Mơ một mái đình hiện đại

Thứ năm, ngày 07/07/2011 15:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Diện tích đất công dành cho sinh hoạt cộng đồng đang ngày một hiếm hoi và đã trở thành nỗi bức xúc của người dân. Vậy phải làm sao để nhà văn hóa “hóa thân” thành một mái đình hiện đại giúp kết nối được cộng đồng?
Bình luận 0

Ông Trương Văn Đạt- một “lão nông tri điền” ở xã Thái Thượng (Thái Thụy, Thái Bình) cách đây ít lâu đã gửi cho chúng tôi một lá thư đầy tâm huyết. Trong thư ông kể rất nhiều về sự khát khao được vui chơi sinh hoạt văn hóa thể thao giải trí của người dân quê ông.

Nằm bên lề cuộc sống

Những khát khao mà ông Đạt kể ra là: Người già cần chỗ đánh cờ, xem hát chèo, trẻ em cần chỗ để đá bóng, đọc sách truyện, thanh niên, phụ nữ cần chỗ để tổ chức phong trào hội họp... nhưng NVH của thôn, xã chưa đáp ứng được điều đó. Có nơi thì đóng cửa im ỉm, chỉ lúc nào họp hành mới mở, có nơi thì chỉ là một cái nhà không, chẳng có trang thiết bị gì để phục vụ sinh hoạt.

img
Sinh hoạt văn hoá tại đình làng thôn Triều Khúc (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Rồi ông Đạt ao ước cái NVH ở nông thôn hôm nay làm được chức năng của mái đình làng thời xưa - là trái tim của cộng đồng dân cư. Tất tật mọi sinh hoạt chung của dân cư trong làng đều diễn ra ở đó, những lễ lạt thành kính với tổ tông, hội hè xuân thu nhị kỳ, những đêm chèo sân đình, những ngày nắng phơi thóc phơi ngô... Cuối thư ông đặt câu hỏi: Tại sao mái đình xưa ấm áp là vậy mà NVH ngày nay lại lạnh lẽo, lại xa cách như thế?

So với mái đình, ngôi chùa hay nhà thờ của một cộng đồng dân cư truyền thống, NVH có một nhược điểm lớn nhất, đó là thiếu yếu tố tâm linh để gắn kết cộng đồng. Người dân không bắt buộc phải đến với NVH, và điều này lại càng khó khăn hơn khi mà những nội dung mà thiết chế văn hóa này chứa đựng chưa tìm được “chìa khóa” mở vào cánh cửa đời sống tinh thần của người dân.

Chiến lược xây dựng và phát triển nông thôn mới đang tiến hành thí điểm ở một số địa phương bước đầu thu được nhiều kết quả tốt. Trong 19 tiêu chí của các xã nông thôn mới có tiêu chí về Trung tâm Văn hóa thể thao xã (một cách gọi mới của NVH). Điều này cho thấy Nhà nước thực sự quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân và quyết tâm hiện thực hóa nó bằng những công trình thực tế. Nhưng việc xây một công trình to lớn bề thế thì dễ, còn tạo dựng được một nếp sống văn hóa tinh thần lành mạnh phong phú để người dân chấp nhận nó mới thực sự là khó, cần được đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng.

“Hồn vía” đang ở đâu

Trao đổi với Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Vũ Ngọc Khánh cho biết: “Ở nhiều ngôi làng hiện nay, mái đình không còn nữa, vì chiến tranh, vì sự thiếu ý thức của người dân, bởi vậy NVH đang được xem như một sự thay thế hữu hiệu để có được một trung tâm sinh hoạt cộng đồng cho dân cư trong làng. Nhưng việc các thôn, xã ào ào xây NVH thời gian qua chỉ nặng về việc hoàn thành các thủ tục hành chính để được công nhận là làng văn hóa, thôn văn hóa chứ chưa để tâm đến việc mang đến cái “hồn vía” cho cái công trình toàn xi măng gạch ngói này.

Phải làm sao để NVH gắn kết được với phong tục tập quán sinh hoạt của người dân? Ông Khánh cho rằng, lễ hội trong làng, việc vui việc buồn, người dân vẫn tìm đến mái đình, vậy nếu kết nối được NVH với mái đình như một công trình phụ trợ thì nó mới phát huy được tác dụng. “Theo tôi các cơ quan chức năng nên có những đề án cụ thể, mời các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà xã hội học vào cuộc để làm cái việc là tìm “hồn vía” cho các NVH”-ông nói.

Khi NTNN đặt câu hỏi tại sao có quá nhiều NVH thôn, xã bị chính quyền địa phương cho thuê làm quán nhậu, làm nơi tổ chức tiệc tùng, ông Trương Công Thấm- cán bộ Phòng Thiết chế văn hóa – Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết: “Căn cứ vào Nghị định số 43/2006 và Nghị định số 69/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thì việc các NVH được cho thuê không có gì sai luật”. Dẫu vậy, theo nhận xét của nhiều người dân, việc cho thuê NVH để làm chỗ ăn nhậu là rất phản cảm.

Kiến trúc sư trẻ Lê Long Thức – Hội Kiến trúc sư VN tâm sự: “Việc hàng loạt NVH xây rồi nhưng bỏ hoang, người dân không chấp nhận cũng có nhiều lý do, bên cạnh việc nó chưa hòa nhập được với đời sống tinh thần của họ thì còn vì vẻ ngoài của các NVH hiện nay rất luôm nhuôm.

Các địa phương thích xây thế nào thì xây, tại sao người ta không tổ chức các cuộc thi thiết kế mẫu NVH có tính tới yếu tố văn hóa vùng miền? Chúng ta đừng làm theo kiểu rập khuôn mà nên chú trọng tới kiến trúc có mô phỏng những đường nét chủ đạo, nó cũng là một sợi dây vô hình để kết nối người dân với thiết chế văn hóa này”.

Cuộc sống hiện đại ngày càng gấp gáp hơn, những khoảng không gian công cộng ngày càng thu hẹp lại nhường chỗ cho các công trình dân sinh, cho dự án khu công nghiệp, dịch vụ, bởi vậy đừng ai “nhẫn tâm” nói rằng nên “xóa sổ” NVH đi cho rồi. Việc quan trọng hơn cả là những người có trách nhiệm trong ngành văn hóa phải làm sao để đưa thiết chế này từ bên lề cuộc sống vào được một vị trí xứng đáng trong tâm thức của người dân. Vấn đề này phải được giải quyết sớm, trước khi chúng ta đổ tiền xây dựng những công trình NVH to lớn, bề thế trong một tương lai rất gần.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem