Nam Định có một cây cầu bắc qua sông Kim, vì sao lại đặt tên là cầu Vô Tình sau chiến thắng giặc Nguyên Mông?

Mai Chiến Thứ bảy, ngày 20/04/2024 05:31 AM (GMT+7)
Cầu Vô Tình nằm trên Quốc lộ 21, bắc qua dòng sông Kim thuộc thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) - một địa danh gắn liền với chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần.
Bình luận 0

CLIP: Cầu Vô Tình bắc qua dòng sông Kim (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) gắn liền với trận đánh của quân ta thắng quân địch dưới thời nhà Trần và thời kỳ chống Pháp xâm lược. Thực hiện: Mai Chiến.

Cầu Vô Tình có chiều dài 6,4m; rộng 13m; lý trình km 167+339 QL 21. Cầu bắc qua một con sông, hai bên cầu có lan can cao hơn 1m, rất chắc chắn. Cách cầu không xa, có 1 bảng xanh ghi rõ tên, vị trí cầu.

"Vì sao cầu này lại có tên là Vô Tình, ai đặt tên?". Theo tìm hiểu của chúng tôi, cầu Vô Tình vốn là một địa danh gắn liền với chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân nhà Trần (năm 1285).

Khi chiến sự diễn ra quyết liệt, vua nhà Trần đã tạm rời kinh thành Thăng Long về Thiên Trường (Nam Định) tìm kế chống giặc.

Vua Trần chú trọng xây dựng phòng tuyến phía Nam để phòng giặc Nguyên Mông từ phía biển đánh lên.

Đầu xuân năm 1285, một toán kỵ binh Nguyên Mông từ vùng Bố Hải Khẩu tràn sang, kết hợp với toán bộ binh từ cửa sông Hồng đổ lên, chúng định đánh vào phía Nam phủ Thiên Trường.

Nam Định có một cây cầu bắc qua sông Kim, vì sao lại đặt tên là cầu Vô Tình sau chiến thắng giặc Nguyên Mông?- Ảnh 2.

Ngày nay, cầu mang tên là cầu Vô Tình bắc qua dòng sông Kim (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) đã được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Mai Chiến.

Bên ta nhiều đạo binh ở các nơi về phối hợp với dân binh tại chỗ, đánh giặc bảo vệ cung điện nhà Trần. 

Chiếc cầu bắc qua sông Kim nằm trên tuyến đường quan trọng của vùng này bị ta phá, bên ta làm cầu giả thay thế, rồi cho quân phục sẵn hai mố cầu.

Sau đó, cho một toán đánh nhau với chúng rồi giả vờ thua rút đến gần cầu, giặc gần tới nơi, ta rút thật nhanh qua cầu rồi tháo cạm. Cầu bị sập, người, ngựa bên phía địch giẫm đạp lên nhau chết vô số.

Nhận thấy quân địch đang rơi vào thế yếu, quân mai phục của ta hò la xông lên. Quân địch vô tình chủ quan, bị động nên không kịp trở tay, đã bị thất bại hoàn toàn.

Nam Định có một cây cầu bắc qua sông Kim, vì sao lại đặt tên là cầu Vô Tình sau chiến thắng giặc Nguyên Mông?- Ảnh 4.

Bia chiến thắng cầu Vô Tình bắc qua con sông Kim (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Từ ấy, cây cầu qua sông Kim được mang tên Vô Tình. Vậy nên đời sau có người qua cầu Vô Tình đã làm bài thơ "Vô Tình hoài cổ" cảm kích vì trận chiến thắng, góp phần nhỏ cùng đại quân Trần đánh bại đội quân xâm lược hung hãn:

"Địa cảo thiên cao, tứ vọng bình

Vô Tình đáo thử lãng do minh

Trần quân ca xứ, Nguyên quân khấp

Kỷ độ xuân phong đoản sáo hoành"

Tạm dịch:

 "Đất rộng trời cao bốn mặt bằng

Vô tình trận ấy tiếng còn vang

Quân Trần ca hát, quân Nguyên khóc

Mấy độ xuân ca giáo cắp ngang".

Nam Định có một cây cầu bắc qua sông Kim, vì sao lại đặt tên là cầu Vô Tình sau chiến thắng giặc Nguyên Mông?- Ảnh 6.

Nội dung bia chiến thắng cầu Vô Tình (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Cũng ở vị trí cây cầu này, vào thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra quanh khu vực cầu Vô Tình. Ngày 15/12/1952, Tiểu đoàn Thanh Lãng phối hợp với du kích đã phục kích ở cầu Vô Tình, đón đánh đoàn xe chở địch.

Khi xe đi đầu của địch đến cách cầu Vô Tình khoảng 100m thì mũi tiến công của quân ta nổ súng ở cầu Đông Thượng (thôn Thượng, xã Trung Đông, huyện Trực Ninh). 

Chiếc xe đầu vừa dừng lại, mũi chặn đầu của quân ta ở trại Vô Tình bắn ra, đội hình xe địch ùn lại. 

Quân ta phục ở hai bên đường xông lên, quân địch chống đỡ không nổi bỏ chạy tán loạn vào Đông Trung (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh) lẩn trốn.

Kết quả trận phục kích ở cầu Vô Tình, nhân dân và du kích đã bắt sống 40 lính Âu Phi, 90 ngụy binh; đốt cháy 18 xe vận tải các loại của địch.

Trước việc trận đánh kết thúc quá nhanh, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã nảy ra ý định táo bạo lừa địch, ép lính vô tuyến điện của địch đang bị bắt giữ liên lạc qua điện đài xin cấp trên của hắn khẩn cấp tiếp viện.

Nam Định có một cây cầu bắc qua sông Kim, vì sao lại đặt tên là cầu Vô Tình sau chiến thắng giặc Nguyên Mông?- Ảnh 8.

Du khách chụp ảnh kỷ niệm bên bia chiến thắng cầu Vô Tình (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ảnh: Mai Chiến.

Trưa 16/12/1952, trực thăng địch bay đến khảo sát, 4 máy bay vận tải tới thả 50 dù hàng gồm súng, đạn, quân trang, dụng cụ... xuống đồn Vô tình. 

Như vậy ta đã bịt mắt địch để địch vô tình tiếp tế cho ta tiếp tục đánh chúng. Do đó, những giai thoại về cầu Vô tình vì thế ngày càng thêm ly kỳ…

Sau này, có người đã ngẫu hứng sáng tác: "Vô tình hai chữ vô tình/ Vô tình với giặc, hữu tình với ta".

Ngày nay, nếu có dịp đi qua cầu Vô Tình (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định), du khách sẽ được tận mắt nhìn thấy bia di tích chiến thắng cầu Vô tình vẫn còn được giữ nguyên vẹn, như là 1 minh chứng cho cái tên Vô Tình vẫn được nhiều người nhắc đến.

Nội dung bia ghi: "Nơi đây trong hai ngày (15 và 16/12/1952), lực lượng vũ trang huyện Trực Ninh phối hợp cùng với Trung đoàn 48, Đại đoàn 320 đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu kiên cường đánh chiếm Đồn vô tình tiêu diệt toàn bộ quân địch trong chăn cứ và lực lượng tăng viên bắt tù binh, thu vũ khí và chiến lợi phẩm, tạo thế cho quân và dân trong huyện đồng loạt tiến công giải phóng quê hương".

Hơn 70 năm trôi qua, cầu Vô Tình đã được nâng cấp, sửa chữa nhiều lần; trở thành chứng nhân lịch sử, chứng kiến biết bao tấm gương anh dũng hy sinh trong lúc bảo vệ, sửa chữa cầu, phà, chiến đấu, đánh trả máy bay địch, góp phần vào sự nghiệp giải phóng non sông, thống nhất đất nước.

Hiện cầu Vô Tình nằm trên con đường huyết mạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông từ thành phố Nam Định xuôi về các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường và ngược lại. Mỗi ngày cầu Vô Tình "cõng" hàng nghìn lượt xe qua lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem