Lãng phí do "chưa có quy định" hay sự "vô cảm" trước tài sản công?

Cao Hùng Thứ sáu, ngày 29/03/2024 13:26 PM (GMT+7)
Ở TP.HCM những ngày qua, dư luận xôn xao chuyện hàng ngàn khối gỗ thu hồi từ đốn hạ, giải tỏa cây xanh, trong tình trạng mục nát chờ đấu giá. Dư luận không khỏi bức xúc vì sự lãng phí nhưng cơ quan chức năng lại cho rằng, "chưa có quy định" về thanh lý gỗ thu hồi từ các cây xanh bị đốn hạ.
Bình luận 0

Thật vậy, khoảng 4.500 m3 gỗ được Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TP.HCM thu hồi, từ việc đốn hạ, giải tỏa cây xanh trên địa bàn TP.HCM. Số gỗ này được tập kết đưa về một bãi gỗ, nằm phơi nắng, phơi mưa suốt thời gian dài.

Cho tới khi báo chí vào cuộc công bố những tấm hình cho thấy hàng trăm khúc gỗ trơ gan cùng tuế nguyệt nhiều tháng; có không ít thân gỗ, đường kính vài người ôm, đã và đang mục nát. Thậm chí, có những súc gỗ sau nhiều tháng dãi dầu mưa nắng khắc nghiệt, giờ chỉ đáng làm… củi đốt.

Thông tin từ báo chí cho hay, tới nay, cơ quan chức năng đã bán đấu giá thành công hơn 4.200m3. Phần khối lượng gỗ còn lại là hơn 266,942m3, thu hồi từ tháng 1 đến tháng 7/2023 đang được thẩm định giá và dự kiến mở đấu giá trong tháng 4/2024.

Lãng phí do "chưa có quy định" hay sự "vô cảm" trước tài sản công?- Ảnh 1.

Hàng ngàn khối gỗ phơi ngoài mưa nắng, mục nát theo thời gian. Ảnh: Đông Anh

Chưa xong, khối lượng gỗ thu hồi tiếp từ tháng 8 đến tháng 12/2023 là 276,313m3, hiện đã được Sở Xây dựng TP.HCM ban hành quyết định phê duyệt thanh lý. Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc xử lý thanh lý gỗ thu hồi từ việc đốn hạ  cây xanh. Gỗ thu hồi giảm dần chất lượng, mục nát theo thời gian; trong khi khối lượng gỗ thì không ngừng tăng dần.

Tương tự, vào tháng 12/2019, UBND tỉnh Bình Phước từng ra văn bản "thuận chủ trương tiêu hủy" 8.079,9 m3 gỗ thuộc nhóm II - nhóm VIII. 

Đây là số lượng gỗ tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã nhiều năm. Trong đó, phần lớn số gỗ trên được một số doanh nghiệp tận thu từ các dự án "chuyển đổi diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp sang trồng cao su".

Nguyên nhân phải "tiêu huỷ" 8.079,9m3 gỗ theo UBND tỉnh Bình Phước, là do "toàn bộ lâm sản tồn tại các dự án trên địa bàn tỉnh đã bị hư hỏng, mục nát, không còn sử dụng được". Đặc biệt, hình thức tiêu hủy số lượng gỗ nói trên theo UBND tỉnh Bình Phước là "để tự mục tại hiện trường".

Lãng phí do "chưa có quy định" hay sự "vô cảm" trước tài sản công?- Ảnh 2.

Năm 2019, tỉnh Bình Phước còn tồn hơn 8.000 m3 gỗ tại các dự án. Ảnh: Đông Anh

Trong khi đó, liên quan đến "lâm sản tồn" tại các dự án, trước đó tỉnh Bình Phước cũng chấp nhận "hoàn trả cho các doanh nghiệp mua gỗ tận thu và xử lý lâm sản tồn đọng" với số tiền 11,1 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp liên quan, với trách nhiệm quản lý, bảo quản như thế nào, mà để cho hàng ngàn khối gỗ bị hủy hoại, mục nát theo thời gian? Để rổi, chính quyền tỉnh Bình Phước phải ngậm ngùi ra văn bản "thuận chủ trương tiêu hủy", để cho gỗ … "tự mục tại hiện trường"?

Lãng phí do "chưa có quy định" hay sự "vô cảm" trước tài sản công?- Ảnh 3.

Do gỗ đã mục nát nên chính quyền địa phương phải ra văn bản "tiêu hủy" bằng phương án để gỗ "tự mục tại hiện trường". Ảnh: Đông Anh

Với TP.HCM, số gỗ thu hồi từ đốn hạ cây xanh tiếp tục dầm mưa dãi nắng, từng ngày xuống cấp. Trong bối cảnh đó, các cơ quan liên quan của TP.HCM tổ chức đấu giá hết sức khó khăn, vì "chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể"…

Không phủ nhận việc thực hiện các thủ tục thẩm định giá trị tài sản, thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản công… bắt buộc phải tuân thủ các quy trình và đúng quy định của luật pháp. 

Thế nhưng, các giải pháp, quy định của nhà nước để tiếp nhận, quản lý, bảo quản, bảo vệ tài sản công không phải không có.

Thực tế cho thấy ở nhiều địa phương, tình trạng "cha chung không ai khóc", hiện tượng vô cảm, bàng quan trước tài sản công không phải là hiếm gặp. 

Chính vì vậy, hàng ngàn khối gỗ - tài sản của nhà nước thay vì được quản lý, bảo quản hợp lý sẽ mang lại giá trị lớn cho xã hội thì thực tế đã bị buộc phải "tiêu hủy" bằng cách "tự để mục tại hiện trường".

Đây quả là sự lãng phí và nỗi xót xa vô cùng lớn cho tài sản công.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem