Doanh nghiệp và nông dân bắt tay nuôi tôm sạch

Thứ năm, ngày 09/12/2010 17:45 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã qua rồi cái thời nông dân cứ nuôi tôm là trở thành tỷ phú. Nuôi tôm ở ĐBSCL bây giờ rất bấp bênh và có nhiều nguy cơ phá sản.
Bình luận 0
img
Lễ ký kết hợp tác giữa VASEP và Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh.

Nguyên nhân sâu xa là do người nông dân không nắm bắt kịp thời yêu cầu của thị trường. Muốn tồn tại và phát triển được trong thị trường toàn cầu, nông dân Việt Nam bắt buộc phải chấp nhận luật lệ chung. Một trong số đó là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Tôm Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mất thị trường và thị phần rất cao ở các nước” - ông Trần Thiện Hải - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) lo lắng.

Ông Hải cho biết, ngoài Nhật Bản đã ban hành lệnh kiểm tra 100% lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam vì phát hiện trong tôm Việt Nam có nhiễm hóa chất Trifluralin quá mức cho phép, trong năm 2011 châu Âu, Mỹ cũng sẽ có các hoạt động kiểm tra tương tự.

VASEP cho biết, 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam là 195 ngàn tấn, giá trị gần 1,7 tỷ USD. Dự kiến cả năm sẽ đạt 2 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2009.

Ông Trần Hữu Mai - Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) thẳng thắn thừa nhận người nuôi tôm hiện nay sử dụng nhiều hóa chất trong nuôi trồng như thuốc diệt cỏ, nấm, rong trong ao, tẩy trắng, trị bệnh cho tôm… Nhưng họ cũng đang ý thức được hóa chất cũng sẽ giết chết các con tôm sạch khác và làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm. “Từ 3 năm nay, tôi đã chuyển qua nuôi tôm sạch, tôm sinh thái, nuôi bằng chế phẩm sinh học. Nhưng để nuôi tôm sạch, phải đầu tư thêm rất nhiều, khoảng 500 triệu đồng/ha nên nếu bán bằng giá tôm thường như hiện nay thì sẽ không đủ bù chi phí” – ông Mai cho biết.

Nhiều người nuôi tôm thừa nhận họ đang rất thiếu thông tin về thị trường xuất khẩu và thiếu cả kiến thức về các loại hóa chất mình sử dụng. “Trifluralin là hóa chất dùng diệt cỏ, tảo trong ao được bày bán khắp nơi mà nếu không mua đúng nơi uy tín thì vẫn bị nhầm như thường” – ông Mai lo lắng.

VASEP đã ký thỏa ước với Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh để cùng sản xuất và tiêu thụ tôm sạch. Theo thỏa ước, hai bên sẽ trao đổi thông tin về tình hình nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm trong và ngoài nước, phối hợp trong việc quản lý chất lượng tôm nhằm tối ưu hóa nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu tôm. Toàn bộ tôm sạch của các thành viên thuộc Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh sản xuất sẽ được VASEP thu mua với mức giá hợp lý, bảo đảm nông dân có lãi.

UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư của tỉnh phối hợp Trường ĐH Cần Thơ vừa ra mắt Cổng thông tin điện tử phòng, chống dịch hại thủy sản. Cùng với trang web của VASEP, đây sẽ là nơi cập nhật những thông tin nóng hổi về tình hình dịch bệnh, cách phòng ngừa cũng như những hóa chất, kháng sinh, các rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu đặt ra.

“Chúng ta phải quyết liệt cải thiện tình hình, để tháng 1-2011 trong “Sách trắng” sẽ nêu ra sự tiến bộ trong chế biến, nuôi trồng tôm cho thế giới biết rõ hơn về ngành tôm Việt Nam” - ông Trần Thiện Hải cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem