Càng đấu thầu, giá vàng càng lên đỉnh: Muốn tăng cung nhưng không bán "giá rẻ", đâu mới là giải pháp?

H.Anh - P.Thảo Thứ sáu, ngày 10/05/2024 08:02 AM (GMT+7)
"Càng đấu thầu, giá vàng càng cao", theo đánh giá của giới phân tích, đấu thầu vàng không phải là biện pháp khả thi giúp tăng cung để hạ nhiệt giá vàng. Thay vì, Ngân hàng Nhà nước trực tiếp "gánh" trách nhiệm cân bằng cung – cầu, nên cho phép các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vàng mới là giải pháp quan trọng lúc này.
Bình luận 0

Càng đấu thầu, giá vàng càng leo đỉnh, giá vàng hôm nay tiến sát 90 triệu đồng/lượng

Giá vàng hôm nay: Thống kê của Dân Việt cho thấy, chưa đầy 1 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 5 lần ra thông báo về việc tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC. Điều đáng nói, chỉ 2/5 phiên được tổ chức thành công, và 3/5 phiên còn lại bị "hủy" vì lý do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu

Thậm chí, trong 2/5 phiên đấu thầu thành công thì cũng chỉ có 2 - 3 đơn vị trúng thầu với số lượng khiêm tốn so với số lượng vàng miếng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến "bơm" vào thị trường qua mỗi phiên.

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 23/4, 11 đơn vị đăng ký tham gia, song chỉ 2 đơn vị trúng với khối lượng 3.400 lượng vàng. Giá trúng thầu cao nhất là 81,33 triệu đồng/lượng (cao hơn 630.000 đồng so với giá tham chiếu 80,7 triệu đồng). Giá trúng thầu thấp nhất là 81,32 triệu đồng/lượng (cao hơn 620.000 đồng so với giá tham chiếu).

Trong phiên gần nhất (8/5), cũng chỉ có 3.400 lượng vàng/16.800 lượng (dự kiến) được rót vào thị trường, giúp tăng cung vàng. Tuy nhiên, giá trúng thầu lần đấu này "cao ngất" lên tới trên 86 triệu đồng/lượng.

Càng đấu thầu, giá vàng càng lên đỉnh: Muốn tăng cung nhưng không bán

Diễn biến giá vàng từ phiên đấu thầu đầu tiên đến giá vàng hôm nay.

Một điểm "chung" của các phiên đấu thầu, nhãn tiền có thể thấy đó chính là sau các phiên đấu thầu, giá vàng lại lập đỉnh. Từ mức giá 83,5 triệu đồng/lượng (phiên 22/4), giá vàng hôm nay đã tiến sát 90 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng hơn 6 triệu đồng/lượng kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện đấu thầu vàng.

Cùng với đó, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo đấu thầu (từ ngày 22/4) đến nay cũng nới rộng, cao hơn cả thời điểm trước đấu thầu. Từ mức chênh lệch khoảng 12,4 triệu đồng/lượng vào cuối tháng 4, đến phiên giao dịch ngày hôm qua, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới lên tới 18 triệu đồng/lượng.

Ngân hàng Nhà nước muốn tăng cung, không phải bán vàng giá rẻ ra ngoài thị trường?

Theo đánh giá của giới phân tích, "càng đấu thầu, giá vàng càng cao" bên cạnh tác động của giá vàng thế giới, trong nước, việc các phiên đấu thầu vàng liên tiếp phải hủy hoặc trúng thầu với tỷ lệ thấp đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến giá vàng càng tăng mạnh. Bên cạnh đó, giá trúng thầu cao buộc các nhà kinh doanh vàng phải bán ra với mức giá cao hơn để "có lời", tối thiểu từ 3 – 5%.

TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, nếu tiếp tục đấu thầu vàng như hiện nay, nguy cơ "ế" hoặc lại phải hủy là hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, để tiếp tục hoạt động đấu thầu "may ra " mới có thể khả thi, ông cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần cải thiện quy trình cũng và giải quyết vấn đề về giá trong đấu thầu, tức là bắt buộc phải giảm giá tham chiếu xuống tiệm cận với thế giới.

Dưới góc nhìn khác, chuyên gia AFA Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, giá vàng Việt Nam bị tác động bởi 3 yếu tố, đó là giá thế giới, thứ 2 là tỷ giá và cuối cùng là cung cầu.

"Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng hơn 10%, nhưng tỷ giá cũng tăng 5%. Tức là, nếu giá vàng thế giới có đứng im thì giá vàng trong nước vẫn sẽ tăng 5%", ông nói.

Về hoạt động đấu thầu, vị chuyên gia này cho rằng, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước không phải bán vàng giá rẻ ra ngoài thị trường, mà Ngân hàng Nhà nước chỉ muốn tăng cung để kỳ vọng giảm chênh lệch giá vàng và tỷ giá được kiểm soát.

Càng đấu thầu, giá vàng càng lên đỉnh: Muốn tăng cung nhưng không bán

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đang ở "thế khó" bởi nếu đưa ra mức giá bán thấp hơn thị trường, câu hỏi về việc thất thoát tài sản nhà nước sẽ được đặt ra?

Giải pháp nào cho giá vàng hiện nay?

Từ những kết quả nhãn tiền sau các phiên đấu thầu vừa qua, các nhà phân tích đều có chung nhìn nhận cho rằng, đấu thầu vàng chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh giá vàng "nóng, sốt" như thời gian qua. Điều quan trọng vẫn là sửa đổi Nghị định 24 "càng sớm càng tốt".

Theo đề xuất của TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Nghị định 24 cần được nhanh chóng sửa đổi theo hướng bỏ quy định độc quyền sản xuất vàng miếng SJC, trả vàng về cho thị trường vận hành.

"Thực tế, thương hiệu vàng SJC cũng không khác nhiều so với các thương hiệu khác, nhưng rõ ràng là chênh lệch giá giữa thương hiệu này với thương hiệu khác là lớn. Điều này tạo ra một giá trị ảo cho bản thân thương hiệu vàng SJC này", ông Lực cho hay.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường khâu cố kết hợp giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan bộ, ngành khác nhau để kiểm tra, đánh giá, giám sát thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn nữa; Cần phải tăng cường hợp tác quốc tế để chống câu chuyện của buôn và đảm bảo cung cầu, từ đó giúp thị trường vàng liên thông tốt hơn nữa thời gian tới.

Một điểm mấu chốt khác, theo vị chuyên gia này đó là, tăng lượng cung của vàng, để phù hợp với cái nhu cầu của người dân và các gia đình ở Việt Nam. Bởi chỉ khi nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường thì mới có thể đạt mục tiêu của Chính phủ là kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay.

Điều này được thực hiện bằng cách, Ngân hàng Nhà nước cho phép một số doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn, đủ tiêu chí đáp ứng điều kiện nhập khẩu vàng, thay vì chỉ một doanh nghiệp như hiện nay. "Ngân hàng Nhà nước không nên trực tiếp "gánh" trách nhiệm cân bằng cung – cầu", ông nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhấn mạnh, để thị trường "bớt sốt" cần bỏ độc quyền vàng miếng và trả lại thương hiệu SJC cho chính doanh nghiệp.

"Phải lưu ý rằng, trên thế giới còn mỗi Việt Nam là ngân hàng trung ương độc quyền xuất nhập khẩu vàng miếng. Hiện nay, vàng miếng SJC không chênh lệch các thương hiệu vàng miếng khác về chất lượng, song giá cả lại chênh lệch rất lớn là vô lý. Cần trả lại thương hiệu SJC cho doanh nghiệp để họ kinh doanh bình đẳng như các doanh nghiệp khác", ông Nghĩa kiến nghị.

Thực tế, bỏ độc quyền vàng miếng SJC năm 2024 cũng là mong mỏi nhiều năm qua của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này.

Càng đấu thầu, giá vàng càng lên đỉnh: Muốn tăng cung nhưng không bán

Giá vàng hôm nay trên đà phá đỉnh 90 triệu đồng/lượng

Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo Tín Mạnh Hải cho rằng, nếu bỏ độc quyền vàng, đầu tiên là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện theo các quy định của Nhà nước, có thể nhập khẩu vàng về để tập trung sản xuất trang sức. Khi đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp yên tâm hơn trong việc đầu tư sản xuất trang sức, mỹ nghệ phục vụ khách hàng.

"Với việc tiếp cận nguồn nguyên liệu thì doanh nghiệp cũng sẽ an toàn hơn tránh được các rủi ro pháp lý khi mua nguyên liệu từ các nguồn trôi nổi", vị này chia sẻ.

Về việc tăng nguồn cung hạ nhiệt giá vàng, vị chuyên gia này đánh giá "đấu thầu không phải biện pháp khả thi". Theo đó, cần biện pháp thương mại, đó là giải pháp căn cơ và theo thông lệ quốc tế. Tức sẽ cho phép các công ty đủ điều kiện được quyền xuất nhập khẩu vàng, kiểm soát bằng công cụ thuế - công cụ quản lý Nhà nước quan trọng nhất của bất kỳ Chính phủ nào.

"Nếu cho phép nhập khẩu vàng, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới sẽ liên thông. Nhập khẩu vàng từ Singpore, Hong Kong, Thái Lan… về Việt Nam rất nhanh", TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định.

Trước đó, Hiệp hội kinh doanh Vàng Việt Nam cũng đã có đề xuất, trước khi ban hành Nghị định mới thay Nghị định 24, Thủ Tướng, Phó Thủ Tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của Hiệp hội, trước mắt cho phép 3 doanh nghiệp (PNJ, SJC, DOJI) được nhập 1,5 tấn vàng/năm (mỗi doanh nghiệp nhập 500 kg vàng/năm). Các doanh nghiệp sẽ không nhập cùng lúc tất cả 1,5 tấn vàng mà sẽ chia làm nhiều lần nhập, tùy theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem