Cũng là dê, ông nông dân An Giang nuôi dê kiểu gì mà bán đắt hơn, nhà hàng vẫn bảo là mua hết?

Chủ nhật, ngày 10/09/2023 18:59 PM (GMT+7)
Tận dụng diện tích đất vườn trồng xoài, anh Bùi Xuân Điện (ngụ xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) phát triển thêm mô hình nuôi dê theo hình thức thả vườn, bán hoang dã.
Bình luận 0

Cách nuôi dê thả vườn xoài giúp anh Điện giảm đáng kể công chăm sóc, chi phí thức ăn cho dê, giảm luôn chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây xoài… Mô hình ngày càng phát huy hiệu quả, thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật so với phương pháp nuôi dê truyền thống.

Dù địa phương ít tiềm năng, thế mạnh về khí hậu và thổ nhưỡng...nhưng nông dân xã Ô Lâm vẫn biết cách làm giàu thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; nhạy bén lựa chọn mô hình sản xuất hiệu quả... 

Điển hình như anh Bùi Xuân Điện. Xung quanh vườn xoài của gia đình, cỏ dại mọc nhiều, trong khi mỗi năm anh phải tốn khá nhiều chi phí phun thuốc trừ cỏ lẫn công sức dọn dẹp.

Sau quá trình tìm hiểu, anh Điện quyết định nuôi dê thả vườn, tận dụng nguồn cỏ này làm thức ăn cho dê. 

Giống dê mà anh Điện lựa chọn thả nuôi là dê Bách Thảo lai với Boer. Chúng dễ nuôi, dễ chăm sóc, nhanh phát triển và cho nguồn thu nhập tốt… rất thích hợp để chăn nuôi ở vùng bán sơn địa như xã Ô Lâm.

“Mỗi ngày, khoảng 3 giờ chiều là tôi thả dê ra ngoài để chúng vận động, ăn cỏ trong vườn xoài. Đến chiều tối, chúng tự động về chuồng nghỉ ngơi. Nhờ vậy, tôi không mất nhiều công sức chăn nuôi… Tuy nhiên, việc thả rông đàn dê đòi hỏi phải canh giữ cẩn thận, tránh dê đi ăn rẫy, lúa của nông dân xung quanh” - anh Điện chia sẻ.

Cũng là dê, ông nông dân An Giang nuôi dê kiểu gì mà bán đắt hơn, nhà hàng vẫn bảo là mua hết? - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dê thả vườn xoài theo kiểu bán hoang dã của anh Điện, nông dân xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Một ưu điểm nổi bật khác của việc nuôi dê thả vườn là không tốn chi phí thức ăn, do dê được chăn thả trong môi trường tự nhiên, chủ động lựa chọn loại thức ăn thích hợp, nên dê khỏe mạnh, ít bị bệnh. 

Từ đó, chi phí chăm sóc thấp, hầu như không có, chỉ tốn công; hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn so với phương pháp chăn nuôi truyền thống. Ngoài ra, việc nuôi theo hình thức bán hoang dã giúp dê có thời gian vận động, khỏe mạnh, chất lượng thịt tốt, săn chắc, ít mỡ, vị đậm đà, được người tiêu dùng đón nhận.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp nuôi thả vườn là thời gian chăm sóc lâu, do dê tăng trưởng chậm hơn so với chăn nuôi nhốt chuồng. '

Anh Điện cho biết, dê nuôi nhốt trong chuồng cần 8 tháng là có thể xuất bán ra thị trường, trọng lượng mỗi con khoảng 80kg trở lên. Còn dê thả vườn thời gian xuất chuồng lâu hơn (khoảng 1 năm trở lên), trọng lượng mỗi con không đến 30kg. Dù vậy, đây cũng là lợi thế, bởi dê thịt chắc, bán được giá cao. “Trong khi dê nuôi nhốt chuồng khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, dê thả vườn bán được khoảng 120.000 đồng/kg. Mặc dù giá cao, nhưng người dân, hộ kinh doanh ăn uống xã Ô Lâm và thị trấn Tri Tôn rất ưa chuộng, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ mô hình chăn nuôi này, mỗi năm gia đình tôi thu về lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng” - anh Điện thông tin thêm. 

Một trong những lợi ích khác của mô hình nuôi dê thả vườn là có thể tận dụng được nguồn phân bón cho cây xoài. 

Bên cạnh đó, anh Điện không mất thời gian, công sức cho việc dọn vườn. Anh Điện chia sẻ: “Phân dê sau khi xử lý bằng nấm trichoderma trở thành một trong những loại phân hữu cơ rất tốt để bón cho cây xoài. Nhờ vậy, từ lúc phát triển mô hình đến nay, tôi hầu như không tốn chi phí bón phân hữu cơ.

Ngoài ra, gia đình tôi còn tiết kiệm hàng chục triệu đồng chi phí phun xịt cỏ trong vườn. Đặc biệt, không sử dụng thuốc hóa học giúp các loại sinh vật có ích trong đất (trùn) phát triển, giúp cải tạo đất, cây trồng từ đó phát triển mạnh, cho năng suất cao, chất lượng vượt trội, góp phần không nhỏ bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng…”.

Từ hiệu quả của việc chăn nuôi dê thả vườn, thời gian tới, anh Điện dự định sử dụng lưới sắt bao quanh vườn xoài để phát triển mô hình. Đồng thời, nuôi trùn quế, nuôi gà, nuôi cá… để tận dụng tối đa giá trị kinh tế của các loại cây trồng, vật nuôi mà anh canh tác.

Hiệu quả của mô hình chăn nuôi dưới tán rừng giúp người dân các huyện miền núi tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp, góp phần thay đổi thói quen, tập quán sản xuất, xây dựng mô hình sản xuất hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao. 

Sự kết hợp trên góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi làm phân bón cho các loại cây trồng khu vực chăn nuôi.

Đức Toàn (Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem