Giảng viên trình độ tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại: Chuyên gia chỉ ra 4 lý do

Tào Nga Chủ nhật, ngày 24/03/2024 16:37 PM (GMT+7)
Hiện cả nước có khoảng 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ, trong đó, miền Bắc chiếm tỉ lệ cao gây nên tranh cãi chuyện bằng cấp, sự chênh lệch học hàm, học vị giữa các vùng miền.
Bình luận 0

"Miền Bắc có nhiều trường đại học và coi trọng bằng cấp hơn miền Nam"  

Mới đây, theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ GDĐT ban hành năm 2024, tiêu chí tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với trường đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với trường đại học có đào tạo tiến sĩ.

Cũng theo thống kê cho thấy hiện có khoảng 85.000 giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm. Trong số này chỉ có 26.800 giảng viên có trình độ tiến sĩ, chiếm 32%. Giảng viên trình độ tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng tiêu chí này là thách thức với các trường, nhất là các trường đại học khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long có tỉ lệ giảng viên tiến sĩ rất thấp.

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số lượng giảng viên là tiến sĩ giữa 2 miền Nam-Bắc, chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Lê Quý Đức, Nguyên phó viện trưởng viện Văn hóa - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho hay: "Lý do thứ nhất là truyền thống văn hóa, giáo dục, đào tạo ở miền Bắc phát triển từ sớm. Năm 1075, khoa thi đầu tiên ở nước ta đã được tổ chức và người đỗ thủ khoa là Lê Văn Thịnh, là vị tiến sĩ đầu tiên ở nước Việt Nam. Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng đã được dựng lên năm 1076. Còn miền Nam mãi sau này mới có nền giáo dục Nho giáo. Tiến sĩ đầu tiên của miền Nam là ông Phan Thanh Giản, thời nhà Nguyễn, năm 1825.

Giảng viên trình độ tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại: Chuyên gia chỉ ra 4 lý do- Ảnh 1.

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trao bằng tốt nghiệp cho thạc sĩ, tiến sĩ năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Lý do thứ hai, từ truyền thống văn hóa, giáo dục, đào tạo đó tạo nên truyền thống hiếu học, thi cử và đỗ đạt như một truyền thống tinh thần tốt đẹp ở miền Bắc.

Thứ ba, về phương diện mưu sinh, miền Bắc học, thi và đỗ đạt làm quan để cải thiện đời sống. Ở đây chỉ làm nông nghiệp thuần túy, đất đai hẹp nên chỉ có con đường duy nhất thoát nghèo là làm quan. Thời nay, tâm lý học, thi và đỗ đạt với mục tiêu vào công chức viên chức nhà nước sẽ thoát được cảnh chân lấm tay bùn.

Thứ tư, hiện nay sự phân bố các cơ quan nhà nước, cơ quan khoa học, các trường đại học giữa miền Bắc và miền Nam cũng không đồng đều. Các cơ quan trung ương, viện nghiên cứu của các bộ, ngành chủ yếu nằm ở miền Bắc. Các trường đại học cũng phát triển ở miền Bắc nhiều hơn. Vì vậy số cán bộ tiến sĩ được đào tạo ra, được sử dụng chủ yếu là ở miền Bắc".

Ý kiến về quan điểm miền Bắc coi trọng bằng cấp, miền Nam thực tế hơn dẫn đến sự chênh lệch học hàm, học vị giữa các vùng miền, TS. Phạm Hiệp, đồng trưởng nhóm nghiên cứu Đổi mới Giáo dục, Reduvation, Trường Đại học Thành Đô; đồng trưởng nhóm nghiên cứu khoa học giáo dục và chính sách, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc Gia Hà Nội, cũng cho rằng: "Đây là điều dễ hiểu vì miền Bắc coi trọng bằng cấp hơn và có nhiều trường đại học, các viện đào tạo tiến sĩ hơn miền Nam".

Tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ cũng cần tăng theo chất lượng

Trước vấn đề tăng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, TS. Phạm Hiệp nêu quan điểm: "Yêu cầu tăng số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ ở các trường đại học là tốt, đảm bảo yêu cầu chất lượng mặc dù đây được xem là một mục tiêu khá thách thức với các trường. Thực tế, dù chúng ta có đạt được mục tiêu này thì cũng chỉ cao hơn mức hiện tại nhưng lại thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan... Có trường có tới 70-80%, thậm chí gần 100% tiến sĩ là chuyện bình thường. 

Trình độ tiến sĩ là điều kiện tối thiểu để trở thành giảng viên, là chuẩn chung trên thế giới. Đây là đội ngũ đầu tàu, máy cái, chuyển giao tri thức. Chúng ta cần đảm bảo số lượng và chất lượng để đảm bảo hội nhập quốc tế, ranking, bảng xếp hạng, công bố quốc tế...

Tỉ lệ tiến sĩ thấp là cả thời gian dài chúng ta đào tạo nhưng chưa đáp ứng đủ. Trước đây chúng ta có đề án đến năm 2020, Chính phủ chi 14.000 tỷ đồng để đào tạo 10.000 tiến sĩ trong nước và 10.000 tiến sĩ ở nước ngoài nhưng số lượng đạt được không như kỳ vọng. Đây cũng là cơ hội để ngành giáo dục đại học giải thích cho xã hội biết chúng ta không nhiều tiến sĩ như xã hội vẫn nói "ra đường là gặp tiến sĩ". Chúng ta vừa thiếu cả về số lượng và yếu cả về chất lượng tiến sĩ. Thế nhưng mỗi lần có đề án thì dư luận lại chỉ trích mà không coi đây là khó khăn của ngành giáo dục".

Trước ý kiến cho rằng yêu cầu đảm bảo số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ sẽ gây khó cho các trường phía Nam, TS Phạm Hiệp cho rằng: "Thạc sĩ thì nên là thỉnh thảng. Giảng viên cơ hữu cần phải đủ trình độ tiến sĩ, phải học tối thiểu 10 năm sau tốt nghiệp THPT (4 năm đại học, 2 năm thạc sĩ, 4 năm tiến sĩ), thời gian đủ dài mới đủ trình độ giảng dạy cử nhân đại học. 

Tôi nghĩ người ra quy định này là người hiểu rất rõ về hệ thống đại học, hiểu về chuẩn mực chung của Việt Nam và quốc tế, đồng thời có sự cân đối, có kế hoạch hỗ trợ các trường thực hiện. Các trường phải chấp nhận "cuộc chơi". Nếu không theo được về số lượng tiến sĩ thì cơ sở đào tạo nên giảm quy mô tuyển sinh, có kế hoạch đào tạo, kêu gọi hỗ trợ, có chính sách thu hút tiến sĩ ở nước ngoài về làm việc, giảng viên là thạc sĩ cần học lên tiến sĩ, nếu không chuyển xuống làm chuyên viên hoặc nghỉ việc... 

Thị trường lao động cần phải sôi động nếu cứ thả nổi, không có cơ chế sẽ mãi ì ạch, không phát triển. Ở Australia trong mùa dịch Covid-19 ngay cả phó giáo sư cũng phải nghỉ việc. Thầy của tôi là giáo sư gần 60 tuổi vẫn "chiến đấu" tưng bừng, làm rất nhiều việc vì nếu không làm thì sẵn sàng bị cho nghỉ việc bất cứ lúc nào. Còn chúng ta thì có tâm lý làm giảng viên cho nhàn. Vào biên chế rồi mãi không đi học, không tạo đột phá về chất lượng. Đây là cơ hội để chúng ta sắp xếp lại hệ thống đại học tốt hơn, chúng ta nên ủng hộ".

Giảng viên trình độ tiến sĩ phía Bắc nhiều hơn các vùng khác cộng lại: Chuyên gia chỉ ra 4 lý do- Ảnh 2.

Các giảng viên của một trường đại học trao đổi về tuyển sinh. Ảnh: Tào Nga

PGS. Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng: "Giảng viên dạy đại học cần phải có trình độ tiến sĩ, số lượng càng nhiều càng tốt. Mặc dù đây là mục tiêu khó khăn với các trường phía Nam nhưng các trường phải phấn đấu tăng cường tự đào tạo, tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên đi học và thu hút nhân tài với chế độ ưu đãi nhiều hơn. Trong nhiều yếu tố nâng cao chất lượng như tiêu chuẩn đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý thì năng lực của đội ngũ giảng dạy là quan trọng nhất".

Dù vậy, PGS.TS. Lê Quý Đức cũng nhấn mạnh đến một vấn đề khác cần lưu tâm: "Bộ GDĐT chú trọng tăng số lượng tiến sĩ là quan điểm đúng, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, tăng số lượng cũng cần phải chú trọng tăng chất lượng chuyên môn. Thực tế có thời kỳ đào tạo ồ ạt tiến sĩ, thậm chí các trường vì mục tiêu kinh tế tuyển cả nghiên cứu sinh không đủ tiêu chuẩn, thầy hướng dẫn thì không sâu sát. Có tình trạng 1 thầy hướng dẫn tới 30 thạc sĩ, 3-4 tiến sĩ cùng lúc. Như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng.

Ngoài ra, giảng viên có bằng tiến sĩ cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng với công sức bỏ ra. Học lên tiến sĩ khá tốn kém và vất vả khi vừa phải lo kinh tế đi học vừa phải đảm bảo cuộc sống gia đình. Lương ít, chế độ không có sẽ làm giảm tinh thần đi học. Những lý do trên khiến cho việc đào tạo tiến sĩ hiện nay chưa ổn định. Nhà nước cần phải tính toán để phát triển đồng bộ giáo dục đại học".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem