Lũ tàn phá miền tây xứ Nghệ

Thứ ba, ngày 14/08/2012 09:07 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mưa lũ liên tiếp nhiều ngày qua đã khiến các huyện miền tây Nghệ An bị nước cô lập, tàn phá nặng nề.
Bình luận 0

Sáng 13.8, theo đường tắt, men theo vách núi và lội bộ qua nhiều tuyến đường ngập bùn, chúng tôi mới đến được xã Yên Tĩnh (Tương Dương). Mưa lũ đã khiến khung cảnh nơi đây ảm đạm, tan hoang. Cây cối bị nước lũ đánh bật gốc nằm ngổn ngang, nhiều nhà dân còn ngập trong nước, tài sản, đồ đạc vung vãi trong bùn đất.

img
Đoàn Thanh niên Tương Dương giúp dân dọn dẹp sau mưa lũ.

Bản Huồi Pai là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất. Ông Kha Văn Hà - một người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng: “Mưa lớn suốt mấy ngày đêm, đến chiều 9.8 bỗng nghe tiếng nước ầm ầm từ trên nguồn chảy về. Bản Huồi Pai có 50 hộ dân thì hơn 30 hộ bị ngập nước, trong đó 13 nhà bị cuốn trôi; lúa ngô đều bị ngập úng và cuốn trôi hết. Cái đói đang hiển hiện trước mắt".

Rời Yên Tĩnh, chúng tôi đến xã Xá Lượng - nơi vừa chống chọi với cơn lũ dữ. Lũ đã cuốn trôi cầu treo bản Khe Ngậu và làm hư hỏng một số nhà dân. Nhiều hộ dân đã phải di dời để bảo đảm an toàn tính mạng. Trưởng bản Khe Ngậu Trương Văn May trao đổi qua điện thoại: "Lũ cuốn trôi cầu, nhân dân Khe Ngậu bị cô lập từ ngày 8.8 đến nay. Không đi lại được nên cuộc sống của dân gặp nhiều khó khăn. Nếu trời tiếp tục mưa thì người dân Khe Ngậu chúng tôi nguy mất".

Ngược lên xã Mai Sơn, chúng tôi không thể vào được vì lũ lớn đã làm ngập cầu Khe Bén (lối duy nhất vào xã). Theo người dân ở đầu cầu, cả xã Mai Sơn bị cô lập trong suốt thời gian từ ngày 7 đến 11.8, không có phương tiện gì vào trong được.

Đặc biệt sau những ngày mưa liên tiếp, tại núi Pu Căm (bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh) những vết nứt kéo dài từ đỉnh núi xuống trung tâm xã hơn 2km và có nhiều điểm sạt lở. UBND huyện Tương Dương đã di dời khẩn cấp 37 hộ dân bản Xốp Mạt và trụ sở UBND xã, Trạm xá xã Lượng Minh để tránh núi nứt, sạt lở uy hiếp.

Ông Cụt Xuân Ninh - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh cảnh báo: "Với đà nứt như vậy có thể núi Pu Căm sẽ sập xuống bất cứ lúc nào. Nếu không có biện pháp di dời dân và chống nứt thì không những 500 hộ dân trung tâm xã bị ảnh hưởng mà Thuỷ điện Bản Vẽ có nguy cơ bị chôn vùi".

Tại huyện biên giới Kỳ Sơn, mưa liên tiếp trong gần một tuần khiến nước sông Nậm Mộ dâng cao, đe dọa nhiều hộ dân hai bên bờ sông. Tình trạng sạt lở đất cũng bắt đầu diễn ra, nhiều tuyến đường huyết mạch bị chia cắt... Tại xã Mỹ Lý, mưa lũ đã làm ngập 2 trường tiểu học và THCS, thiệt hại nhiều tài sản, sách vở và trang thiết bị dạy học. Được biết, UBND huyện hỗ trợ mỗi trường 10 triệu đồng để khắc phục trường lớp, đảm bảo kịp phục vụ năm học mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem