Đất Mũi tuy xa mà gần

Hoàng Hạnh Thứ năm, ngày 05/06/2014 07:10 AM (GMT+7)
Nếu trước đây đường về Đất Mũi (Cà Mau) xa xôi cách trở thì thời gian gần đây Đất Mũi, nơi cuối cùng của cực Nam Tổ quốc đã trở nên gần gũi với người dân khắp nơi hơn bao giờ hết. Lòng mến khách của người Đất Mũi đã khiến du khách đến đây 1 lần là lưu luyến cả đời…
Bình luận 0
Tình và người xứ Mũi

Hôm cùng gia đình anh bạn đồng nghiệp “phượt” một chuyến ở Đất Mũi (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), tôi phân vân không biết người và tình Đất Mũi có làm hài lòng và níu chân được khách phương xa. Gần 1 ngày đến Đất Mũi, chiều về anh bạn tôi bảo: “Một chuyến đi đầy ấn tượng”.

Du khách chụp hình bên biểu tượng Đất Mũi.
Du khách chụp hình bên biểu tượng Đất Mũi.
Đúng 8 giờ sáng, đoàn chúng tôi bắt đầu xuất phát từ trung tâm TP.Cà Mau đến Đất Mũi. Tới thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn xe chúng tôi phải gửi lại tại bãi xe để xuống canô đi Đất Mũi bằng đường sông. Hơn 45 phút ngồi trên canô xuyên qua những cánh rừng đước ngập mặn khiến các thành viên trong đoàn chúng tôi ai cũng thích thú.

Là người có hơn 10 năm cầm vô lăng canô chở khách, anh Tốt (tài xế lái canô) hiểu được tâm lý của khách, nên mỗi khi chiếc canô đi tới những nơi có phong cảnh đẹp anh Tốt đều chủ động cho canô đi chậm để khách kịp đưa mắt tham quan.

Đến Đất Mũi, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là những chiếc canô nối đuôi nhau đậu dài dưới bãi sông, nơi dẫn vào Công viên Văn hóa du lịch Mũi Cà Mau. Còn trên bờ, những đoàn khách thập phương vui cười dạo quanh những con đường tráng nhựa phẳng lì xuyên qua những cánh rừng đước. Ai cũng tranh thủ đến chụp ảnh tại toạ độ cuối cùng của Tổ quốc và biểu tượng của Mũi Cà Mau. Thật khó nói hết cảm xúc dâng trào khi chúng tôi đặt chân trên tấc đất cuối cùng của đất Mẹ…

Anh Huỳnh Công Phương – cán bộ xã Đất Mũi cho biết, Đất Mũi là chặng cuối cùng của tuyến Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau. “Nơi đây được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh đẹp với các khu rừng đước bạt ngàn, và những món ăn đặc sản của xứ biển. Với nhiều tiềm năng và lợi thế hiếm nơi nào có được, cộng với phong cảnh còn khá hoang sơ nó như sợi dây vô hình níu chân du khách. Đặc biệt hơn là người Đất Mũi luôn có cái tình với khách. Người dân Đất Mũi ai cũng xem khách đến đây là “thượng khách” nên tiếp đãi ân cần theo cách hào sảng đất phương Nam.

Chỉ có ở “Đất Mũi”

Chúng tôi ghé ăn trưa tại nhà hàng Công đoàn Đất Mũi và được cô nhân viên của nhà hàng tên Thương ân cần mời khách vào bàn. “Nghe nói ở đây có nhiều món ngon ?”- tôi buông câu hỏi không đầu đuôi như thế. Sau nụ cười hiền, Thương đáp: “Tuy không phải là cao lương mĩ vị, nhưng các món ăn của nhà hàng em đảm bảo làm quý khách ngon miệng”.

Năm 2010, Công viên Văn hoá du lịch Mũi Cà Mau được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long bình chọn là điểm du lịch tiêu biểu. Ngành Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã quy hoạch, đầu tư phát triển Đất Mũi thành khu vực không chỉ là điểm du lịch số một của tỉnh Cà Mau mà là khu du lịch mang tầm quốc gia.

Đúng như lời giới thiệu, khi ngồi vào bàn ăn chúng tôi mới cảm nhận hết từng hương vị khác nhau của các món ăn. Có lẽ do tính đặc thù của hải sản xứ biển, cộng thêm tay nghề nấu nướng tuyệt vời của đầu bếp nhà hàng nên những món ăn đều mang một hương vị đậm đà khác nhau.

Càng thú vị hơn khi khách được nhân viên nhà hàng giới thiệu tỉ mỉ về các món ăn như: Cá thòi lòi nướng, cá nâu nấu chua, dọp luột rừng hay món ốc len xào dừa... Cô nhân viên tên Thương bảo ở xứ này con nít cũng thuộc câu vè: “Câu mực tuy cực mà vui. Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài”. Đây là câu vè nói về một món ăn đặc sản của Đất Mũi, món trứng mực không đơn thuần chỉ là món ăn, mà nó còn chứa đựng trong đó cả hương vị quê hương, chứa đựng bản sắc văn hóa ẩm thực của xứ Cà Mau.

Tuy còn nhỏ tuổi nhưng kiến thức của cô nhân viên nhà hàng này không kém các tay ẩm thực chuyên nghiệp. Thương cho biết, để có được món trứng mực phải trải qua một công đoạn vô cùng công phu từ khâu đánh bắt đến cách chế biến. Khoảng qua tết cho đến tháng 2 – 5 âm lịch mực mới ôm trứng. Khi bắt lên, ngư phủ xẻ thân mực phơi khô, còn hai bọc trứng nằm khuất bên trong được lấy ra rồi trộn chung với trứng vịt, thịt và gan heo để khi chế biến có được vị thơm, ngon, béo bùi. Sau đó, thấm dầu ăn vào tay vo tròn rồi ép dẹp, phơi khô đem về đất liền.

Anh Trần Minh Triều – quản lý nhà hàng Công đoàn Đất Mũi cho biết, nhà hàng được thành lập vào đầu năm 2012, chuyện phục vụ các món ăn hải sản tươi sống, với giá cả bình dân. “Hàng tháng nhà hàng đón tiếp hàng ngàn lượt khách tham quan cả trong và ngoài nước. Ngoài việc được thưởng thức các món ăn ngon, du khách có thể giao lưu đờn ca tài tử nếu có nhu cầu” – anh Triều nói.

Chiều buông, chiếc canô nhẹ nhàng lướt sóng đưa chúng tôi về lại thị trấn Năm Căn mà câu hát tặng khách của cô nhân viên nhà hàng Công đoàn Đất Mũi như còn vang mãi: “Anh đến quê em đất biển Cà Mau, cỏ cây xanh tươi đước rừng bát ngát. Dòng sông Tam Giang nắng chảy đưa người về thăm quê em Đất Mũi xa xôi, trời xanh Năm Căn gió lộng tứ bề…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem