Đề thi Văn giữa kỳ 2 lớp 11 ở Nghệ An gây tranh cãi

Tào Nga Thứ hai, ngày 25/03/2024 06:40 AM (GMT+7)
Đề thi Văn giữa kỳ 2 lớp 11 ở Nghệ An với phần thi Viết về phân biệt vùng miền đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi trái chiều.
Bình luận 0

Đề thi Văn giữa kỳ 2 lớp 11 ở Nghệ An có gì đặc biệt?

Theo kế hoạch năm học 2023-2024, tuần qua học sinh đã bước vào đợt kiểm tra đánh giá giữa kỳ 2. Sau khi thi xong, đề khảo sát giữa kỳ 2 môn Văn lớp 11 ở Nghệ An được chia sẻ và nhận nhiều ý kiến trái chiều. 

Cụ thể trong phần Viết, đề bài yêu cầu học sinh quan sát hình ảnh trong tranh và từ đó viết bài văn thuyết minh về hiện tượng phân biệt vùng miền của một bộ phận giới trẻ trên các trang mạng xã hội hiện nay. 

Đề thi Văn giữa kỳ 2 lớp 11 ở Nghệ An gây tranh cãi - Ảnh 1.

Đề thi Văn lớp 11 giữa kỳ 2 ở Nghệ An. Ảnh: CMH

Nhiều người đánh giá đề kiểm tra hay, mở, học sinh thỏa sức được thể hiện quan điểm của mình và đây cũng là một chủ đề "hot" được nhiều người nhắc đến trên các diễn đàn mạng xã hội. 

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đọc hình ảnh minh họa mà hoang mang không hiểu đề kiểm tra đang nói gì như từ namkiki, parky (phân biệt người Bắc, người Nam -PV)

Nhận xét về đề kiểm tra này, thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Văn ở TP.HCM cho biết: "Tôi nghĩ lệnh đề nhạy cảm và có nội hàm rộng. Học sinh khó có câu trả lời thấu đáo. Không có chuyện "thuyết minh về phân biệt vùng miền". Văn bản thuyết minh chủ yếu trình bày tri thức một cách khách quan, giúp con người hiểu biết đặc trưng, tính chất của sự vật, hiện tượng và biết cách sử dụng chúng vào mục đích có lợi cho con người.

Văn bản thuyết minh gắn liền với tư duy khoa học. Nó đòi hỏi chính xác, rạch ròi. Muốn làm được văn bản thuyết minh phải tiến hành điều tra, nghiên cứu học hỏi để có những thông tin, tư liệu, tri thức cần thiết. Học sinh chưa đủ tri thức về lịch sử di dân, phong tục tập quán, giọng nói... để thuyết minh. Đề kiểm tra này nên thay bằng "thuyết phục bạn từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền trên các nền tảng xã hội" thì hợp lý hơn. 

Ngoài ra, trong hình ảnh người viết sử dụng teencode sẽ khiến học sinh không biết phân biệt vùng miền chỗ nào hay là quy chụp".

Thầy giáo Thái Hạo cũng cho biết: "parky là gì? namkiki là gì? Vì đâu phải học sinh nào cũng biết mấy chữ đó ám chỉ điều gì. Người xây dựng đề muốn tạo ra sự mới mẻ trong cách ra đề nhưng thiếu đi cả bối cảnh, ngữ cảnh và các chú thích cần thiết để thí sinh hiểu được nội dung của đề, thì làm sao họ có thể làm bài? Tôi cho rằng đây là một đề thi không đạt yêu cầu".

Trao đổi với PV báo Dân Việt, giáo viên Văn một trường THPT ở Nghệ An xác nhận đây là đề kiểm tra giữa kỳ 2 của lớp 11 của trường. Theo giáo viên này, tổ ra đề bám sát nội chương trình theo định hướng mục tiêu chương trình, bám sát đời sống và sau khi thi xong học sinh rất hào hứng. 

Trước ý kiến cho rằng đề kiểm tra gây khó cho học sinh, thầy giáo cho rằng: "Chúng tôi không đòi hỏi quá sâu mà chỉ cần học sinh tiếp cận vấn đề phù hợp với lứa tuổi".

Thầy giáo này cũng cho biết, học sinh đã được biết đến các từ "parky, namkiki" trong bài văn lớp 11 chương trình chính khóa. Trước khi ra đề cũng đã đưa ra ma trận đề thi do vậy các em hoàn toàn có thể làm được đề thi này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem