Người Cự Trữ giúp nhau giữ nghề

Chu Hồng Châu Thứ hai, ngày 02/03/2015 14:25 PM (GMT+7)
Trải qua hàng trăm năm làm nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải, giờ đây làng dệt Cự Trữ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định) vẫn vang vọng tiếng thoi, chứa đựng tâm huyết giữ nghề cha ông. Người dân nơi đây đang tiếp tục mở rộng nghề dệt bằng việc thành lập các tổ hợp tác.
Bình luận 0

Tăng năng suất nhờ điện khí hóa

Hiện tại, hầu hết các hộ trong làng đều có ít nhất 4 khung dệt, nhà nhiều lao động có từ 12-15 khung như hộ chị Bùi Thị Bình (45 tuổi), chưa kể các Tổ tổng hợp có tới vài trăm khung sản xuất trong nhà xưởng tập trung. Mặt hàng được các hộ trong làng tập trung sản xuất trong những năm gần đây là khăn mặt, khăn tắm, khăn ăn và băng gạc y tế.

img

Chị Vũ Thị Huệ (44 tuổi), người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề dệt.     Hồng Châu
Theo chị Vũ Thị Huệ (44 tuổi, người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề), thập niên 80-90 thế kỷ trước người làng chủ yếu dệt bằng máy đạp chân theo phương pháp cổ truyền. Từ khi điện khí hóa, vận hành khung cửi bằng mô-tơ điện, kể cả khâu quay xa suốt chỉ, năng suất tăng đáng kể, một người có thể vận hành từ 3-5 khung dệt. Do số lượng khung cửi trong làng lên đến cả nghìn chiếc nên nhu cầu sửa chữa là rất lớn. Những hỏng hóc nặng cũng đã có những thợ kỹ thuật trong làng sẵn sàng đáp ứng, trong làng cũng có một số đại lý cung cấp đầy đủ các linh kiện phục vụ sửa chữa khung cửi. “Hầu hết người dân nơi đây khi còn nhỏ đã tiếp xúc với nghề, lớn lên tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm thêm nên tay nghề ngày càng được nâng cao, chứ có ai được học qua trường lớp nào đâu"- chị Bùi Thị Ngần (45 tuổi) vừa theo dõi 4 khung cửi vừa vui vẻ cho biết.

 

Bây giờ làng nghề truyền thống này luôn vang tiếng lách cách của thoi dệt. Mỗi tuần trả hàng một lần, bình quân 3 máy trong 1 tháng sản xuất được khoảng 3,5 tạ hàng.

Giữ mãi tiếng thoi truyền đời

Hiện làng Cự Trữ có khoảng 2.000 hộ với 4 Tổ tổng hợp, trong đó có 3 tổ dệt băng, một tổ dệt khăn. Mỗi tổ có từ 500- 600 khung cửi phân bổ về các hộ trong làng để sản xuất. Mô hình sản xuất này tạo điều kiện ban đầu giúp cho các hộ dân lắp đặt khung cửi, nhận sợi về dệt theo đơn đặt hàng, nếu các hộ có nhu cầu mua hoặc thay khung cửi mới, chủ tổ hợp sẽ cho tạm ứng tiền, hàng tháng trừ dần vào tiền công sản xuất cho đến khi trả xong.

Theo ông Bùi Văn Thắng (48 tuổi), chủ một Tổ tổng hợp có quy mô lớn tại làng Cự Trữ, ngoài xưởng dệt gia đình với hơn 30 khung dệt, ông còn mua gần 200 máy phụ giúp các hộ dân trong làng duy trì nghề truyền thống. Nguồn sợi dệt cung cấp cho làng nghề được các chủ Tổ tổng hợp nhập từ các nhà máy ở Nam Định, Hà Nội, Vĩnh Phúc... Mỗi tháng, riêng cơ sở ông Thắng cung cấp trên 15 tấn sợi cho các hộ trong làng.

Hàng sản xuất ra sau khi kiểm định, đóng gói sẽ được các Tổ tổng hợp xuất bán cho các bệnh viện, trung tâm y tế trên khắp cả nước đối với hàng băng gạc; với mặt hàng khăn các loại sẽ được các tổng đại lý lớn đặt mua cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn cũng như phục vụ dân sinh. Hàng thành phẩm chủ yếu đo bán theo mét dài, có đại lý mua theo kg. Cơ sở của ông Thắng xuất bình quân 100.000m băng gạc/tuần với giá dao động từ 1.600- 2.000 đồng/m tùy loại và tùy thời điểm.

"Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng, người dệt nhiều thì được 4-5 triệu đồng, đó chưa phải là mức thu nhập tương xứng, nhưng công việc nhẹ nhàng, có thể làm thêm đồng áng nên chúng tôi quyết giữ nghề"- chị Vũ Thị Huệ chia sẻ.

Hiện đa số các hộ trong làng đều xây nhà xưởng, tạo dựng khung dệt bằng vốn tự tích lũy mà không vay vốn ngân hàng. Họ được các Tổ tổng hợp nhiệt tình giúp đỡ, hàng tháng nhận sợi về dệt, mang trả hàng, tiền thanh toán mua máy sẽ được trừ dần theo tiền công hàng tháng.   
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem