Được Hội Nông dân hỗ trợ, ông nông dân Đồng Nai trồng sầu riêng sạch, thu 4 tỷ đồng/năm

Nguyên Vỹ Thứ hai, ngày 18/09/2023 16:03 PM (GMT+7)
Nhờ chủ động phối hợp và phát triển liên kết sản xuất phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề, các mô hình kinh tế tập thể do Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai vận động góp phần tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tập trung
Bình luận 0

Phát triển kinh tế tập thể gắn liền phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Ông Nguyễn Hữu Phúc - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết, thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân đã vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng 36 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.  

Huyện Tân Phú (Đồng Nai) có vùng cây ăn quả  lớn với diện tích khoảng 10.500ha. Trong đó cây sầu riêng với 2.800ha, đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Hiếu

Huyện Tân Phú (Đồng Nai) có vùng cây ăn quả lớn với diện tích khoảng 10.500ha. Trong đó cây sầu riêng với 2.800ha, đang cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trung Hiếu

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Tân Phú cũng phối hợp thành lập mới 10 HTX với 159 thành viên; 16 tổ hợp tác với 466 tổ viên; 4 Câu lạc bộ năng suất cao với 101 thành viên. 

Tính đến nay, toàn huyện có 45 HTX, trong đó có 23 HTX nông nghiệp. Hội Nông dân huyện Tân Phú cũng hướng dẫn Hội Nông dân các xã xây dựng 4 mô hình Chi Hội nghề nghiệp.

Ông Phúc kể, từ công tác vận động nông dân sản xuất kinh doanh giỏi gắn với phát triển kinh tế tập thể, huyện Tân Phú đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình. Trong số đó có ông Phạm Văn Nhanh, hội viên nông dân xã Phú An đang trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 7ha.

Nhờ sản xuất sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, vườn sầu riêng mang lại cho ông Nhanh nguồn thu nhập hàng năm hơn 4 tỷ đồng. Ông còn giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên và khoảng 13 lao động thời vụ.

Trong vai trò là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An, ông Nhanh hướng dẫn cho thành viên HTX và hội viên nông dân khác đăng ký thủ tục mã vùng trồng. Đến nay, HTX đã được cấp 1 mã vùng trồng cho 17 hộ trồng sầu riêng  trên diện tích 122ha.

Ông Phạm Văn Nhanh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Minh Long

Ông Phạm Văn Nhanh - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú An thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Minh Long

Theo ông Phúc, các mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn huyện hoạt động ổn định. Thông qua việc liên kết tiêu thụ; cung ứng dịch vụ, vật tư; đời sống của xã viên và hội viên nông dân ngày càng được nâng lên.

Hàng năm, Hội Nông dân huyện Tân Phú còn tổ chức hàng trăm lượt tiếp xúc giữa nông dân, chủ trang trại, HTX, tổ hợp tác kết nối với thị trường tiêu thụ tại chợ đầu mối Dầu Giây, các siêu thị.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp tỉnh, gồm bưởi da xanh Tài Lài, mật ong Vương Phát, tinh dầu trầm hương, rượu nếp Kabin, hạt điều nhân trắng và 1 nhãn hiệu hồ tiêu Lộc Thịnh do Hội Nông dân huyện quản lý.

Kinh tế tập thể hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Bà Hồ Thị Sự – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trong nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đã vận động, hướng dẫn thành lập được 288 tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ năng suất cao với 3.680 thành viên.

HTX Thanh Bình huyện Trảng Bom (Đồng Nai) liên nông dân trồng chuối xuất khẩu. Ảnh:Nguyên Vỹ

HTX Thanh Bình huyện Trảng Bom (Đồng Nai) liên nông dân trồng chuối xuất khẩu. Ảnh:Nguyên Vỹ

Đến nay, toàn tỉnh có 1.272 HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ năng suất cao. Trong đó, có 199 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX, với 2.642 thành viên và 2.853 lao động, tổng vốn điều lệ hơn 751,1 tỷ đồng.

Theo bà Sự, trong việc vận động, hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế tập thể, Hội Nông dân đề cao tính chủ động trong việc phối hợp với các ngành liên quan, địa phương. "Việc vận động thành lập và phát triển phải phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực", bà Sự nhấn mạnh.

Vì thế, đa số các HTX nông nghiệp, câu lạc bộ, tổ hợp tác do Hội Nông dân phối hợp vận động thành lập có chất lượng hoạt động cơ bản ổn định, hiệu quả. Các hoạt động của Hội Nông dân đã góp phần nhân rộng các mô hình chuyên canh, mô hình cánh đồng lớn; góp phần đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tập thể, liên kết tạo ra nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tập trung.

Điển hình như HTX TM-DV-NN Xuân Tiến do Hội Nông dân vận động thành lập đã mạnh dạn xây dựng Dự án cánh đồng lớn trồng bắp, lúa ở huyện Xuân Lộc. Tại đây, HTX tổ chức cung ứng đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm lúa, bắp cho 43 thành viên, trên diện tích 150 ha.

Hoặc như HTX Ca cao Thống Nhất là tổ chức đại diện của nông dân huyện Thống Nhất tham gia dự án cánh đồng lớn cây ca cao do Công ty TNHH ca cao Trọng Đức làm chủ dự án. HTX và doanh nghiệp liên kết hướng dẫn kỹ thuật, quản lý sản xuất và tổ chức thu mua ca cao cho các thành viên HTX.

HTX Ca cao Thống Nhất tham gia dự án cánh đồng lớn cây ca cao cùng Công ty TNHH ca cao Trọng Đức. Ảnh:Nguyên Vỹ

HTX Ca cao Thống Nhất tham gia dự án cánh đồng lớn cây ca cao cùng Công ty TNHH ca cao Trọng Đức. Ảnh:Nguyên Vỹ

Ông Đỗ Phước Dũng - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, giai đoạn 2018-2023, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai vận động, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ hội viên thành lập mới 107 HTX nông nghiệp.

Công tác phối hợp giữa Liên minh HTX với Hội nông dân đã giúp HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng hoạt động.

Lũy kế trong 5 năm (2018-2023), Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh (thuộc Liên minh HTX tỉnh) đã thực hiện giải ngân hơn 42,8 tỷ đồng cho 2.063 lượt phương án sản xuất kinh doanh của hội viên nông dân Đồng Nai.

Quỹ hỗ trợ đã giúp hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

Những kết quả này góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm và đóng góp của 2 đơn vị trong việc vận động, hướng dẫn xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, HTX trong nông nghiệp, nông thôn.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã và Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai sẽ nâng cao hơn nữa công tác phối hợp, dây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, dựa trên lợi ích của thành viên, HTX và cộng đồng.

2 đơn vị sẽ xây dựng các HTX nông nghiệp ở các vùng có các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Trong đó, 2 đơn vị chú trọng xây dựng các HTX gắn liền với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; xây dựng mô hình HTX chuyên ngành, cũng đa dạng các loại hình HTX ở các địa phương khác nhau nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế của từng vùng", ông Dũng chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem