Ký ức nhà sàn

Chủ nhật, ngày 01/06/2014 08:00 AM (GMT+7)
Những con suối, con mương nhỏ lấp lánh nắng vàng lượn lờ bên những thửa ruộng xanh mướt mát. Biết là thế nhưng từng chấm nhỏ nhà sàn như chú rùa con xinh xắn vẫn là một dấu hỏi của miền Tây huyền bí.
Bình luận 0
Khoảng những năm tám mươi của thế kỉ trước, mỗi dịp qua những cung tương đường Tây Bắc vắng vẻ, một bên là tà luy núi non dựng đứng, xanh um, đôi mắt du khách lại hướng sang những thung lung xanh tươi thấp thoáng bóng nhà sàn.

Vậy mà, chưa đầy hai thập niên sau, trên những phố lớn của thành thị đã mọc lên những ngôi nhà sàn mĩ lệ. Nước véc ni bong loáng như chiếc rọ vô hình giam hãm những thân gỗ thô phác, nguyên sơ một thuở bẻ bai, vạm vỡ giữa đại ngàn. Tôi có cảm giác, đó là một bộ khung xương của một con tàu, một “ông” cá kiếm oai hùng trong truyện của Ernest Hemingway. Cũng từ dạo đó, tôi không còn mặn mà với những cảnh vẽ giả cách quê mùa như thế nữa.

Một ngày đầu Thu, tôi hăm hở nai nịt gọn gàng, tạm biệt phố phường chạy xe về chân dốc vắng. Những con đường bê tôc trắng lấp lóa dưới nắng vàng như mãi vùi chôn quá khứ bùn lầy gập ghềnh đất đỏ ngàn đời. Đường làng, đường xóm giờ đã cứng hóa mà phẳng phiu không một gợn ổ gà, đá dăm.

Theo lời chỉ đường của người có nhã ý mời tôi đến thì đường không còn xa lắm. Qua những vườn mía tím đẹp như tranh, thân mía thẳng tắp, lá xanh lắt lay trong gió nhẹ ban trưa là những đồi cam bạt ngàn thích mắt. Dường như ở đây nhà nào cũng có một vườn cam, một dải đồi cam để làm của để dành cho những việc trong đại phải chi tiêu của gia đình.

img
Thiếu nữ duyên dáng bên nhà sàn (Ảnh minh họa)

Nhìn trước, ngó sau đều thấy dấu ấn của một nông thôn đổi mới. Nhưng, thế cũng có nghĩa là chẳng còn chút gì hi vọng về một cảnh sắc hoang sơ để đưa ống kính lên bấm lia lịa rồi về dán mắt lên màn hình laptop mà ngồi nhấp nháp bên li café đặc quánh trong một ngày mưa…

Chiếc điện thoại bỗng nhiên đổ chuông, giọng cô gái hồi hộp như lần đầu mới quen: Anh có hỏi được đường vào nhà không?

Anh sắp đến nơi rồi, qua lối rẽ đi men theo đường bê tông dọc theo con mương này là tới phải không em?

Vâng, nhưng nhà em còn đơn sơ lắm, lại chả có gì để mà ngắm, mà viết lách gì được đâu anh ạ.

Thế rồi chúng tôi đã phải ngỡ ngàng vì một khung cảnh đơn sơ mà đầy ấn tượng. Khi dải đường bê tông vừa kết thúc, đi thêm chừng mấy mét nữa, xuống một con ngõ thoai thoải, trước mắt hiện ra một ngôi nhà sàn bình yên và mộc mạc.

Khuất sau rặng tre, ngôi nhà khiêm tốn ánh lên màu thời gian của những thăng trầm của cả một dòng họ, gia tộc đã sống dưới mái nhà này từ rất lâu đời. Không to tát, cầu kì như những căn nhà trong bảo tàng văn hoá, nhưng từ cầu thang, gác bếp, từng ô cửa toát lên một cái gì đấy rất chân phương của một đời sống nông nghiệp bản địa.

Bên mé nhà là tre trúc, trước mắt nhìn ra là những cánh đồng và sau lưng là những khu rừng đồi thâm u, bí ẩn. Người con gái của gia chủ kể rằng, những ngày nắng đẹp, cô thường lên bìa rừng thả trâu. Tiếng là thả nhưng thực ra những đàn trâu ấy vẫn sống hoang dã trong rừng. Trâu nhà mình có bao nhiêu con, đẻ bao lứa cô không rõ.

Chỉ biết là mỗi bận cô sinh viên của xóm nhỏ ấy lên rừng thì con trâu đầu đàn thường khịt mũi như đánh hơi hay reo mừng bước đến cọ sừng vào tay cô để nhận chủ. Nó là con trâu đực đẹp mã, tốt tướng và dũng cảm nhất. Nó đi đâu cả đàn lục tục theo sau gặm cỏ. Nhờ nó có sức khoẻ vượt trội mà đàn thường dành được những thảm cỏ xanh non hơn, cặm cụi ăn được lâu hơn sau những cuộc tranh chấp lãnh địa nảy lửa.

Hoang dã là vậy nhưng mỗi năm, vào mùa ít thức ăn nhất, trâu đầu đàn thường dẫn cả đàn tìm về nhà chủ. Những bóng trâu đồ sộ, đen bóng lừng lững bước qua dưới mép sàn không quên ngước nhìn lên chân cầu thang hay cửa voóng nơi cả nhà đang quay quần bên ấm trà xanh. Đàn trâu ấy lại ra đi sau chừng một tháng. Trở về với rừng lại kiếm chỗ khô ráo, kiếm lớp lá dày để nằm như chưa từng biết đến gầm nhà sàn ấm áp.

Một tĩnh và một động. Không biết mùa đông sau sẽ có bao chú nghé mới mẻ lần đầu ngơ ngác theo mẹ trở về nhà chủ. Chân gõ móng lên nền đất ấm, cọ lưng vào cột sàn mà ngoe nguẩy chiếc đuôi bé nhỏ. Ở phía trên kia một tiếng khóc thơ bé, tiếng bi bô của trẻ lên ba bên bếp lửa. Tất cả dường như thấp thoáng đâu đây, vẳng vẳng bên tai.

Tôi đã để ý rất kĩ lối đi lên từng bậc cầu thang. Đọc trong cuốn sách nào đó người ta nói là lối đi ấy đất sẽ mòn, đá sẽ vẹt, cỏ không mọc được bởi tiếng chó sủa thâu đêm hay bởi nhiều bàn chân trai mường đứng ngóng đợi.

Đã bao nhiêu ánh mắt thần thờ, nuốt nghẹn nhìn lên lối cầu thang ấy, dánh nhà sàn mờ tối trong đêm ấy để rồi khác khoải quay đi tìm đến một ngả rẽ mới trong niềm thất vọng. Lại cũng đã có bao trái tim người trai mới lớn đập hồi hộp chờ đợi trong lần hẹn đầu tiên bên lối đi này. Ngôi nhà sàn ấy là ngôi đền thiêng, là chứng nhân cho bao cuộc tình, cuộc chia li, bao cuộc đổi thay của đời người.

Bàn tay cụ bà run run rót chén nước trà xanh vào chiếc chén thuỷ tinh. Đôi mắt cụ còn sáng, còn tỏ tường và thoáng buồn của người từng chứng kiến bao thay đổi của mường trong xóm ngoài. Từng khúc cua, từng con mương, thửa ruộng cụ đều nhớ tên hay đặt cho nó một cái tên bằng những kỉ niệm gắn với những người thân thuộc.

Bờ ruộng nào ông cậu say rượu đã trượt chân hôm trong ngày cưới của mình. Con mương nào từng đứa con của cụ hay ra câu cá…Cụ kể xưa kia xóm trên, xóm dưới có nhiều nhà sàn lắm. Cụ ông khi đó là con thứ chỉ xin một góc vườn nhỏ, ít gỗ lạt dựng căn nhà này để xây dựng tổ ấm mới. Trong bữa cơm mừng nhà mới đạm bạc với cá nấu măng chua, ít thịt lợn luộc chấm muốn hạt dổi bác thợ cả nói đùa: Các cháu ở tạm thế này, mai kia ăn nên làm ra phải làm cái nhà to đẹp, choáng hết khu đất kia mới phải.

Câu nói đùa ấy không ngờ lại thành một chuyện không bao giờ xảy ra trong cuộc đời. Cho đến màu thu năm ngoái, khi cụ ông về với mường ma, ngôi nhà sàn nhỏ vẫn là nơi tiễn ông. Khi ấy, từng mảnh ván như cong lên, lạnh lẽo hay oằn lên đau đớn. Bếp lửa vẫn cháy nhưng ngọn khói như gày hơn, ánh lửa chập chờn như tiếng nấc.

Khi ấy đàn trâu ở đâu nhỉ. Ngoài bìa rừng vắng lặng, chúng đang theo con trâu đực đầu đàn gặm cỏ, đang chứng kiến một cuộc chiến nảy lửa của thủ lĩnh hay đang chụm đầu im lặng chờ đợi cuộc sinh hạ một chú nghé con. Chỉ biết rằng, mùa rét năm ấy đàn trâu về lại dưới gầm sàn muộn hơn. Cô bé đợi một chiều, rồi hai, ba chiều mà vẫn không thấy những tấm lưng đen bóng như sóng cuộn về đầu ngõ. Đàn trâu cũng bỏ đi, đã quên lối về hay gầm sàn không còn đủ ấm cúng để lưu giữ chúng.

Bất giác, cô bé như có cảm giác ngôi nhà sàn của mình đã thật sự già đi, ngõ tre ngày nào như điểm tận cùng của sự quên lãng. Từng bậc cầu thang từng giờ từng khắc mờ dần không còn sáng bóng mồ hôi những bàn chân ghé thăm. Nhưng cuối cùng chúng cũng trở về, cả đàn vào chỗ nằm. Chỉ riêng còn trâu đầu đàn cứ đứng mãi rất lâu ngoài sân cọ sừng vào cột lim bóng nhẫy. Chắc nó đang nhớ cái bóng gày gò nhưng nhanh nhẹn của ông chủ trong bộ quân phục bạc màu hay đang đợi tiếng ho hắng của ông từ đầu ngõ trở về. Tất cả đều lặng lẽ đến thế.

Có những lời hẹn không bao giờ nên, có những lời hứa không bao giờ thành nhưng đọng lại trong lòng người đầy xúc cảm, Nhìn lên vách gỗ ống sáo trúc, cây nhị ghi dấu ấn hoài niệm của một người đàn ông đã từng sôi nổi phong lưu một thời. Giờ đây, trong tiếc xào xạc của rặng tre, gió hanh hao ve vuốt từng thớ gỗ, chợt có một điều gì đó thật khó nói.

Có phải cuộc sống thanh đạm, bình dị và mộc mạc đã đem đến hạnh phúc, tiếng cười trẻ thơ từ những ngôi nhà bẻ nhỏ như thế này. Màu của mò hóng, nước thơi gian đã nhuộm lên màu của hạnh phúc. Ngày sau sẽ còn trở lại, bên cầu thang nhà sàn biết đâu vẫn còn đôi dép nhỏ xinh em thường đi hướng lên cầu thang. Ấy là, em vẫn chờ tôi…
Bùi Việt Phương (Bùi Việt Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem