Cung đường di sản gốm Bàu Trúc trên phố đi bộ Phan Rang – Tháp Chàm ở Ninh Thuận

Đức Cường Thứ bảy, ngày 09/03/2024 14:23 PM (GMT+7)
Cùng với hoạt động vui chơi, ẩm thực và giải trí đường phố, phố đi bộ ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) sẽ có thêm cung đường di sản gốm Bàu Trúc mang đậm không gian văn hóa lịch sử gốm Bàu Trúc và văn hóa cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận đến du khách gần xa...
Bình luận 0

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc ở Ninh Thuận

Sáng 9/3, tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, cơ quan chức năng vừa phê duyệt Đề án tổ chức thí điểm tuyến phố đi bộ trên địa bàn TP Phan Rang - Tháp Chàm. Việc xây dựng tuyến phố đi bộ hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế đến vui chơi trải nghiệm. Qua đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030.

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc trên phố đi bộ Phan Rang – Tháp Chàm ở Ninh Thuận- Ảnh 1.

Trình diễn làm gốm hoàn toàn bằng tay của người Chăm ở làng gốm Bàu Trúc tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Cụ thể, không gian toàn tuyến phố đi bộ sẽ được phân thành 7 khu vực với các chủ đề chủ đạo như: Bản sắc Ninh Thuận, giao thoa văn hóa, nhịp dẫn tương lai, đoàn kết phát triển, không gian tăng cường duy trì hoạt động ban ngày, thể thao quần chúng và chợ đêm du lịch.

Đặc biệt, phố đi bộ ở TP Phan Rang – Tháp Chàm sẽ có cung đường di sản gốm Bàu Trúc mang đậm không gian văn hóa lịch sử gốm Chăm Bàu Trúc. Cung đường này sẽ giới thiệu những vật dụng làm gốm, văn hóa cộng đồng làng gốm Bàu Trúc đến người dân và du khách.

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc sẽ được kéo dài ngay vị trí trung tâm phía Tây Bắc của Công viên 16 tháng 4, đối diện với không gian Chợ đêm du lịch tỉnh Ninh Thuận sầm uất.

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc trên phố đi bộ Phan Rang – Tháp Chàm ở Ninh Thuận- Ảnh 2.

Nghệ nhân làm gốm bằng thủ công ở làng Chăm Bàu Trúc ở Ninh Thuận. Ảnh: Thanh Sơn

Kết nối với không gian của "Cung đường di sản gốm Bàu Trúc" còn có các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP, nông sản đặc thù và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gốm, dệt trên ngay trên vỉa hè.

Song song đó là các chương trình nghệ thuật dân tộc, văn nghệ đường phố ca ngợi quê hương con người Ninh Thuận với các làn điệu dân tộc như: văn hóa Chăm, văn hóa Raglai, bài chòi, đờn ca tài tử, biểu diễn nhạc cụ đàn đá, đàn Chapi, trống Ghi năng, Paranưng, kèn Saranai,… tại lòng đường Trần Quang Diệu.

Clip: Biểu diễn nhạc cụ văn hóa Chăm trên đường phố ở Phan rang - Tháp Chàm. T/h: Đức Cường

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ở Ninh Thuận

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, tổng vốn đầu tư thực hiện đề án phố đi bộ ở TP Pha Rang – Tháp Chàm hơn 51 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách đầu tư hơn 26 tỷ đồng (giai đoạn 1 thí điểm từ năm 2024-2025 hơn 7,5 tỷ đồng; giai đoạn 2 từ năm 2026-2030 hơn 18,5 tỷ đồng). Còn lại là nguồn vốn xã hội hóa 25,4 tỷ đồng.

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc trên phố đi bộ Phan Rang – Tháp Chàm ở Ninh Thuận- Ảnh 3.

Chợ đêm du lịch ở Ninh Thuận mở cửa mỗi tối phục vụ người dân và du khách. Ảnh: Đức Cường

Tuyến phố đi bộ dự kiến được khai trương vào dịp 16/4/2024 - Ngày giải phóng Ninh Thuận). Các hoạt động trong tuyến phố đi bộ diễn ra từ 18 - 23 giờ vào các ngày thứ sáu, thứ bảy hằng tuần. Đồng thời, tăng cường phục vụ vào các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương và đất nước.

Theo ông Nguyễn Long Biên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, việc xây dựng tuyến phố đi bộ sẽ góp phần xây dựng một số sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng và có sức hấp dẫn cao nhằm phục vụ người dân và du khách về đêm. 

Đồng thời phố đi bộ sẽ thúc đẩy quảng bá và giới thiệu những nét đặc trưng văn hóa truyền thống của người dân Ninh Thuận, thế mạnh của TP. Phan Rang - Tháp Chàm đến du khách trong và ngoài nước, từng bước xây dựng Tp. Phan Rang - Tháp Chàm giàu đẹp, văn minh, phấn đấu trở thành thành phố du lịch…

Cung đường di sản gốm Bàu Trúc trên phố đi bộ Phan Rang – Tháp Chàm ở Ninh Thuận- Ảnh 4.

Hiện các Sở ngành và UBND TP. Phan Rang - Tháp Chàm đang tập trung xây dựng tuyến phố đi bộ dự kiến khai trương vào 16/4 tới. Ảnh: Trần Duy

Trong những năm trở lại đây, du lịch Ninh Thuận đã phát triển hết sức ngoạn mục, từng bước phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, các chỉ tiêu về lượt khách và doanh thu luôn tăng trưởng 10 năm gần đây mức 02 con số, giai đoạn 2016-2020 lượt khách tăng trưởng bình quân đạt 9,7%/năm, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng trưởng bình quân đạt 3,9%/năm, ngành du lịch đạt tỷ trọng 8% GRDP toàn tỉnh.

Riêng năm 2022, ước tính tổng lượt khách tham quan, lưu trú đạt 2.400.000 lượt (tăng 110,4% so với năm 2021 và vượt 26,3% so với kế hoạch); trong đó, khách là người nước ngoài công tác, làm việc tại tỉnh ước đạt 11.800 lượt; khách nội địa ước đạt 2.388.200 lượt; Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch khoảng 1.813 tỷ đồng (tăng 140,4% so cùng kỳ, vượt 29,5 % so với kế hoạch).

Năm 2023, tổng lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng đến tỉnh ước đạt 2.900.000 lượt khách (tăng 20,8% so cùng kỳ, đạt 107,4% so với kế hoạch); trong đó, khách quốc tế ước đạt 40.000 lượt khách (tăng 239% so cùng kỳ, đạt 200% so với kế hoạch), khách nội địa ước đạt 2.860.000 lượt; thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 2.300 tỷ đồng.

Tuyến phố đi bộ giai đoạn 1 sẽ tổ chức thí điểm chủ yếu xung quanh công viên 16 tháng 4 và khu vực chợ đêm du lịch Ninh Thuận.

Trong đó, tập tại các tuyến đường chính như: đường 16 Tháng 4, đường Hoàng Diệu, đường Trần Quang Diệu (bao gồm khu vực quỹ đất trống 2.000m2 giáp trụ sở Khối liên cơ quan Tp. Phan Rang - Tháp Chàm; khu vực quỹ đất trống 5.000m2 giáp Công viên 16 Tháng 4; khu vực chợ đêm du lịch).

Ngoài ra, còn có đường đi bộ quanh hồ trong Công viên 16 tháng 4 và các đoạn kết nối đường 16 Tháng 4, đường Trần Quang Diệu tới hồ. Cung đường thể thao giải trí và vui chơi dành cho trẻ em (phía Tây Công viên 16 Tháng 4, sát vỉa hè đường Ngô Gia Tự nối từ vỉa hè đường Trần Quang Diệu tới đường 16 Tháng 4).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem