Luống cà đĩa hoa tím ven sông quê

Bài, ảnh: Ngọc Hoa Thứ bảy, ngày 05/09/2015 08:48 AM (GMT+7)
Ở vùng đất bồi phù sa ven sông Bồ ở Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế quê tôi ngày ấy, những người dân quê và mẹ tôi, ngoài trồng đậu, bắp ra, còn tranh thủ trồng thêm những hàng cà dĩa (đĩa) để có thêm thức ăn hàng ngày.
Bình luận 0

img

Vẻ đẹp mơ màng con sông Bồ quê tôi.

Tháng Tư, những cơn mua giông đầu mùa ập về, chỉ một tuần sau luống cà ven sông của mẹ bỗng xanh tốt mỡ màng, hoa cà màu phớt tím thi nhau nở rộ. Mỗi cây có tới hàng chục quả bu bám khắp cành. Vườn cà của mẹ tôi trồng chỉ có giống cà đĩa, quả khá to có thân bẹt với  hai màu trắng và tím nhạt, ăn rất giòn và thơm.

Tuổi thơ, vào những buổi chiều nghỉ học, tôi theo mẹ ra bãi bồi ven sông để hái cà. Lúc bấy giờ, mẹ tôi ân cần chỉ cho tôi cách  hái những trái cà dĩa mà không ảnh hưởng đến cây trồng. Khi mặt trời gát núi, mẹ tôi mang những trái cà dĩa vừa hái đựng trong cái nón cời về nhà rửa sạch để ráo nhằm chế biến nhiều món ăn dân dã từ cà dĩa như cà xào với lá lốt, cà luộc chấm mắm ruốc, cà nấu canh hến ăn rất mát vào mùa hè, cà tươi xắt chấm mắm rút, cà kho với cá khô, cà nấu canh với tép khô… Song, món tôi thích nhất là món cà dĩa chiên với tỏi.

Sau khi rửa sạch cà, mẹ lấy dao bằm 2 mặt của trái cà nhiều nhát để chiên cho mau chín và ngâm vào nước muối khoảng 10 phút, sau đó vớt ra cho vào nước sôi luộc qua cho cà vừa chín thì vớt ra  để ráo. Rồi mẹ dùng dầu phộng phi với tỏi cho thơm, bỏ những trái cà đã sơ chế vào chiên lửa nhỏ, đồng thời trở qua, trở lại cho chín đều và nhắc xuống gắp ra đĩa để dằm với nước mắm ngon và ớt, tỏi. Bữa cơm ngày hè quê tôi, chẳng mấy khi thiếu đĩa cà chiên với dầu phộng, tỏi thơm nức mũi.

Những khi cà ra trái rộ, mẹ tôi hái nhiều về làm món muối chua. Để có được hũ cà muối thực sự ngon, dòn cần phải trải qua rất nhiều công đoạn chế biến công phu. Mẹ tôi chọn loại cà dĩa có trái màu trắng để ăn dòn và khía trái cà ra làm 4, có thể phơi nắng hoặc chần qua nước sôi. Sau khi sơ chế cà, mẹ dùng một cái hũ bằng sành, miệng rộng để muối cà. Cứ một lớp cà rồi đến một lớp muối, sau cùng gài những thanh tre sạch lên cà rồi dùng vật nặng như một tảng đá nén cho thật chặt, đậy kín nắp hũ để khoảng 15 - 20 ngày sau là cà chín. Lúc bấy giờ, trái cà muối sẽ phồng căng, vỏ ngoài thấy trắng trong và cắn thấy giòn, xốp, ăn với nước mắm tỏi ớt rất lạ và ngon miệng, nhất là vào mùa lạnh.

Tôi làm sao quên được mùi thơm của món cà chiên với tỏi lan tỏa trong không gian nhà bếp buổi chiều về khiến cho những cái bụng đói của anh em chúng tôi thêm cồn cào, thúc giục.

Ngày nay, mỗi lần đi ven sông Bồ, thấy  vườn cà nhà ai nở hoa tím ngát, tôi lại nhớ về hình ảnh tuổi thơ của tôi ngày ấy ven sông, nhớ cả nhà tôi quây quần ăn bữa cơm nóng sốt dẻo với món cà chiên dân dã thơm ngon đã ở trong tôi suốt cả cuộc đời.

img

Món cà muối chua.

img

Món cà dĩa chiên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem