Một làng cổ Bắc Ninh có trống sấm, cây cổ thụ gần 600 năm tuổi, dãi dầu mưa nắng vẫn "sinh con đẻ cái"

Thứ năm, ngày 02/05/2024 14:51 PM (GMT+7)
Phương ngôn xứ Bắc còn lưu truyền câu “Trống Chờ, chiêng Chõ, mõ Phù Lưu”. Đây là 3 nhạc khí nổi tiếng trong các công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Kinh Bắc - Bắc Ninh. Trống Chờ là trống của làng Phú Mẫn có tên nôm là Chờ cả...
Bình luận 0
Trống Chờ là trống của làng Phú Mẫn có tên nôm là Chờ cả; Chõ là tên nôm của làng Dương Sơn, nay thuộc phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn; còn Phù Lưu nay thuộc phường Đông Ngàn, thành phố Từ Sơn .

Làng Phú Mẫn thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, (tỉnh Bắc Ninh) nằm trên ngọn núi Hàm, hay còn gọi là Hàm Sơn. 

Phú Mẫn là làng cổ, có truyền thống hiếu học và khoa bảng. Sách “Bắc Ninh phong thổ ký” có nhận xét “Về văn học thì Vọng Nguyệt, Phú Mẫn là nhiều hơn cả”.

Phú Mẫn cũng là nơi mà đình, đền, chùa được xây dựng quy mô, to đẹp với nhiều di vật quý như trống sấm, gạch rồng, chuông đồng (đúc từ thời Quang Trung) và cây thị già vào bậc Di sản quốc gia. 

Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, thiếu nhi Phú Mẫn học tập giỏi, chăm sóc trâu bò béo khỏe, vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen đúng dịp Kỷ niệm 79 năm Ngày sinh của Người (19-5-1969).

Một làng cổ Bắc Ninh có trống sấm, cây cổ thụ gần 600 năm tuổi, dãi dầu mưa nắng vẫn "sinh con đẻ cái"- Ảnh 1.

Trải gần 600 năm, cây cổ thụ là cây tthị cổ ở làng cổ Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn mướt xanh.

Đền Chờ nằm trên đỉnh núi Hàm, thờ đức thánh Quý Minh đại vương. Tương truyền ngài là danh tướng thời kỳ Hùng Vương đánh giặc nhà Thục. 

Sau khi đánh thắng giặc, bị thương, ngài trở về và hóa ở đây. Nhân dân địa phương xây lăng mộ, lập đền thờ, dân gian vẫn gọi Đức Thánh là vua Chờ. Nơi đây vẫn còn câu ca: Vua Chờ còn mải giết trâu/Để cho vua Nét xách bầu nước đi.

Vào triều Lê, niên hiệu Hồng Thuận (1509-1516) năm 1512 trời đại hạn, khắp nơi nứt nẻ, ruộng đồng hoang hóa, dân tình oán thán. Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm (đỗ khoa Mậu Thìn 1508) quê ở làng Thọ Khê xã Đông Thọ, vâng mệnh nhà vua về cầu mưa (còn gọi là cầu đảo) ở đền Phù Đổng, nhưng không được, thần bèn chỉ cho về đền Chờ mà cầu. 

Thám hoa về đền Chờ, mổ trâu cúng tế. Chưa hết tuần hương, gió nổi lên đùng đùng, mưa xối xả, chẳng mấy chốc nước ngập trắng đồng. Nhớ công ơn ấy, nhà vua ban thưởng cho đền Chờ một cái trống rất lớn dùng vào việc cầu mưa hàng năm. 

Trống to, phải dùng vồ để đánh, tiếng trống to như sấm nên dân gian gọi là trống Sấm. Ngoài ra nhà vua còn ban cho 5000 viên gạch rồng, để tu bổ nhà đền. Thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi đền cổ vẫn được nhân dân làng Chờ cả giữ gìn và tu sửa, năm 1994 được công nhận Di tích Lịch sử-Văn hóa nghệ thuật cấp quốc gia. 

Để “lưu danh thiên cổ mãi còn lưu”, năm 1997, nhân dân Phú Mẫn làm trống Sấm mới, theo kiểu dáng trống Sấm xưa. Trống mới có đường kính thân trống 2,2 mét, chiều dài tang trống 2,2 mét, đường kính mặt trống 1,67 mét, căng bằng da trâu. 

Toàn bộ phần tang trống và đai trống đều sơn mài, màu đỏ tươi có vẽ hình rồng và được đặt trên chiếc xe, có hình đầu rồng, có 4 bánh xe để di chuyển được dễ dàng. Các cụ cao niên cho rằng trống Sấm mới còn nhỏ hơn trống Sấm cũ khoảng trên 10 cm.

Chuẩn bị cho Lễ hội 1000 năm Thăng Long (1010-2010) Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội đã về Phú Mẫn để ngưỡng vọng trống Sấm và quyết định làm trống cho lễ hội theo dáng vẻ như của Phú Mẫn nhưng phải to lớn hơn, cho xứng đáng tầm lễ hội Quốc gia.

Đền Chờ nằm dưới bóng cây thị cổ thụ, tươi cành xanh lá quanh năm. Theo tấm bia đá dựng năm 1685, thì đền Chờ được trùng tu to lớn vào năm 1680 đến năm 1684 hoàn thành, trở thành ngôi đền “nguy nga, huy hoàng, quy mô chưa từng thấy”. 

Cây thị là chứng nhân lịch sử cho ngôi đền này. Trước đây đồn đoán cây thị cổ này phải có tuổi từ 300 đến 400 năm. Nhờ có khoa học, vào cuối năm 2012, Viện khoa học Lâm nghiệp Việt Nam giám định cây thị ở đền Phú Mẫn có đường kính thân một bên là 1,3m, một bên là 1,76m, chiều cao cây 30m, đường kính tán rộng 35m, cây có tuổi thọ 573 năm. 

Như vậy cây thị được trồng vào năm 1439, năm 2024 này cụ thị đã có tuổi là 585 năm. Được biết tại chùa Linh Quang của làng cũng có cây thị có tuổi 419 năm.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giặc đã cho nổ mìn vào giữa thân cây, rồi đốt cháy, hòng làm nhụt ý chí chiến đấu của nhân dân làng Chờ. 

Cây thị không đổ, không chết, ngược lại vẫn ngạo nghễ vươn lên xanh tốt, như ý chí của người dân làng Chờ, chẳng kẻ thù nào khuất phục được. Cây thị to bốn năm người ôm không xuể, phần giữa thân trống huếch, là chứng tích tội ác kẻ thù.

Trống Sấm, đền Chờ cùng với cây thị cổ tích là những báu vật của quê hương Phú Mẫn. Nơi đây càng rạng danh khi được Bác Hồ gửi thư khen các cháu thiếu niên Phú Mẫn về thành tích học tập tốt, chăm sóc trâu bò béo khỏe vào năm 1969.

Mùa xuân đang đến, bạn hãy đến thăm đền Chờ để chiêm ngưỡng trống Sấm, cây thị và những viên gạch rồng cổ… cảm nhận sự thay da đổi thịt của làng Chờ qua mấy chục năm đổi mới, để rồi thêm yêu mảnh đất đầy huyền tích, huyền thoại này và ngân nga câu hát: Chợ Chờ em vẫn chờ ai?


Thanh Tú-Nghiêm Thường (Báo Bắc Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem