Hội Nông dân An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản

Hồng Cẩm - Thuý Vy Thứ bảy, ngày 04/11/2023 11:00 AM (GMT+7)
Ngày 3/11, Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức diễn đàn kết nối cung cầu "Thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản và thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang".
Bình luận 0

Tham gia diễn đàn có các diễn giả đến từ Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ), sở NN&PTNT tỉnh An Giang, Hội Nông dân tỉnh An Giang, Trung tâm xúc tiến TM&ĐT tỉnh, tập đoàn Lộc Trời… và khoảng 150 đại biểu đại diện HTX, THT và nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh An Giang.

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 1.

Các chuyên gia tham gia diễn đàn kết nối cung cầu do Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 3/11. Ảnh: Hồng Cẩm

Liên kết sản xuất kinh doanh vẫn còn thấp

Phát biểu tại diễn đàn, Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL (trường Đại học Cần Thơ) cho biết, trong 3 năm trở lại đây sản xuất nông nghiệp theo chuỗi tại khu vực ĐBSCL chuyển dịch từ cây lúa sang đối tượng có lợi cao; quan tâm giống/cây/con chất lượng, giá cao; canh tác từ thâm canh sang thâm canh cao hơn, từ ít liên kết sang liên kết nhiều, từ sản xuất thô sang chế biến...

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 2.

Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL trình bày tại diễn đàn kết nối cung cầu do Hội Nông dân tỉnh An Giang tổ chức ngày 3/11. Ảnh: Hồng Cẩm

Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất, kinh doanh vẫn còn thấp. Riêng lĩnh vực lúa gạo ở ĐBSCL trong 2 năm (2020 – 2021) ở 6 tỉnh trồng lúa chủ lực mới chỉ có 25% nông dân tham gia THT hoặc HTX; 15% lượng lúa tiêu thụ có hợp đồng; 10% áp dụng quy trình kỹ thuật (GAP, SRP, 1P5G,…)

Tại An Giang hiện trạng liên kết sản xuất, kinh doanh nông sản trong 2 năm (2021 – 2022) kết nối, hợp đồng với doanh nghiệp về cây lúa 10% diện tích, rau màu 15, trái cây 30% diện tích.

Theo tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, hạn chế phổ biến và lập lại nhiều năm qua tại ĐBSCL nói chung, tỉnh An Giang nói riêng là diện tích nhỏ, sản xuất phân tán, không đồng nhất; liên kết yếu dễ "bẻ kèo"; chất lượng, an toàn, chế biến không có "lý lịch", thông tin nguồn gốc…

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh An Giang, phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hồng Cẩm

Còn theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết, tính đến cuối năm 2022, tỉnh đã thực hiện thành công liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản với 63 HTX nông nghiệp, 2 Liên hiệp HTX và 180 THT trên tổng diện tích 206.000ha, với 10 doanh nghiệp. Ngoài ra, hỗ trợ cho 16 doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh và với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai các dự án đầu tư và thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với các HTX, THT tại các địa phương…

Làm thế nào để liên kết chuỗi giá trị nông sản hiệu quả?

Tại diễn đàn, các đại biểu thảo luận các ý kiến tập trung vào vấn đề: Làm thế nào tạo sự liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân, HTX? những giải pháp cũng như đề xuất hỗ trợ vốn cho người dân phát triển sản xuất; ngành chức năng cần giúp đỡ người dân chọn giống cây trồng phù hợp với hệ sinh thái của từng địa phương; có biện pháp chế tài đối với đơn vị "bẻ kèo" trong chuỗi liên kết; nguồn nguyên liệu sản xuất sản phẩm chủ lực của địa phương còn hạn chế…

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 4.

Đại biểu đại diện THT, HTX, nông dân tiêu biểu của tỉnh An Giang tham gia diễn đàn. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Cao Văn Tấn (HTX Bình Thạnh) nêu ra ý kiến: "Vì sao lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa thể thiết lập liên kết bền vững với các doanh nghiệp? Tôi mong nhận được sự tư vấn từ cơ quan chức năng, các nhà khoa học về các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp cho người nông dân đảm bảo sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận HTX nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, để nông dân sản xuất có lợi nhuận".

Để việc liên kết sản xuất hiệu quả, bền vững theo Tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, tại địa phương cần hình thành cụm kinh doanh nông sản, trong đó nông dân phải liên kết từ dịch vụ đầu vào đến sản phẩm bán ra, thông qua HTX bán ra cho thương lái hoặc chế biến sản phẩm để bán ra thị trường trong nước và thị trường nước ngoài ổn định.

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 5.

Ông Cao Văn Tấn (HTX Bình Thạnh) phát biểu ý kiến. Ảnh: Hồng Cẩm

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh An Giang, yêu cầu đặt ra là nông dân cần đổi mới tư duy, chuyển đổi "tư duy sản xuất nông nghiệp" sang "tư duy kinh tế nông nghiệp" để hướng tới sản xuất nông nghiệp theo đặt hàng của doanh nghiệp, theo nhu cầu của thị trường. Và để phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực tại tỉnh An Giang cần có sự tham gia của các nhân tố quan trọng như doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, nhà khoa học, Nhà quản lý, HTX và nông dân.

Là đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực tại An Giang, đặc biệt là liên kết thực hiện đề án 1 triệu ha lúa, ông Võ Văn Vang, Giám đốc vùng An Giang - Tập đoàn Lộc Trời, đề xuất: Địa phương cần hỗ trợ đẩy mạnh tuyên truyền và vận động HTX, nông dân tuân thủ quy trình liên kết; phối hợp xây dựng tiêu chí lựa chọn liên hiệp HTX, HTX và nông dân để mở rộng quy mô gắn với đề án 1 triệu ha lúa; hỗ trợ cho các HTX tiếp cận được các chính sách của Nhà nước (Nghị định 98, Quyết định 62,... của Chính phủ); làm việc với các ngân hàng, tổ chức tín dụng đảm bảo cung cấp đủ nguồn vốn vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất.

Còn ông Trần Văng Cứng, Giám đốc Liên minh HTX tỉnh An Giang, chia sẻ: Một trong những mắt xích quan trọng cần được tháo gỡ là doanh nghiệp với nông dân và HTX. Nông dân, HTX cần tính toán trồng cây gì, con gì trên mảnh đất của mình và có mối quan hệ hữu cơ với doanh nghiệp thì mới phát triển được.

Hội Nông dân tỉnh An Giang mời chuyên gia bàn giải pháp thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị nông sản - Ảnh 6.

Hội Nông dân tỉnh An Giang, Sở NN&PTNT tỉnh, Liên Minh HTX tỉnh và Công ty TNHH XNV Thương mại - Dịch vụ Vina T&T ký kết thỏa thuận hợp tác tại diễn đàn. Ảnh: Hồng Cẩm

Còn vai trò HTX là cần đàm phán cụ thể, rõ ràng với doanh nghiệp và có cam kết chặt chẽ, thực hiện tốt theo cam kết hợp đồng, xây dựng kế hoạch cụ thể để liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt để chuỗi liên kết có giá trị bền vững cần có sự tham gia của UBND xã xác nhận, giám sát chặt chẽ.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang cho biết, diễn đàn là hoạt động nhằm giao lưu giữa các lãnh đạo Sở, ngành, công ty, doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; tăng cường vai trò của Hội nông dân trong thúc đẩy tham gia xây dựng mô hình kinh tế hợp tác và thực hiện chuỗi giá trị nông sản hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh An Giang sẽ tiếp tục liên kết với các sở, ngành, doanh nghiệp tổ chức các diễn đàn để đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh An Giang, mang lại lợi ích tốt nhất cho nông dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem