Đây là cách doanh nghiệp, nông dân Lai Châu bắt tay nhau để nông sản chả lo "giải cứu"

Tuấn Hùng Chủ nhật, ngày 23/07/2023 18:51 PM (GMT+7)
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản đã, đang giúp nông dân ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu không còn nỗi lo về đầu ra cho sản phẩm, doanh nghiệp yên tâm với vùng nguyên liệu, nguồn cung cấp nông sản...
Bình luận 0

Clip: Nông dân Lai Châu và doanh nghiệp liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản

Theo cách liên kết đang được thực hiện ở tỉnh Lai Châu, nông sản sản xuất tới đâu được tiêu thụ hết tới đó. Nông dân yên tâm lao động sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, nhờ đó mà thu nhập cũng tăng theo…

Nông dân Lai Châu liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Chia sẻ với Dân Việt điện tử, ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết: Huyện Tân Uyên là địa bàn có tiềm năng phát triển nông sản. Những năm trước người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, theo mô hình hộ gia đình nên năng suất và sản lượng chưa cao.

Bên cạnh đó, bà con chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng sảm phẩm khó cạnh tranh trên thị trường. Chính vì những yếu tố đó dẫn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn không khởi sắc.

Hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích bà con sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản, chúng tôi đã khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã bắt tay cùng người dân từ sản xuất đến tiêu thụ. Nhờ đó nhiều các mô hình cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng chè, dưa lứa, ớt, chanh leo… đã được doanh nghiệp và người dân xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả khá rõ rệt.

Đây là cách doanh nghiệp và nông dân Lai Châu sản xuất và tiêu thụ nông sản - Ảnh 2.

Nông dân ở bản bản Phiêng Bay, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên, Lai Châu đã thay đổi tư duy trong sản xuất, chuyển những diện tích đất kém chất lượng sang trồng ớt theo hướng hữu cơ, năng suất ớt và sản lượng ớt cao , giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng ngô và lúa một vụ. Ảnh: Tuấn Hùng

"Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ  như hiện nay, liên kết sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm đang tạo ra hướng đi hiệu quả và bền vững.

Doanh nghiệp khai thác tiềm năng lợi thế sẵn của địa phương, còn người dân thì thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp truyền thống sang phát triển theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, từng bước đưa ngành nông nghiệp của huyện Tân Uyên chúng tôi có bước thay đổi vượt bậc, người nông dân có thu nhập khá hơn, doanh nghiệp yên tâm về tính ổn định của vùng trồng", ông Huy hồ hởi bày tỏ.

Trở lại xã Nậm Cần những ngày cuối tháng 7, chúng tôi có cảm nhận sâu sắc sự đổi thay vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp của bà con nơi đây. Dưới ánh nắng chói chang những ngày hè, người dân bản Phiên Bay vẫn đang hối hả thu hoạch vụ ớt.

Hỏi ra mới biết, được hợp tác xã đầu tư cây giống, màng phủ và chuyển giao kĩ thuật, người dân ở Phiên Bay đã mạnh dạn chuyển những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ớt, cho thu nhập cao.

Đây là cách doanh nghiệp và nông dân Lai Châu sản xuất và tiêu thụ nông sản - Ảnh 3.

Có sự đồng hành của hợp tác xã trong việc bao tiêu đầu ra cho sản phẩm, bà con tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nên mô hình ớt mang lại hiệu quả rõ rệt. Ảnh: Tuấn Hùng

Lau nhanh những giọt mồ hôi trên trán, anh Hà Văn Phăn, bản Phiêng Bay, xã Nậm Cần, huyện Tân Uyên, Lai Châu hồ hởi chia sẻ: Trước thì chúng tôi trồng lúa, trồng ngô, nhưng năm được mùa thì mất giá, được giá thì mùa màng lại chẳng ra sao. 

Từ khi chúng tôi mạnh dạn chuyển đổi các diện tích kém chất lượng sang trồng ớt, giá bán cao hơn và ổn định; nhờ có sự đồng hành của doanh nghiệp và hợp tác xã nên ớt thu hái tới đâu đều được thu mua đến đó. Chúng tôi không còn lo đầu ra cho nông sản, yên tâm đầu tư vào sản xuất.

Từ khi đẩy mạnh việc áp dụng khoa học vào sản xuất nên năng suất cũng cao hơn nhiều so với trước đây, ngày trước cứ 1 nghìn mét vuông thi được 7 tạ thóc, sau này trồng ớt cứ 1 nghìn mét vuông thì thu được 2 tấn quả.

Sản lượng tăng, giá ổn định, nông dân và doanh nghiệp đều yên tâm

Qua câu chuyện với nông dân Hà Văn Phăn, để chứng thực mối liên kết và bao tiêu sản phẩm, chúng tôi tìm gặp ông Phan Văn Ngũ, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Nông dược Phương Nam, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. 

Rót chén trà mời khách, ông Ngũ vui mừng nhấn mạnh: Cứ đà này mà làm và nếu bà con đã chăm sóc theo đúng quy trình kĩ thuật mà hợp tác xã chúng tôi đề ra thì sản phẩm và doanh thu luôn đạt từ 20 đến 25 triệu/sào và tương đương từ 200 đến 250 triệu/ha.

Tìm hiểu sâu hơn, được biết cùng với cây ớt, chanh leo thì cây chè cũng là cây trồng chủ lực được huyện Tân Uyên trú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn bộ số lượng chè được người dân thu hái sẽ được doanh nghiệp đến tận nơi thu mua.

Đây là cách doanh nghiệp và nông dân Lai Châu sản xuất và tiêu thụ nông sản - Ảnh 4.

Liên kết trong sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã đang là hướng đi tiềm năng, nông dân không lo đầu ra, doanh nghiệp ổn định về thị trường. Bên cạnh ớt, chanh leo thì cây chè cũng là một cây trồng chủ lực được bà con Tân Uyên và doanh nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Tuấn Hùng

Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Văn Lâm, ở tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho hay, toàn bộ số lượng chè của chúng tôi sản xuất đều được nhà máy hợp đồng bao tiêu từ đầu năm tới cuối năm. Giá cả rất ổn định, dao động từ 5,3 nghìn đến 6 nghìn/kg.

Huyện Tân Uyên là là một trong những địa phương giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển nông nghiệp của tỉnh Lai Châu. Hiện nay, huyện có trên 700ha cây ăn quả; hơn 3.200 ha quế. Huyện cũng đã thu hút 24 doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất liên kết, tiêu thụ chế biến lĩnh vực nông nghiệp.

Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông ông Lê Thanh Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Chúng tôi huy động các nguồn lực để hỗ trợ bà con trong sản xuất nông nghiệp, cùng với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh Lai Châu, huyện khuyến khích và tạo điều kiện cho bà con tham quan, học tập các mô hình hay từ các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp.

Bên cạnh đó, chúng tôi luôn mở rộng cửa, giảm thiểu các thủ tục hành chính để chào đón các doanh nghiệp, hợp tác xã đến tìm cơ hội liên kết sản xuất cùng nông dân và đã đạt được những kết quả khá tích cực.

Đây là cách doanh nghiệp và nông dân Lai Châu sản xuất và tiêu thụ nông sản - Ảnh 5.

Liên kết sản xuất đã tạo niềm tin cho nông dân trồng chè tỉnh Lai Châu nói chung và nông dân trồng chè huyện Tân Uyên nói riêng, bà con yên tâm lao động sản xuất và được doanh nghiệp, Hợp tác xã bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, năng suất chè, chất lượng chè nói riêng và một số nông sản khác cũng được nâng cao. Thu nhập của bà con nông dân cũng được nâng cao và ổn định hơn. Ảnh: Tuấn Hùng

"Liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tạo ra những cơ hội lớn cho người dân và doanh nghiệp. Các sản phẩm được tạo ra theo chu trình khép kín cho năng suất, chất lượng cao. Từ đó dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường tiêu dùng, thu nhập của nông dân cũng tăng cao rõ rệt", ông Huy hồ hởi bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem