Thúc đẩy tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL: Vẫn trông chờ chuyển đổi cơ cấu

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 06/08/2014 06:15 AM (GMT+7)
Sản phẩm làm ra nhiều, năng suất ngày càng tăng nhưng không có đầu ra để tiêu thụ.
Bình luận 0

 Đó là thực trạng trong sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được nêu ra tại Hội nghị “Bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng ĐBSCL năm 2014” ngày 5.8. Hội nghị do Bộ NNPTNT phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đồng tổ chức.

Năng suất cao

Tại khu vực ĐBSCL, hiện lúa hè thu đang được thu hoạch rộ. Với diện tích trên 1,659 triệu ha với năng suất 53,7 tạ/ha, dự kiến tổng sản lượng toàn vùng sẽ đạt khoảng trên 9 triệu tấn. Về giá trị xuất khẩu, ước tính 7 tháng đầu năm, sản lượng lúa xuất khẩu đạt khoảng 3,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo sang Trung Quốc qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới vẫn duy trì khối lượng khá lớn.

Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong năm 2014, các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung với Philippines và Malaysia được ký vào thời điểm cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu, đã góp phần tiêu thụ lúa gạo cho nông dân với mức giá hợp lý. Mặt khác, do tiến độ thu hoạch lúa hè thu của vùng chậm hơn cùng kỳ năm trước nên nguồn gạo cho thị trường không dồi dào trong khi nhu cầu tăng nên dẫn đến giá lúa tăng theo”.

Đối với lĩnh vực thủy sản, ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “Theo báo cáo của Sở NNPTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, đến nay, vùng đã thả nuôi được 3.531ha cá tra, diện tích thu hoạch được 2.349ha, sản lượng thu hoạch là 557.688 tấn. So với cùng năm 2013, diện tích nuôi, thu hoạch và sản lượng đều giảm”. Riêng về xuất khẩu, 6 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra đạt 824 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 24,5%. Thị trường tiêu thụ vẫn là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc…”.

Mặc dù vậy, theo đánh giá, với việc một số nước nhập khẩu đã và đang kiểm tra chặt chẽ các tạp chất đối với thủy sản nước ta, nhất là các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ… việc tiêu thụ thủy sản của nước ta sẽ còn gặp một số khó khăn. Đặc biệt, theo quyết định sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ về thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ 7 nước, trong đó có Việt Nam chịu mức thuế cao 6,07% đã và đang tạo tâm lý nặng nề lên các nhà xuất khẩu tôm. Theo đó, nhiều khả năng tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ cùng lúc chịu 2 loại thế là thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Tận dụng mọi cơ hội để bán nông sản cho ND

Một vấn đề “nhức nhối” của ngành nông nghiệp hiện nay là, sản phẩm làm ra thì nhiều, song việc tiêu thụ lại hết sức khó khăn. Chính vì thế, quan điểm của Bộ NNPTNT là thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương tái cơ cơ cấu ngành trồng trọt, trong đó có việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Dương Quốc Xuân - Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng: “Phát triển sản xuất nông sản phải nằm trong trong quy hoạch phát triển kinh tế chung của vùng. Các chính sách, chủ trương triển khai của Bộ NNPTNT phải thực hiện nhanh, rõ ràng, có hướng dẫn người dân. Trong đó, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải xem xét coi vùng nào phù hợp, chất lượng sản phẩm ra sao và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Đối với việc thực hiện Nghị định 36 về cá tra phải thực hiện một cách nghiêm túc, quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn ngành cá tra trong thời gian qua”.

Nói về vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông, thủy sản thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng: “Chúng ta cần nhận định rằng đang có nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến tính bền vững của nền nông nghiệp để từ đó có sự chuẩn bị, đề phòng. Do đó, mục tiêu của chúng ta là tận dụng mọi tiềm năng sẵn có, tận dụng mọi khả năng để cơ cấu lại cây trồng, hỗ trợ nông dân gia tăng năng suất, chất lượng. Về cây lúa, các địa phương phải có đề án riêng về tái cơ cấu ngành lúa gạo và phải có tính liên kết”.

Cũng theo ông Phát, thời gian tới đây, nhất là trong vụ lúa thu đông, tình hình thời tiết sẽ gặp khó khăn hơn do mưa bão và lũ lụt có thể đến sớm hơn. Các địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang… phải có sự chủ động. “Chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội để bán được nông sản cho nông dân”- ông Phát nói.

Ông Trần Văn Hùng- đại diện Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp): 
Chính sách cần phải cụ thể

“Nhà nước có chính sách sản xuất và phát triển ngành cá tra thì chúng tôi ủng hộ, làm theo. Tuy nhiên, những chính sách đó cần thiết phải cụ thể, chi tiết để doanh nghiệp và địa phương dễ thực hiện, tránh tình trạng một số người có vùng nuôi đã lâu, đặc biệt có người nuôi trước năm 1980 nhưng bây giờ lại bắt quy hoạch lại. Theo tôi, muốn ngành thủy sản phát triển bền vững, trong đó có con cá tra thì doanh nghiệp xuất khẩu phải trung thực, không đem chất gì vào con cá mà Nhà nước cấm, không bán phá giá để gây mất uy tín với khách hàng”.

Ông Võ Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam:  
Xuất khẩu cá tra còn khó khăn

“Trái với tình hình lạc quan của việc xuất khẩu gạo thì con cá tra lâu nay lúc nào cũng khó khăn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Về xuất khẩu, 2 thị trường lớn là EU và Mỹ đang bị giảm thị phần, các thị trường khác thì nhập không nhiều. Điều đó, thấy rằng, chúng ta càng ngày càng xa rời thị trường giá cao, yêu cầu chất lượng bình thường. Vì vậy, cần phải xem lại chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng về Nghị định 36, có ảnh hưởng đến tâm lý người nuôi và sản xuất, nhưng không làm cho thị trường xấu mà làm cho tương lai ngành cá tra phát triển bền vững hơn”.
Mỹ Thanh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem