Lãng quên nhà văn hóa thôn, xã: Làm sao kết nối cộng đồng?

Thứ sáu, ngày 08/07/2011 10:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi NTNN đăng tải loạt bài “Lãng quên nhà văn hoá thôn, xã”, chúng tôi nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc, chia sẻ, đóng góp cho mô hình hoạt động của các nhà văn hoá (NVH) thôn, xã.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Mười - phường Hương Sơ (TP.Huế): Đừng đổ lỗi cho dân

Đọc loạt bài “Lãng quên nhà văn hoá xã thôn”, tôi muốn báo NTNN hãy về phường tôi mà viết về tình trạng NVH cộng đồng Đức Bưu ở đường Nguyễn Văn Linh được một hộ dân thuê làm nhà ở. Hỏi thì những người có trách nhiệm ở phường cho biết, vì NVH không có hoạt động gì, để không cũng phí nên cho thuê để có nguồn kinh phí hỗ trợ dân phòng hoạt động.

img
Chơi cờ bên đình làng Diềm (Bắc Ninh).

NVH không có hoạt động gì là lỗi của ai, lỗi của người dân hay lỗi của chính quyền? Trong khi đó, trẻ con không có chỗ sinh hoạt hè gì hết, toàn đi chơi điện tử ở các hàng điện tử, dân thì chủ yếu tối ngày ngồi coi TV, riết rồi tụi trẻ lớn lên cũng chẳng biết ca Huế, hò Huế ra sao. Văn hoá truyền thống dân tộc mình hay lắm chứ, chẳng qua họ không biết cách làm, lại đổ tội cho dân không quan tâm là không được.

Anh Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập mô hình Tủ sách dòng họ: Đưa ra khỏi chức năng hành chính

Vì mô hình Tủ sách dòng họ nên tôi có dịp được tiếp cận khá nhiều với các NVH xã, tôi thấy chức năng của NVH hiện nay chủ yếu là hành chính, là nơi họp hành phổ biến chính sách chứ không phải là nơi để người dân giao lưu sinh hoạt văn hoá, tiếp cận tri thức.

Tôi được biết NVH thôn thì ở một số nơi còn có hoạt động thường xuyên, còn NVH xã thì tình trạng hoang vắng là khá phổ biến. Vì sao? Vì nó nằm trong trung tâm hành chính xã, mà bán kính từ trung tâm xã tới các thôn ở vùng đồng bằng trung bình là từ 3-5km, người dân nào đến đó để mà sinh hoạt?

Đó là chưa kể nội dung “văn hoá” của nó lại chẳng có gì hấp dẫn, chẳng có tính chất “văn hoá” nào ở đó, sách báo cũng không có. Tôi nghĩ những người làm văn hoá nên suy nghĩ về điều này: Tại sao ở các khu vực nông thôn hiện nay, người dân mê cúng bái thần thánh nhiều đến thế và lượng vàng mã hàng ngày người dân đốt chưa bao giờ lại nhiều như thời điểm này?

Ông Trương Văn Hùng - Châu Thành, Hậu Giang: Dân không có nơi chơi đờn ca tài tử

Ở xã chúng tôi, các nhóm đờn ca tài tử hoạt động rất mạnh, dân cũng rất thích nghe, nhưng các nhóm đờn ca tài tử toàn phải tụ tập ở nhà dân rồi đàn hát chứ đâu có vào được NVH xã mà chơi. Chúng tôi ngày đi làm, tối mới tụ họp cùng nhau để chơi nhạc tài tử, lúc đó thì lấy ai mở cửa NVH cho mà vào, rồi còn điện đóm, nước nôi?

Nói chung tôi thấy NVH xã chỉ chủ yếu làm nơi hội họp, năm thì mười họa mới có biểu diễn văn nghệ của các đoàn ca nhạc trên thành phố về bán vé mà chỉ tụi trẻ mới thích, người trung tuổi, người già cũng không đi xem mấy.

Nếu muốn khơi dậy hoạt động văn hoá cơ sở, Nhà nước phải hỗ trợ kinh phí cho chúng tôi luyện tập, rồi biểu diễn cho người dân xem, chứ chỉ xây cho cái NVH như vậy mà không có kinh phí gì thì để không là quá uổng phí.

PGS.TS Trịnh Ngọc Hiệp - nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ: Cần tính tới yếu tố văn hoá vùng miền

Phong trào khắp nơi xây NVH rồi bỏ hoang theo tôi cần phải xem xét nghiêm túc. Khi xây dựng công trình này, cần phải tính tới yếu tố văn hoá vùng miền. Ví dụ ở Tây Nguyên, không công trình văn hoá nào có thể thay thế được nhà rông do chính bà con xây dựng nên, nó gắn với tập tục văn hoá và tín ngưỡng của họ. Ở khu vực đồng bào Khmer thì ngôi chùa chính là trung tâm văn hóa - xã hội của phum sóc, xóm, ấp.

Tôi lấy ví dụ tỉnh Trà Vinh là nơi có đến 30% là người dân tộc Khmer và có đến 141 chùa Khmer nằm dày đặc từ thị xã đến vùng nông thôn sâu. Ngoài sinh hoạt tôn giáo, chùa còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn liền với tập tục mang tính xã hội của đồng bào Khmer. Họ không thể vì xã có NVH mà bỏ việc tới sinh hoạt văn hoá ở chùa, vậy thì đương nhiên NVH bỏ hoang là đúng rồi.

Vậy ở những địa phương mà có một mô hình sinh hoạt văn hoá khác đang làm tốt chức năng của nó, chúng ta có nên xây thêm NVH nữa không? Nếu vẫn xây thì thực sự là một sự lãng phí lớn.

Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn: Phải thực sự là công trình của nhân dân

Đọc loạt bài về NVH trên báo NTNN, tôi rất tâm đắc với ý kiến phải làm sao để biến NVH thành một mái đình hiện đại chứ đừng xây xong rồi bỏ đó. Mái đình trong cộng đồng làng Việt sở dĩ nó có được vị trí trong tâm thức người VN là bởi nó có 3 chức năng: Trụ sở hành chính, nơi sinh hoạt văn hoá và yếu tố tâm linh thờ Thành hoàng làng.

Mái đình thực sự là của dân, nó gắn liền với sinh hoạt thường ngày của họ, nếu không phải ngày tế lễ, ngày hội thì là nơi hóng mát, hò hát, họp làng… còn NVH ngày nay chỉ có tính chất là một “trụ sở” bên cạnh dãy nhà công sở của UBND, mà đã trụ sở thì nó là của cán bộ chứ với dân thì quá xa vời, dân không thấy gần gũi nên họ không đến cũng phải.

Tôi thấy việc xây dựng NVH mà không cần biết nó có được người dân chấp nhận hay không là một việc làm duy ý chí. Tôi sống ở nông thôn nên tôi biết, những người làm cán bộ văn hoá ở cơ sở bây giờ cũng chẳng biết văn hoá truyền thống ông cha là gì, thế thì làm thế nào được văn hoá? Theo tôi, để “cứu vãn” tình trạng hoang vắng của NVH hiện nay, Nhà nước nên đầu tư thật nhiều sách báo cho dân đến đọc, cái này ở nông thôn đang rất thiếu.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem