Mắc ca thích “kết bạn” với cà phê

Thứ hai, ngày 27/04/2015 06:15 AM (GMT+7)
“Gia đình tôi không cần phải đốn cà phê, mà trồng xen 2 ha mắc ca với cà phê từ 2009, năm 2014 thu được 2 tấn với giá bán 150-170 ngàn/kg, thu về hơn 300 triệu đồng; thu hoạch thêm 10 tấn cà phê hạt cũng bán được khoảng 400 triệu đồng nữa”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của anh Bùi Hữu Hòa, thôn Phúc Hưng, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà , Lâm Đồng). Anh cho biết: “Gia đình tôi không cần phải đốn cà phê, mà trồng xen 2 ha mắc ca với cà phê từ 2009, năm 2014 thu được 2 tấn với giá bán 150-170 ngàn/kg, thu về hơn 300 triệu đồng; thu hoạch thêm 10 tấn cà phê hạt cũng bán được khoảng 400 triệu nữa. Như vậy, trong năm vừa qua cứ mỗi 1ha đất đem lại cho gia đình tôi khoảng 350 triệu đồng”. Anh Hòa cho biết thêm: “Trồng xen mắc ca có lợi cho việc canh tác cà phê, thu nhập lại cao hơn và chi phí bỏ ra ít hơn rất nhiều. Chúng tôi trồng không đủ bán, cầu lúc nào cũng vượt cung”.

img Với đất tốt và khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, mắc ca ở Lâm Đồng đã cho quả sau 4 năm.

Do điều kiện đất đai và khí hậu rất phù hợp với mắc ca ở Tây Nguyên, mắc ca cho thu hoạch quả sau 4-5 năm (sớm hơn so với ở Úc) không phải là hiếm.

Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng 
  Tình trạng trồng mắc ca tự phát bằng giống không rõ nguồn gốc dẫn tới hệ quả là nhiều nông dân trồng phải chặt bỏ hàng loạt vườn mắc ca để trồng cây khác vì cây không chịu đơm hoa kết trái. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm và quản lý chặt chẽ nguồn giống đầu vào; đồng thời phải có những vườn ươm đủ lớn để giảm giá thành cho giống đầu vào, cung cấp nguồn giống chất lượng cho người dân 
Còn ông Phạm Đức Ba  (thị trấn Thạch Mỹ, huyện Đơn Dương) kể lại: “Năm 2006, được trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ giống và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca, gia đình đã mạnh dạn nhập 150 cây giống về trồng thuần trên 6 sào đất. Vì là cây trồng mới nên thời gian đầu gia đình cũng có nhiều nỗi lo âu, thứ nhất là liệu loài cây này có phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, có cho quả nhiều không và trồng lên rồi bán sản phẩm cho ai, giá cả như thế nào... Thậm chí có những lúc yếu lòng, định nhổ bỏ để trồng cây khác. Không ngờ sau 3 năm, cây bắt đầu cho quả bói, mỗi năm quả càng nhiều lên, tới niên vụ 2014, chúng tôi thu hoạch được 4 tấn hạt. Sản phẩm thu được chủ yếu bán cho bà con ươm giống với giá loại một từ 400- 500 ngàn đồng/kg, loại hai cũng từ 200-250 ngàn đồng/kg. Trong năm qua gia đình tôi thu được hơn một tỷ đồng từ cây mắc ca. Niên vụ sau tôi tin là năng suất sẽ còn tăng nữa”.

 

Không may mắn như các hộ nông dân trên, hơn 1 ha  mắc ca của gia đình anh Nguyễn Văn Năm ở xã Tà Nung, TP.Đà Lạt, dù đã trồng được hơn 5 năm nhưng tới nay chỉ lác đác được vài quả. Anh Năm cho biết: “Khi hỏi mua giống mắc ca nhập ngoại hoặc các giống ghép của các doanh nghiệp có tiếng ở Lâm Đồng thấy giá quá cao, tới vài trăm nghìn một cây giống nên tôi quyết định mua cây giống của nông dân tự ươm hạt chỉ 20-30 ngàn đồng/cây”. Và đây có thể là một trong những nguyên nhân không thành công của anh Năm.

Hiện nay trên toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 950 ha mắc ca; trong đó, có khoảng 94 ha trồng theo dự án khuyến nông quốc gia, 200 ha của Công ty TNHH Ánh Sáng Vinh Hòa (trước đây là Công ty Mắt Đá), số diện tích còn lại là do nông dân tự phát trồng bằng các loại giống không rõ nguồn gốc.

Hoài Thu (Trang Trại Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem