Bệnh thành tích từ việc đánh giá các trường theo kết quả thi vào lớp 10

Thứ hai, ngày 20/05/2024 06:27 AM (GMT+7)
Việc một số trường tìm cách để học sinh có học lực chưa tốt không đăng ký vào lớp 10 công lập xuất phát từ việc các Sở, phòng GD-ĐT vẫn dùng kết quả thi vào lớp 10 để làm chuẩn đầu ra xếp hạng chất lượng các trường THCS.
Bình luận 0

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại các địa phương đang đến gần, học sinh đã hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi. Song những ngày qua tại một số trường THCS tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn xảy ra hiện tượng học sinh được giáo viên “vận động” không đăng ký thi vào lớp 10 THPT công lập. Những sự việc này không chỉ khiến phụ huynh, dư luận xã hội bức xúc mà còn đang làm mất đi cơ hội của nhiều học sinh.

Bàn về vấn đề này, thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An) cho rằng, việc một số trường tìm cách để học sinh có học lực chưa tốt không đăng ký vào lớp 10 công lập xuất phát từ việc các Sở, phòng GD-ĐT vẫn dùng kết quả thi vào lớp 10 để làm chuẩn đầu ra xếp hạng chất lượng các trường THCS.

Bệnh thành tích từ việc đánh giá các trường theo kết quả thi vào lớp 10- Ảnh 1.

Một số nơi có hiện tượng giáo viên vận động học sinh không thi vào lớp 10 công lập (Ảnh minh họa)

Cách xếp hạng này bộc lộ nhiều bất cập, bởi một trường THCS dù chất lượng không thực sự cao, nhưng nếu loại được nhiều học sinh yếu kém không đăng ký dự thi vào lớp 10, thì thứ hạng vẫn có thể cao hơn những trường chất lượng tốt hơn. Do đó, việc xếp hạng này không thực chất.

Theo thầy Hồ Tuấn Anh, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu rõ quyền lợi của con em mình. Thậm chí cần lập đường dây nóng để người dân phản ánh kịp thời đến các cơ quan chức năng nếu phát hiện các cá nhân, đơn vị sai phạm và có biện pháp xử lý nghiêm.

Đặc biệt, việc phân luồng học sinh sau THCS cần đi vào thực chất, đảm bảo quyền lợi tối đa cho học sinh. Trong đó, việc hướng nghiệp cần thường xuyên, thực chất để phụ huynh nhận thức đúng việc phân luồng, hướng nghiệp, xác định đúng năng lực của bản thân, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn khi thi tốt nghiệp THCS. Thêm vào đó, ngành GD-ĐT các địa phương cần bỏ việc lấy kết quả thi vào lớp 10 làm chuẩn đầu ra để đánh giá các trường. Tuyệt đối không công bố vị thứ xếp hạng thi vào lớp 10 của các trường dưới bất kỳ hình thức nào.

Còn theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc ép không cho học sinh có học lực yếu, kém thi vào 10 là vi phạm quyền học tập của trẻ em. Đây cũng là biểu hiện rõ của căn bệnh thành tích, các trường muốn nâng cao vị trí xếp hạng khi các Phòng, Sở GD-ĐT đánh giá.

Để khắc phục tình trạng này, các trường cần thay đổi cách kiểm tra, đánh giá học sinh theo từng học kỳ, từng năm học. Việc kiểm tra, đánh giá, rèn luyện học sinh cần thực chất, nghiêm túc, giao trách nhiệm cho giáo viên không thả nổi cho học sinh nào cũng được lên lớp dù học lực yếu. Nếu các trường, phòng, sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra đánh giá theo từng năm học thì các trường sẽ có thể lấy điểm tổng kết 4 năm học bậc THCS để làm căn cứ cho các trường THPT xét tuyển học sinh vào lớp 10, thay vì một kỳ thi vào lớp 10 công lập với áp lực cạnh tranh lớn như hiện nay. Bên cạnh đó, các trường cần đánh giá năng lực phẩm chất học sinh. Ngành giáo dục cần phải đưa ra cách đánh giá rèn luyện đạo đức học sinh song song, cân bằng với kết quả học tập.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, thi vào lớp 10 công lập là quyền lợi hợp pháp của học sinh, không ai có quyền ngăn cản việc đăng ký dự thi của các em. Về việc định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm học 2024 - 2025, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện, thị xã rà soát và xử lý nghiêm nếu có tình trạng nêu trên. Đồng thời, Sở yêu cầu quán triệt, chỉ đạo tới tất cả các trường THCS tuyệt đối không vận động, tuyên truyền học sinh không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập năm nay và các năm tiếp theo.

Tương tự, đại diện Sở GD-ĐT Bắc Ninh cũng cho biết, Sở đã chỉ đạo bằng văn bản đến Hiệu trưởng các trường Tiểu học, THCS trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng, định hướng cho học sinh rõ để có sự lựa chọn phù hợp, không mang tính ép buộc, vận động học sinh trong công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp.

Còn tại TP.HCM, lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng khẳng định, quan điểm của Sở là tạo mọi điều kiện cho mọi học sinh tham gia dự thi tuyển sinh vào lớp 10 để đảm bảo quyền lợi cho học sinh, bao gồm cả đối tượng tuyển thẳng nếu muốn tham gia dự thi. Sở không cho phép các trường THCS, giáo viên chủ nhiệm vận động, ép buộc phụ huynh học sinh không dự thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập.

Công tác phân luồng được thực hiện dựa trên nguyện vọng thực tế của phụ huynh học sinh. Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 9 chỉ đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ, còn quyền quyết định việc dự thi tuyển sinh hay chọn các hướng học khác, cũng như chọn nguyện vọng nào là quyền của phụ huynh học sinh.

Theo quy định, trường hợp phụ huynh học sinh tự nguyện không tham gia thi tuyển sinh vào lớp 10 thì phụ huynh sẽ làm đơn xin không tham gia gửi cho trường và nêu rõ là nếu không tham gia thì học sinh sẽ tiếp tục học tập ở đâu.

Theo Nguyễn Trang (vov.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem