Bộ GDĐT chốt 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Giáo viên, chuyên gia "đồng lòng" ủng hộ

Tào Nga - Gia Khiêm Thứ tư, ngày 29/11/2023 16:56 PM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, nhiều giáo viên, chuyên gia đều đồng tình với phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 mà Bộ GDĐT đã công bố.
Bình luận 0

Phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025: "Phương án 2+2 sẽ đảm bảo công bằng giữa 2 hình thức học phổ thông và giáo dục thường xuyên"

Chiều 29/11, Bộ GDĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chính thức sau bao ngày học sinh và giáo viên mong ngóng. Theo đó, phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 chính thức là 2+2. Nghĩa là từ năm 2025, thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn. Như vậy, phương án thi này được lựa chọn cũng là phương án được nhiều người đồng thuận trước đó.

Liên quan thông tin này, trao đổi với PV Dân Việt, thầy Nguyễn Trung Hoạch, giáo viên Hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm nêu quan điểm, năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành. Do đó phương án thi thế nào để đáp ứng được việc đánh giá theo năng lực học sinh là điều mà học sinh, giáo viên và cả phụ huynh quan tâm.

Công bố chính thức 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025: "Phương án chọn Toán, Ngữ văn và 2 môn là phù hợp" - Ảnh 1.

Thí sinh kiểm tra giấy tờ thủ tục trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT thời điểm tháng 6 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

"Bộ GDĐT đã công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo phương án 2+2 là phù hợp với bối cảnh hiện nay thay vì 4+2 hay 3+2. Phương án 2+2 sẽ đảm bảo công bằng giữa 2 hình thức học phổ thông và giáo dục thường xuyên (GDTX) bởi vì học sinh GDTX học ít môn hơn. Phương án này sẽ giúp học sinh giảm áp lực thi cử, đáp ứng đúng nhu cầu thực sự học sinh, đồng thời xóa bỏ định kiến về môn chính, môn phụ.

Học sinh tập trung hơn cho các môn theo sở trường, theo đúng tổ hợp môn học đã chọn ở THPT và đúng mục tiêu định hướng nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, tôi xin đề xuất phương án thi (2 + 2+ ) có lẽ là phương án phù hợp hơn, 2+ ở đây có nghĩa là học sinh có thể chọn nhiều hơn 2 môn tự chọn, từ đó gia tăng cơ hội xét tuyển vào các khối ngành khác nhau", thầy Hoạch nêu quan điểm.

Thầy Hoạch đưa ra ví dụ học sinh vừa thích làm bác sĩ (khối B00: Toán-Hóa-Sinh) nhưng cũng thích học kỹ thuật (Khối A01: Toán-Lý-Anh). Như vậy nếu phương án 2+2 lại chưa đáp ứng được. Phương án này cũng cho thấy, môn tiếng Anh đã trở thành môn tự chọn.

Công bố chính thức 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025: "Phương án chọn Toán, Ngữ văn và 2 môn là phù hợp" - Ảnh 2.

Bắt đầu từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn. Ảnh: Gia Khiêm

"Như vậy cũng phù hợp với nhu cầu học sinh và cả yêu cầu các ngành nghề hiện nay. Bởi vì một số ngành nghề, công việc ngày nay thậm chí không cần dùng đến tiếng Anh mà lại cần các thứ tiếng khác như Pháp, Đức, Nhật, Hàn… Vì vậy việc thi bắt buộc tiếng Anh có cần thiết và giúp ích cho học sinh trong nghề nghiệp sau này, trong khi ở các cấp, học sinh đã có rất nhiều bài kiểm tra/ đánh giá các kiến thức, kỹ năng đó. Đồng thời nhiều học sinh có mục tiêu chỉ cần đỗ tốt nghiệp và định hướng học nghề (thực tế năm 2023 chỉ có 66% số học sinh đăng ký thi tốt nghiệp THPT có nguyện vọng đại học) thì phương án này sẽ giúp giảm áp lực học sinh", thầy Hoạch nói.

Cũng theo giáo viên này, với học sinh có nhu cầu như đi du học hay học ngành nghề các bạn chọn có yêu cầu, làm việc ở các công ty nước ngoài thì học sinh hoàn toàn có thể tự trau dồi thêm, đăng ký môn thi hay thi các chứng chỉ ngoại ngữ ở các đơn vị đánh giá để đáp ứng được điều đó. Hơn nữa, phương án này sẽ giúp giảm áp lực cho những học sinh những vùng khó khăn không có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ như các học sinh ở vùng có điều kiện thuận lợi hơn. Cùng với việc thi trắc nghiệm môn tiếng Anh cũng chưa thực sự đánh giá được 1 cách đầy đủ về "năng lực ngôn ngữ" của học sinh.

Công bố chính thức 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025: "Phương án chọn Toán, Ngữ văn và 2 môn là phù hợp" - Ảnh 3.

Thí sinh làm thủ tục thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023 tại điểm thi Trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

"Cần phải đánh giá được cả 4 kỹ năng "Nghe-Nói-Đọc-Viết" mới là cách đánh giá đẩy đủ nhất", thầy Hoạch nói và cũng đưa ra kỳ vọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới: "Thực trạng hiện nay nhiều trường tự chủ các hình thức tuyển sinh riêng và cũng nhiều trường lấy dành 1 số lượng chỉ tiêu không nhỏ để xét tuyển theo phương thức lấy điểm thi đánh giá riêng… cho thấy niềm tin vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT đang bị giảm sút.

Vì vậy, tôi mong muốn 1 kỳ thi được tổ chức công bằng và minh bạch ở tất các các khâu, đề thi và câu hỏi cần đánh giá được các năng lực của học sinh, có mức độ phân hóa học sinh rõ rệt để đây là một nguồn thông tin chất lượng cho các trường đại học sử dụng để xét tuyển đại học và cũng để giảm tải số kỳ thi cho học sinh, lãng phí cho xã hội".

Thầy giáo Nguyễn Duy Khánh, giáo viên Sinh học tại Hà Nội ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là 4 môn bởi lý do thí sinh sẽ thi 3 buổi, giảm 1 buổi so với hiện nay. Việc này cũng giúp sĩ tử giảm áp lực thi cử, giảm chi phí cho gia đình thí sinh và cả xã hội, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp. Phương án này cũng phù hợp với quy định về môn học bắt buộc và môn học lựa chọn.

"Chương trình giáo dục phổ thông 2018 học rất nhẹ nhàng, học sinh chỉ cần đảm bảo những yêu cầu kiến thức cần đạt, chủ yếu phát triển kỹ năng, hình thành phẩm chất. Do đó, đề thi cũng nên điều chỉnh, bám sát nền tảng kiến thức cần đạt, không nên ra đề khó khiến học sinh phải đi học thêm. ‏Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là cả một hệ thống đi từ lớp 10 đến lớp 12. Vì vậy, xét tốt nghiệp phải gắn với quá trình 3 năm trung học phổ thông của học sinh, không thể quyết định xét tốt nghiệp bằng điểm số của 4 môn, 5 môn hay 6 môn", thầy Khánh nói.

Thầy Phạm Quốc Toản, Tổ trưởng tổ Tự nhiên, Phó ban chuyên môn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội đồng quan điểm: "Phương án 2 + 2 theo quyết định của Bộ GDĐT là tối ưu nhất trong tình hình hiện tại, sẽ đảm bảo cân bằng giữa các nhóm với các môn lựa chọn và thi tốt nghiệp THPT phục vụ chính xét tốt nghiệp".

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự cũng đồng tình với phương án 2+2: "Điều tôi vui nhất là loại được môn tiếng Anh ra khỏi môn thi bắt buộc".

Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025 là 4 môn: Chuyên gia ủng hộ

Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho hay, việc Bộ vừa công bố phương án bắt đầu từ năm 2025, học sinh sẽ thi 4 môn bao gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn là phù hợp.

Ông Nhĩ đưa ra lý do bởi bất cứ học sinh nào trước hết cũng phải biết viết văn, không được phép sai câu cú, ngữ pháp. Toán là môn thể hiện trình độ cơ bản để có thể học thêm các môn khác.

Công bố chính thức 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025: "Phương án chọn Toán, Ngữ văn và 2 môn là phù hợp" - Ảnh 4.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

"Hai môn này bắt buộc là đúng. Còn với hai môn tự chọn tôi cho là phù hợp. Trong nhiều môn học, học sinh thích đăng ký môn nào theo năng lực của mình thì tự chọn. Tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025 như vậy tôi thấy vừa phải. Tuy nhiên với điều kiện học sinh cũng phải tập trung học tất cả các môn thay chọn môn nào chỉ tập trung vào môn đó", ông Nhĩ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhĩ, Bộ GDĐT cần chỉ đạo quyết liệt các cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm giáo dục học sinh, giáo viên… trên tinh thần tất cả các môn đều có kiến thức, quá trình học đều phải đạt hết, tránh việc đừng chỉ tập trung vào 4 môn.

"Tôi chỉ mong Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục sát sao việc giảng dạy sao để các em đồng đều các môn và đạt kết quả tốt nhất", ông Nhĩ mong muốn.

Cũng đồng tình với quan điểm của Bộ GDĐT, trao đổi với PV Dân Việt, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng) cho rằng, phương án tốt nghiệp THPT từ 2025 là 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn thi do học sinh lựa chọn từ các môn học khác là hợp lý. Việc này, theo bà Thúy sẽ giảm áp lực cho học sinh và đỡ tốn kém cho xã hội.

"Việc này vừa phù hợp với 2 yêu cầu của Nghị quyết 29 của Trung ương, Nghị quyết 88 của Quốc hội là "tổ chức kỳ thi gọn, nhẹ, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học", vừa bảo đảm quyền chủ động lựa chọn của học sinh. Mặt khác, phương án 2 + 2 cũng góp phần bảo đảm sự tương đương giữa kỳ thi tốt nghiệp của hệ chính quy và hệ vừa học vừa làm", bà Thúy nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem