TP.HCM hoàn thiện kết nối giao thông nông thôn

NGUYỄN HỮU Thứ tư, ngày 22/07/2015 08:10 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm xây dựng nông thôn mới (NTM), những khó khăn, cách trở về giao thông của TP.HCM đã được xóa bỏ, người dân đi lại thuận lợi hơn bởi tính kết nối của hệ thống giao thông đang được hoàn thiện.
Bình luận 0

Xóm Gò (ấp 1, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) - nơi trước đây vốn được xem là “ốc đảo” giữa lòng thành phố bởi bốn bề sông nước của rạch Cống Lớn, giờ khoảng 100 hộ nơi đây đã hết cảnh “lụy đò” bởi đã được chính quyền triển khai xây dựng cầu Xóm Gò để phá vỡ thế bị cô lập.

Đường thông suốt từ nhà ra ruộng

Nhớ lại ngày ấy, ông Nguyễn Văn Bảy - một người dân sống tại đây cho biết, vào những dịp nước lớn, mưa bão, Xóm Gò bị cô lập hoàn toàn. Khổ nhất là các em học sinh, vào những ngày mưa to, gió lớn thường đi học hay bị trễ giờ. Nhưng theo ông Bảy, từ năm 2013 khi cầu Xóm Gò được xây dựng, người dân đi lại dễ dàng hơn, không còn cảnh “lụy đò” nữa. “Từ Xóm Gò ra trung tâm xã giờ chỉ mất khoảng 20 phút chứ không mất hàng tiếng như trước đây. Từ ngày có cầu cuộc sống người dân cũng khá hơn” - ông cho biết.

img

Đường giao thông nông thôn ở xã Lý Nhơn (Cần Giờ) hoàn chỉnh, đưa địa phương này gần với trung tâm thành phố hơn. Ảnh:  N.H

Trong khi đó, anh Tạ Văn Mười Hai (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh) cho biết, trước đây khu vực anh ở bị bao bọc bởi nhiều kênh rạch, để đi làm anh phải đi bộ hoặc chèo đò nên mất nhiều thời gian. Nhưng kể từ khi địa phương xây dựng Chương trình NTM, đường sá nông thôn được đầu tư nhiều nên đi lại bớt vất vả hơn. Từ nhà anh ra ruộng lúa giờ chỉ mất hơn 10 phút đi xe máy, còn trước đây mất hơn nửa tiếng đồng hồ.

Theo ông Nguyễn Văn Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, trong công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM của huyện luôn xác định việc phát triển giao thông cần đảm bảo tính kết nối các tuyến đường chính của huyện, cũng như của thành phố.

Tại xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ) - nơi được xem là xa nhất của thành phố, giao thông cũng không còn là trở ngại. Hệ thống đường liên xã, liên ấp đã được hoàn thiện. Theo anh Dương Minh Hoàng (ngụ ấp Lý Thái Bửu, Lý Nhơn), đường sá hiện nay được làm xuyên suốt đến tận đồng ruộng nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản, buôn bán... “Nhà tôi làm muối, nhờ có giao thông nên giờ xe đến tận ruộng chứ không còn phải gồng gánh nặng nhọc như trước đây” - anh Hoàng nói.

Phát triển cả lượng và chất

Theo Sở GTVT TP.HCM, trong 5 năm qua, tại 5 huyện ngoại thành TP.HCM, đã có hơn 1.800 công trình giao thông nông thôn được xây dựng mới với chiều dài 1.256km. 

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP.HCM, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng đã tạo điều kiện thay đổi diện mạo khu vực nông thôn thành phố. Chỉ tính riêng trong năm 2014, thành phố đã làm mới, duy tu gần 150km trục đường xã, liên xã; hơn 280km đường ấp, liên ấp. Ngoài ra, thành phố còn làm mới, nâng cấp hơn 200km đường xóm, ấp và 124km đường nội đồng. Trong năm 2015, các tuyến đường nông thôn tại thành phố cũng sẽ được thường xuyên nâng cấp, duy tu để phục vụ nhu cầu  người dân. 

Theo đại diện Sở GTVT TP.HCM, trong giai đoạn 2015 – 2020, sở sẽ tiếp tục tập trung phát triển hệ thống giao thông nông thôn kể cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đó, phát triển đồng thời giao thông bộ và giao thông thủy để phục vụ vận chuyển hàng hóa nông nghiệp cho nông dân thành phố. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thành Chung - Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, sở cũng đã đề nghị các đơn vị thực hiện đầy đủ các hệ thống biển báo giao thông để hạn chế tai nạn trên các tuyến đường, đồng thời tập trung sử dụng nguồn vốn duy tu hợp lý để phát triển giao thông nông thôn.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem