Kết cục nào cho xung đột Iran – Israel?

Phạm Phú Phúc (Nguyên PV TTXVN thường trú tại Trung Đông và Liên Hợp quốc) Thứ ba, ngày 16/04/2024 08:29 AM (GMT+7)
Xung đột giữa Iran và Israel có động lực là vấn đề Palestine. Cần giải quyết vấn đề Palestine để người Palestine được trở về Tổ quốc mới có thể tháo ngòi nổ Trung Đông, không chỉ xung đột Iran – Israel mà cả nhiều vấn đề tiềm ẩn khác.
Bình luận 0

"Ngòi nổ" từ cuộc chiến Gaza và vai trò của Mỹ

Vụ việc Iran tấn công Israel ngày 14/4 là điều có thể đoán được sau vụ Israel tấn công Tổng lãnh sự quán Iran ở Damas (Syria) ngày 1/4. Nó xảy ra vào lúc Israel không quan tâm đến Nghị quyết 2728 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc yêu cầu ngừng bắn ở Gaza.

Điều này khiến người ta cảm giác Israel dường như chủ động tạo căng thẳng mới ở khu vực, gây sức ép với chính quyền Biden khi ông này chuẩn bị bắt đầu giai đoạn vào tranh cử quyết liệt với đối thủ Donald Trump.

Kết cục nào cho xung đột Iran – Israel?- Ảnh 1.

Sau cuộc tấn công trả thù chưa từng có của Iran vào Israel, Trung Đông có nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột toàn diện tàn khốc, đẫm máu. Ảnh minh họa

Hành động này của Israel làm cho tình hình khu vực vốn nóng càng nóng hơn. Bấy lâu nay Iran nhiều lần đe dọa đáp trả các hành động khiêu khích của nước ngoài nhưng họ đã không hành động, kể cả vụ Mỹ ám sát tướng Suleimani năm 2020. Israel đã chủ quan khi nghĩ Iran sẽ tiếp tục như thế.

Nhưng sự kiện ngày 1/4 là giọt nước làm tràn ly. 

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei đứng trước 2 lựa chọn. Nếu tiếp tục "đòn gió", ông sẽ bị lực lượng bảo thủ trong nước phản đối. Iran có nhiều vấn đề về kinh tế chính trị nội bộ, thậm chí báo động sự tồn vong của Chính phủ do Tổng thống Ebrahim Raisi đứng đầu.

Lựa chọn thứ hai là đánh trả. Việc trả đũa có 2 cách. Hoặc sử dụng các lực lượng bên ngoài Iran mà bấy lâu nay họ có quan hệ và hậu thuẫn như Hezbollah, Hamas và nhiều phong trào kháng chiến khác (có khoảng trên dưới 40 phong trào có mặt tại Syria, Iraq, Lebanon…). Hoặc trực tiếp đánh trả như họ đã làm hôm 14/4.

Là người lâu năm làm việc ở Liên Hợp quốc và Trung Đông, tôi đã theo dõi nhiều diễn biến lớn trên thế giới và nhận thấy, dường như Liên Hợp quốc chưa thực sự tròn trách nhiệm thiết lập hòa bình và củng cố phát triển. 

Với nghị quyết 181 về xây dựng 2 Nhà nước Palestine và Israel, hay nghị quyết không được can thiệp quân sự vào Iraq để lật đổ Tổng thống Saddam Hussein, xung đột Gaza, dường như họ không có sự quan tâm, chú ý đúng mức.

Họ không có biện pháp mạnh để chấm dứt xung đột Gaza, dù mới đây có nghị quyết 2728, nhưng sau ngày 25/3, máu của người Palestine vẫn đổ, Israel cứ tấn công Gaza. Nghị quyết không được thực hiện khiến Israel không thấy bị cảnh báo, bị thẳng tay trừng phạt.

Kết cục nào cho xung đột Iran – Israel?- Ảnh 3.

Lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh EPA

Thực tế, Iran với Israel không có cớ gì mâu thuẫn, họ không tranh chấp đất đai hay mâu thuẫn sắc tộc. Nhưng Iran ủng hộ người Palestine, ủng hộ các lực lượng kháng chiến của người Palestine, người Ả rập, người Hồi giáo, mà các lực lượng đó ủng hộ Palestine đòi quyền hồi hương, đòi được sống bình đẳng độc lập… Nên sự tích tụ mâu thuẫn đó càng lớn theo thời gian kể từ 14/5/1948 khi nhà nước Do Thái ra đời.

Việc phong trào Hamas thân Iran tấn công Israel hôm 7/10/2023 đã gây ra cuộc chiến Gaza đến tận bây giờ, đó là tác nhân mới nhất, mạnh nhất, làm cho mâu thuẫn Israel – Iran ngày càng dâng cao. Và sau vụ tấn công lãnh sự quán Iran, mâu thuẫn đó càng lên cao, càng khó giải quyết.

Mâu thuẫn Israel – Iran có động lực là Palestine, một bên ủng hộ một bên thù địch. Mâu thuẫn này chỉ có thể xóa nhòa khi nào vấn đề Palestine được giải quyết. Nếu không giải quyết sẽ còn tiếp tục nảy sinh nhiều vấn đề khác như giữa Israel với các nước Ả rập, hoặc giữa người Ả rập với nhau.

Xung đột Israel – Iran chỉ được giải quyết khi hai bên từ bỏ những đánh giá cực đoan của một số người. Khi nào những tư tưởng đó được xóa đi trong ký ức 2 bên thì mới hết mâu thuẫn.

Mâu thuẫn đó cũng chỉ có thể xóa đi khi Mỹ không chằm chặp ủng hộ Israel mà không quan tâm đến lợi ích của các bên khác, đặc biệt là của Iran.

Không nhiều người biết rằng viên gạch đầu tiên xây dựng chương trình hạt nhân Iran từ chỗ trắng tay chính là Mỹ, là Israel. Từ khi Israel lập quốc năm 1948 cho đến năm 1979, quan hệ giữa hai bên rất tốt. 

Chính Mỹ và Israel từng hợp tác với Iran trong dự án Bông hoa năm 1977, trong đó Mỹ và Israel giúp xây dựng lò phản ứng hạt nhân của Iran để đổi lấy việc cung cấp dầu mỏ.

Đến năm 1978 không còn nước Ả rập nào bán dầu cho Israel ngoài Iran. Iran cũng là một trong hai nước Hồi giáo đầu tiên (cùng Thổ Nhĩ Kỳ) công nhận nhà nước Do Thái năm 1950.

Israel từng có học thuyết ngoại biên do Thủ tướng lập quốc Ben Gurion đưa ra với nội dung phải thiết lập quan hệ tốt với các nước không phải Ả rập trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, nên quan hệ hai bên rất tốt cho đến Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi Vua Pahlavi bị lật đổ, Đại giáo chủ Khomeini lưu vong trở về thành lập chế độ Cộng hòa. Ông Khomeini cắt đứt quan hệ với Mỹ.

Người ta sợ rằng 2 mảng mâu thuẫn này: Mỹ - Iran, Israel – Iran sẽ vượt qua những vấn đề nan giải nhất Trung Đông, vượt qua vấn đề Palestine làm cho Trung Đông và cả thế giới sôi lên sùng sục và tan chảy.

Mỹ sử dụng các lực lượng, các quốc gia nước ngoài đều có ý đồ của họ. Khi Iran không được lòng họ, họ sẽ sử dụng Iraq đánh Iran. Khi Mỹ muốn Iran là tường thành ngăn chặn Liên Xô tiến về Trung Đông, Mỹ thân với nhà vua Iran. 

Mỹ giúp xây dựng lò phản ứng để tăng sức mạnh cho Iran, để Iran bảo vệ lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, ngăn chặn Liên Xô mở rộng tầm ảnh hưởng. Nhưng khi nhu cầu của Mỹ không còn nữa, lợi ích của Mỹ bị đụng chạm, họ lại trở nên thù địch với chính con đẻ tinh thần.

Trong khi Iran ủng hộ Palestine và các phong trào kháng chiến thì Israel lại đổ thêm dầu vào lửa. Đã nhiều lần Israel thúc giục Mỹ tấn công Iran, đặc biệt dưới thời Donald Trump, sau khi Trump xóa bỏ thỏa ước P5+1. Trong mâu thuẫn này nếu Mỹ thực sự khách quan với vấn đề Trung Đông, thực sự coi lợi ích của các dân tộc như nhau, không có tiêu chuẩn kép, vấn đề Israel – Iran mới được giải quyết.

Làm gì để chấm dứt xung đột Iran – Israel?

Đại giáo chủ Lebanon trả lời phỏng vấn độc quyền với cá nhân tôi từng nói: Chỉ khi nào thánh Allah không làm được việc phân định ban ngày và ban đêm, Trung Đông mới không còn cảnh chiến tranh, máu chảy đầu rơi. Tôi chiêm nghiệm điều đó rất đúng.

Kết cục nào cho xung đột Iran – Israel?- Ảnh 5.

Tác giả Phạm Phú Phúc nguyên là nhà báo - Phóng viên của TTXVN thường trú tại Trung Đông và Liên Hợp quốc trong nhiều năm. Ảnh: NVCC

Nếu việc tấn công lãnh sự quán Iran tại Syria là giọt nước tràn ly, thì hành động tấn công Israel của Iran như dội cả thùng nước lạnh dập tắt những hy vọng. Sự việc chắc chắn làm cho tình hình nóng bỏng hơn bao giờ hết, nhất là nếu Iran tấn công dài, tấn công khốc liệt như họ đã công khai với thế giới.

Nhưng tôi cho rằng người Iran cũng tự lượng được những mối nguy hiểm đó, quá lường trước những thiệt hại do đòn trả đũa của mình với Israel, quá lường được mối nguy hiểm nếu lò lửa Trung Đông bùng lên như thế nào, quá lường được nguy hiểm trong nước, thậm chí là sự tồn vong của Chính phủ. Vì thế tôi cho rằng Iran sẽ không tấn công mạnh, tấn công lâu, khốc liệt vào Israel.

Có thể họ sẽ thay đổi cách thức trả đũa Israel bằng sử dụng các lực lượng ủng hộ để thay mình, chia lửa với mình trong cuộc trả đũa này. Lúc đó tình hình Trung Đông sẽ nóng theo cách khác: Israel cùng lúc đối mặt với nhiều mặt trận và còn nóng bỏng hơn nữa, đó là ở Gaza, ở Bờ Tây, Lebanon, Iraq, Syria, Yemen…

Bây giờ họ đối mặt với những thách thức ở các mặt trận đó nhưng không quá căng, nhưng nếu Iran yêu cầu các mặt trận đó chia lửa, các mặt trận đó sẽ mạnh hơn, nóng bỏng hơn rất nhiều.

Trật tự an ninh thế giới sẽ đảo lộn. Kinh tế thế giới bị tụt hậu là chắc chắn, không phải 1-2% GDP như các thể chế tài chính dự đoán, mà nhiều quốc gia sẽ tăng trưởng âm, thậm chí 2 con số.

Trung Đông tiềm ẩn rất nhiều vấn đề. Để tháo ngòi nổ, như đã nói ở trên, trước tiên là vấn đề Palestine phải được giải quyết, người Palestine phải được trở về Tổ quốc. Hy vọng Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế cần sớm có những biện pháp làm dịu tình hình.

"Tôi cho rằng người Iran cũng tự lượng được những mối nguy hiểm đó, quá lường trước những thiệt hại do đòn trả đũa của mình với Israel, quá lường được mối nguy hiểm nếu lò lửa Trung Đông bùng lên như thế nào, quá lường được nguy hiểm trong nước, thậm chí là sự tồn vong của Chính phủ".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem