Vì sao nhiều nông dân Đồng Nai mạnh tay làm nông nghiệp công nghệ cao?

Trần Khánh Thứ năm, ngày 17/08/2023 07:00 AM (GMT+7)
Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ có chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.
Bình luận 0

Đây là hướng đi phù hợp, được nông dân Đồng Nai tích cực tham gia vì là giải pháp có tính khả thi cao trong phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và bền vững.

Nông dân Đồng Nai mạnh tay làm nông nghiệp công nghệ cao

HTX TM-DV Nông nghiệp Xuân Tiến (huyện Xuân Lộc) thành lập năm 2014, tiền thân là một câu lạc bộ năng suất cao lúa, bắp.

Ông Trần Quang - Giám đốc HTX kể, thời điểm đó, lúa và bắp vẫn trồng thủ công, trên diện tích nhỏ lẻ. Nguồn thu không đáng kể, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn.

Được sự vận động của các cấp Hội Nông dân, ông Quang kêu gọi các thành viên gắn kết lại, giúp nhau trong sản xuất. Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ HTX rất nhiều trong việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới hoá vào sản xuất, đưa thành viên đi tập huấn, tham quan các mô hình sản xuất có hiệu quả.

HTX TM-DV Nông nghiệp Xuân Tiến tập trung sản xuất sản phẩm lúa, gạo sạch. Ảnh: Trần Khánh

HTX TM-DV Nông nghiệp Xuân Tiến tập trung sản xuất sản phẩm lúa, gạo sạch. Ảnh: Trần Khánh

Năm 2016, HTX được giao thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Được hỗ trợ về giống và phân bón, HTX tập trung sản xuất sản phẩm lúa, gạo sạch. Một trong những sản phẩm chính của HTX là giống lúa ST, đang thích nghi tốt với thổ nhưỡng ở vùng Xuân Lộc.

Ông Quang cho biết, giống lúa này tuy thời gian sinh trưởng có dài hơn so với dòng lúa cao sản khác nhưng ít sâu bệnh hại, sản phẩm gạo ngon được rất nhiều người ưa chuộng. Qua nhiều vụ sản xuất, kết quả doanh thu sau khi trừ chi phí cho lại lợi nhuận cao hơn các loại lúa khác từ 15-25%.

Điều đặc biệt hơn là nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp Xuân Tiến không còn chạy theo năng suất cao nữa. Điều mà HTX quan tâm lúc này là tập trung các giải pháp sản xuất ra gạo sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

"Đến nay, mô hình này vẫn được duy trì và nhân rộng với phương châm không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết mà bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình, gia đình và cộng đồng", ông Quang nói.

https://danviet.mediacdn.vn/296231569849192448/2022/9/20/z37356Ông Trần Quang - Giám đốc HTX TM-DV Nông nghiệp Xuân Tiến. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Trần Quang - Giám đốc HTX TM-DV Nông nghiệp Xuân Tiến. Ảnh: Tuệ Mẫn

Ông Nguyễn Đình Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) cho biết, thời gian qua, đã có nhiều nông dân chọn làm nông nghiệp bằng con đường ngắn nhất để đi tới thành công.

Để khắc phục, Hội Nông dân xã Hiếu Liêm phối hợp ngành nông nghiệp địa phương trực tiếp hướng dẫn cho các hội viên và hộ nông dân sản xuất men sinh học bản địa IMO. Ứng dụng này vừa giúp tạo ra sản phẩm sạch, lại giảm được chi phí sản xuất nông nghiệp.

Từ phong trào này, hộ cá thể Nguyễn Văn Thanh đã đạt giải khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo do Sở Khoa học công nghệ tỉnh tổ chức trong vệc ứng dụng chế phẩm IMO để xử lý phân hữu cơ bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây có múi.

"Tại vườn rau ăn quả nhà ông Thanh, cả vườn không có con rầy rệp nào. Trái khổ qua, trái dưa leo bóng đẹp, ăn giòn, đề cả tuần vẫn còn tươi  ngon", ông Bình kể.

Nông dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) làm chế phẩm IMO để xử lý phân hữu cơ bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây có múi. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) làm chế phẩm IMO để xử lý phân hữu cơ bón và thuốc bảo vệ thực vật cho cây có múi. Ảnh: Trần Khánh

Sắp tới, Hội Nông dân xã Hiếu Liêm sẽ tiếp tục triển khai trên toàn xã công nghệ nhân nuôi, chế biến chế phẩm vi sinh phục vụ khử mùi chuồng trại chăn nuôi; ủ phân bón từ phế phẩm nông nghiệp và dùng chế phẩm IMO bảo vệ cây trồng. Tất cả sẽ làm tiền đề cho cuộc vận động hội viên và nông dân hướng đến  làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ trong thời gian tới.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ nông dân nông nghiệp công nghệ cao

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao.

Các cấp Hội đã chủ động phối hợp với các ban, ngành ở địa phương và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao cho hội viên, nông dân.

Cụ thể như Hội Nông dân phối hợp Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định triển khai trình diễn 8 mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật cho từng loại cây trồng, để nhân rộng trên địa bàn các huyện.

Từ kết quả của các mô hình, giúp cho các cấp Hội tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan học tập để nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nông dân tỉnh Đồng Nai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ có chất lượng. Ảnh: Trần Khánh

Nông dân tỉnh Đồng Nai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ có chất lượng. Ảnh: Trần Khánh

Hội Nông dân Đồng nai hỗ trợ xây dựng và duy trì Câu lạc bộ Khoa học kỹ thuật Nhà nông; đưa nông dân tham gia các cuộc thi Nhà nông đua tài, Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông, chương trình Tôn vinh Nhà Khoa học của Nhà nông... 

Từ những phong trào này, nhiều sáng kiến, giải pháp kỹ thuật do nông dân tự sáng chế, tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất.

Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Hội Nông dân tỉnh đã được cấp bổ sung 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tổng dư nợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh Đồng Nai hiện nay là 122,77 tỷ đồng, phát vay cho 2.720 hộ với 276 dự án của nhóm hộ.

Trong các dự án nà có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như nuôi lợn chuồng kín, sản xuất nấm mèo giống, trồng dưa lưới trong nhà màng, nuôi tôm công nghệ cao trong ao nổi...

Qua hoạt động hỗ trợ này, nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân về vai trò, tầm quan trọng của tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu hỗ trợ để có thêm nhiều cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Khánh

Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu hỗ trợ để có thêm nhiều cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhiều doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Trần Khánh

Phong trào ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và đời sống đã phát triển rộng khắp. Nhiều mô hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao đã xuất hiện, được tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Đồng Nai vẫn còn gặp phải không ít khó khăn. Mô hình này đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn, trong khi dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp.

Nhiều khó khăn khách quan khác trong việc ứng dụng khoa học công nghệ cũng tạo ra những rào cản cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao thời gian qua.

Cùng với các sở ngành liên quan, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 50% tổng giá trị toàn ngành.

"Đồng Nai hướng đến xây dựng được từ 2-3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi huyện, thị đều có các cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; và có khoảng 30-40 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao", ông Tuấn Anh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem