Bốn loại rau rừng ở Cao Bằng ăn ngon miệng, bổ thần kinh, giàu chất khoáng, hễ có là bán hết sạch

Thứ tư, ngày 08/11/2023 05:30 AM (GMT+7)
Những cây rau rừng trên đã trở thành món ăn quen thuộc của người Cao Bằng. Mùa xuân, đầu hạ, là mùa rau sinh trưởng rất tốt, trong đó có rau ngót rừng, rau ngải cứu rừng...
Bình luận 0

Các loại rau rừng ngon miệng, bổ dưỡng thần kinh như rau ngót rừng, rau dạ hiến (tiếng Tày gọi là Lùng Tu), rau ngải, rau âu (phjắc âu)... được bán tại nhiều địa phương trong tỉnh Cao Bằng.

    1: Rau ngót rừng

    Bốn loại rau rừng ở Cao Bằng ăn ngon miệng, bổ thần kinh, giàu chất khoáng, hễ có là bán hết sạch - Ảnh 1.

    Cây rau ngót rừng (thân cây, thân leo), rau dạ hiến (thân leo) thường mọc ở trên núi đá và đâm chồi vào mùa xuân. Rau ngót rừng có 2 - 3 loại (lá to, nhỏ và bông dài có hoa nhỏ li ti) thường để nấu canh.

    Cách nấu, rau ngót rừng nhặt lá và rửa sạch (nếu rau ngót lá to vò qua lá). Nước nấu canh thêm chút thịt lợn băm, đun sôi thả rau ngót vào để sôi lại cho chín thêm vừa đủ gia vị là được. Khi nấu chín rau bắc ra vẫn có màu xanh, tỏa mùi thơm lá rau rất đặc trưng, ăn có vị ngọt, bùi và mát.

    2: Rau dạ hiến

    Bốn loại rau rừng ở Cao Bằng ăn ngon miệng, bổ thần kinh, giàu chất khoáng, hễ có là bán hết sạch - Ảnh 2.

    Rau dạ hiến có 2 loại màu xanh non và màu tím đỏ. Rau dạ hiến thường xào với thịt bò, phở tươi hoặc mì tôm.

    Cách nấu: Ngọn rau ngắt thành từng đoạn non, rửa sạch. Thịt bò thái mỏng, tẩm ướp gia vị (không cho gừng). 

    Xào riêng rau dạ hiến và thịt bò cho chín, sau đó xào trộn hai món lại với nhau.

    Nếu xào rau dạ hiến với phở tươi và mì tôm thì xào rau dạ hiến trước sau đó cho phở hoặc mì tôm vào sau. Gia vị vừa đủ. Khi rau xào chín tỏa mùi thơm sắc cây rừng. Ăn có vị bùi, thơm nồng.

    3&4:  Rau ngải cứu và rau âu

    Bốn loại rau rừng ở Cao Bằng ăn ngon miệng, bổ thần kinh, giàu chất khoáng, hễ có là bán hết sạch - Ảnh 3.

    Rau ngải mùa xuân mọc ở ven chân núi đá. Rau âu, thân mềm, lá nhỏ mọc bờ suối có 2 loại, màu xanh và màu tím.

    Cách nấu hai loại rau ngải, rau âu như nhau. Ngắt rau lấy  ngọn non và rửa sạch. Nước canh đun sôi cho thêm thịt băm, thả rau vào, gia vị vừa đủ, nếm chín bắc ra. 

    Rau nấu chín màu xanh ăn có vị ngọt, thoang thoảng vị đắng.

    Rau ngải còn giã nhỏ trộn với trứng và rán thành món trứng rau ngải; rau ngải nấu với gà tần, óc lợn hấp…

    Theo các thầy thuốc đông y, lương y miền núi, mỗi loại rau trên vừa là món ăn ngon, lạ miệng bổ dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. 

    Rau rừng cũng được xem như một vị thuốc. Cây rau dạ hiến có tác dụng tốt cho thận, lọc các chất cặn bã trong thận. 

    Rau âu tốt cho dây thần kinh, bổ máu, thải độc, là món rau tốt cho phụ nữ ăn sau khi sinh. Rau ngải cứu chữa các bệnh đau đầu, xương khớp…

    Các rau rừng trên có tính hàn, mát có thể dùng cho những người ăn kiêng mà vẫn bổ sung đủ khoáng chất cần thiết.


    PV (Báo Cao Bằng)
    Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày Xem