“Nữ hoàng” mắc ca sẽ là thứ bỏ đi, nếu…

Lam Giang Thứ năm, ngày 16/04/2015 07:00 AM (GMT+7)
“Nếu sản lượng mắc ca Việt Nam làm ra đứng đầu thế giới, nhưng không đạt được những thông số kỹ thuật của sản phẩm cuối cùng, thì sự “đứng đầu” đó không có ý nghĩa, vì sản phẩm không thể lưu thông trên thị trường thế giới..."
Bình luận 0

Nếu hạt mắc ca nguyên vỏ cứng (Nut in Shell – NIS, theo cách gọi của Úc, Mỹ; hoặc Dry in Shell - DIS theo cách gọi của Châu Phi) do Việt Nam làm ra không đạt được đường kính nhân 18mm trở lên, tỷ lệ nhân (SKR) đạt 33%, độ ẩm hạt nguyên vỏ không đạt mức dưới 10%, hàm lượng dầu >75% ... thì dù dẫn đầu thế giới về sản lượng cũng không thể bán ra thế giới.

img
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng thăm vườn 3,5 tuổi của ông Y Then 47 tuổi, người dân tộc Ê đê ở M’drak, tỉnh Đăk Lăk.

Đó là phát biểu có phần “lạnh lùng” của ông Lê Tùng Anh – Giám đốc dự án Mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT International JSC) hôm 14.4 tại Hà Nội, trong một cuộc trao đổi giữa các chuyên gia và nhà báo quan tâm về cây trồng này.

Để nông dân sấy khô bằng phơi nắng: dễ vứt đi!

Ông Lê Tùng Anh cho rằng, thay vì say sưa với quán tính “tư duy sản lượng”, ngay khâu đầu tiên của kế hoạch phát triển mắc ca, cần phải tính tới việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc quy hoạch, trồng cây phải gắn chặt với khả năng sản xuất, chế biến sản phẩm thương mại đạt chuẩn, thậm chí là cả làm thương hiệu ngay từ bước đầu tiên. Các thông số về kích cỡ hạt nguyên vỏ (NIS), hạt đã bóc vỏ (hay còn gọi là nhân), độ ẩm của hạt mắc ca phải tuân theo quy chuẩn của thế giới: Đường kính nhân đạt 18mm trở lên, tỷ lệ nhân (Sound Kernel Rate - SKR) đạt 33% hạt vỏ cứng, độ ẩm hạt nguyên vỏ phải đạt mức dưới 10%, hàm lượng dầu >75%... Ngoài ra, sản phẩm cuối cùng cần đạt các thông số hàm lượng dinh dưỡng cụ thể.

img
Ông Lê Tùng Anh (trái) trao đổi với phóng viên về câu chuyện phát triển thương mại đối với hạt mắc ca, ngày 14.4

“Nếu sản lượng mắc ca Việt Nam làm ra đứng đầu thế giới, nhưng không đạt được những thông số kỹ thuật của sản phẩm cuối cùng, thì sự “đứng đầu” đó không có ý nghĩa, vì sản phẩm không thể lưu thông trên thị trường thế giới. Trong trường hợp đó, giá trị sản phẩm này sẽ giảm đi rất nhiều”  - ông Lê Tùng Anh nói. Theo ông, vấn đề này không thể đợi đến 3-4 năm nữa (khi mắc ca do người nông dân trồng cho hạt) mới nói đến, mà cần phải nói ngay bây giờ - thời điểm chọn giống, quy hoạch, quy trình chăm sóc, cũng như lập dự án kinh doanh.

 “Chẳng hạn, để sấy khô hạt mắc ca nguyên vỏ đạt đến độ ẩm dưới 10%, cần phải sấy bằng lò sấy chuyên dụng, Nếu làm khô quá nhanh, nhiệt độ cao hơn, hạt mắc ca có thể bị nứt vỏ, chảy dầu và bị vi khuẩn xâm nhập. Nếu nhiệt độ thấp hơn thì tốn kém thời gian, nguyên nhiên liệu. Còn nếu để cho người dân sấy mắc ca theo kiểu phơi nắng truyền thống như các sản phẩm hạt khô khác, thì không kiểm soát được nhiệt độ, hạt mắc ca dễ bị chảy dầu do nắng nóng” - ông Lê Tùng Anh phân tích.

Cần sử dụng “ngôn ngữ của thế giới”

Từ góc nhìn chỉ số độ ẩm hạt mắc ca thương phẩm, việc xây dựng nhà máy sơ chế hoặc nhà máy chế biến sâu được đặt ra. Nhà máy sơ chế nên đặt ở gần vùng nguyên liệu, nhà máy công suất lớn, cần có vùng nguyên liệu lớn. Với điều kiện trồng mắc ca ở Việt Nam hiện nay và trong những năm tới, một số chuyên gia am hiểu quy trình chế biến mắc ca cho rằng, có thể đặt các thùng sấy quy mô nhỏ 5-10 tấn ở từng khu vực vùng nguyên liệu. Còn nhà máy chế biến sâu có thể đặt ở khu vực gần thị trường tiêu thụ mà không đặt ở vùng nguyên liệu.

img
Đồ họa các đặc điểm thương mại của hạt mắc ca (nguồn: IDT International JSC).

Từ các chỉ số kích cỡ hạt, tỷ lệ nhân mắc ca thương phẩm, vấn đề giống mắc ca được đặt ra, không chỉ có tính cạnh tranh tại Việt Nam, mà phải đặt vấn đề giống trong sự cạnh tranh quốc tế về sản lượng, chất lượng trong 5-10 năm tới.

Trước những băn khoăn lo ngại của nông dân về những rủi ro có thể gặp phải khi khởi trồng mắc ca, ông Lê Tùng Anh khuyến cáo: “Việc sản xuất ra hạt mắc ca phải hướng tới thị trường nên cần tuân thủ các thông lệ, tập quán và tiêu chuẩn chung của thế giới. Vì thế, người nông dân trước khi quyết định tham gia vào lĩnh vực này cần tìm hiểu kỹ các yêu cầu của thị trường. Theo tôi, để không gặp phải rủi ro, người dân cần hết sức tránh việc tự làm mà nên tìm kiếm những chuyên gia và các tổ chức, doanh nghiệp có kinh nghiệm và khả năng để hợp tác, như vậy mới đảm bảo thành công”.

Trước đó, trong một bài viết góp ý về việc phát triển mắc ca ở Tây Nguyên trên báo chí, Giáo sư Đinh Xuân Bá - Giám đốc Trung tâm sinh học ứng dụng Secoin đã có phân tích khá sâu sắc về các chỉ số kỹ thuật sản phẩm mắc ca, và ông nhấn mạnh việc cần phải gọi sản phẩm mắc ca theo “ngôn ngữ của thế giới” (như hạt mắc ca nguyên vỏ, độ ẩm dưới 10%, có mã số HS2012 là 080261; hạt mắc ca đã bóc vỏ, độ ẩm dưới 10%, có mã số HS2012 là 080262; hạt mắc ca nói chung, có mã số HS2007 là 080260), chứ không nên gọi chung chung là hạt khô, trái tươi, hạt thành phẩm để làm dữ liệu nhằm thuyết phục cho một dự án, một chiến lược.

Trong những ngày gần đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, nông dân đã tranh luận rất sôi nổi về việc nhà quản lý nên quy hoạch cho trồng bao nhiêu hecta trong cả nước: 200.000ha như kế hoạch của Tập đoàn Him Lam, hay chỉ ở mức 10.000ha trong 5 năm tới như quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra? Nhiều ý kiến cũng tập trung mổ xẻ vấn đề giống mắc ca kém chất lượng, giá bán cao đang có nguy cơ làm nông dân “mắc bẫy”…

 Giữa các chuỗi ý kiến sôi động đa chiều đó, ý kiến của ông Lê Tùng Anh và GS Đinh Xuân Bá thuộc hàng “thiểu số”, nhưng rất đáng được quan tâm suy ngẫm một cách nghiêm túc.

Để sấy khô hạt mắc ca nguyên vỏ đạt đến độ ẩm dưới 10%, cần dùng lò sấy, duy trì nhiệt độ trong khoảng từ 28 đến 40 độ C tùy điều kiện cụ thể, thời gian sấy liên tục khoảng 4 tuần. Nếu sấy quá nóng, hạt mắc ca sẽ bị nứt vỏ, vi khuẩn xâm nhập; nếu nhiệt độ thấp hơn thì tốn thời gian, nguyên nhiên liệu. Còn nếu để người dân sấy mắc ca theo kiểu phơi nắng thì hạt mắc ca sẽ bị chảy dầu”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem