn.

img

Nguyệt và Trang tại cơ quan điều tra.

Theo quyết định khởi tố, hai bị can Trang và Nguyệt bị tạm giam 4 tháng để điều tra về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em” theo Điều 120, Bộ luật Hình sự.

Trước quyết định trên, nhiều độc giả đã đặt câu hỏi, với việc bị khởi tố ở về tội “Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”, hai bị can Trang và Nguyệt sẽ phải đối mặt với mức án nào?

Về câu hỏi trên, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định:

Với quy định về tội "Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em" theo quy định tại Điều 120 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì mức hình phạt đối với tội phạm quy định khoản 1 điều này là từ 3 năm đến 10 năm. Trong trường hợp người phạm tội thực hiện các hành vi quy định tại khoản 2 điều luật này thì khung hình phạt sẽ từ 10 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Ngoài hình phạt chính là phạt tù, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung đối với tội phạm này bao gồm: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc phạt quản chế từ 1 năm đến 5 năm.

"Đối với vụ án này, tôi cũng chỉ tiếp xúc các thông tin về vụ án thông qua các cơ quan truyền thông chứ chưa được tiếp xúc trực tiếp với hồ sơ vụ án từ các cơ quan tiến hành tố tụng. Chính vì vậy, sẽ rất khó có được một nhận định chính xác, mang tính khách quan đối với mức án mà các bị can Trang và Nguyệt phải đối mặt. Theo tôi nhận định, các bị can đã có sự bàn bạc cụ thể, câu kết và lên kế hoạch, phân công, phân nhiệm một cách bài bản nhằm qua mặt các cơ quan chức năng và qua mặt những người đang chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé. Đặc biệt hơn nữa các đối tượng còn thực hiện hành vi tại môi trường được coi là biểu tượng cho lòng từ bi, bác ái, phổ độ chúng sinh, từ xưa vốn được xem là nơi cứu vớt các số phận nghiệt ngã của các cháu bị bỏ rơi và có thể hậu quả gián tiếp của tội phạm đã làm cho cháu Cù Nguyên Công bị chết. Với các dấu hiệu nêu trên của các bị can Trang và Nguyệt, thì rất có thể các bị can bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tình tiết phạm tội "có tổ chức" được quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 120 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ "mười năm đến hai mươi năm hoặc chung thân", luật sư Trần Tuấn Anh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem