Bà Trương Thị Mai: Không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong thực hiện Nghị quyết

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 04/12/2023 18:07 PM (GMT+7)
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, hình thức, đối phó; làm sao cho Nghị quyết phải đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.
Bình luận 0

Chiều 4/12, Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nghe truyền đạt Nghị quyết 45 của Hội nghị Trung ương 8 về "Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới".

Bà Trương Thị Mai: Không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong thực hiện Nghị quyết - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa quán triệt nội dung Nghị quyết 45 về xây dựng, phát huy đội ngũ trí thức. Ảnh: Đ.X

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đội ngũ trí thức Việt Nam có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế. 

Nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ, văn hóa, tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao, góp phần quan trọng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một bộ phận trí thức có năng lực, trình độ, tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập; thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là trí thức tinh hoa; thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; chưa tạo được môi trường thuận lợi động viên trí thức chủ động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ.

Về quan điểm phát triển đội ngũ trí thức theo Nghị quyết 45, theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thành tố thứ nhất, đội ngũ trí thức phải là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo. 

Thành tố thứ hai, trí thức phải giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng gắn bó với Đảng, Nhà nước và Dân tộc. 

Thành tố thứ ba, đội ngũ trí thức phải có trách nhiệm tiên phong tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

Thành tố thứ tư, đội ngũ trí thức là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển đội ngũ trí thức về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực then chốt, trọng yếu, lĩnh vực mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo khả thi, đồng bộ, tạo cơ hội, điều kiện, động lực cho đội ngũ trí thức phát triển toàn diện, nâng cao năng lực, trình độ và cống hiến cho đất nước. Phát triển cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục đạt trình độ tiên tiến thuộc nhóm hàng đầu châu Á; trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM được xếp hạng trong nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới.

Bà Trương Thị Mai: Không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong thực hiện Nghị quyết - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nêu 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tập trung đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, trọng dụng nhân tài.

"Đây là điểm yếu trong Nghị quyết 27 mà 15 năm chúng ta chưa tạo ra đột phá thì lần này phải tạo đột phá. Vậy làm gì để đạt được kết quả? Trung ương xác định, phải tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về chất lượng, đào tạo nhân lực trình độ công nghệ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học. Xác định hướng nghiên cứu trọng điểm, ưu tiên gắn với yêu cầu đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng nêu rõ các giải pháp về hoàn thiện thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới; Có cơ chế phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, đề cao đạo đức trách nhiệm của trí thức trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ và đào tạo; Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển; chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ; Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học giỏi, chuyên gia đầu ngành, nhân tài, nhằm khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc; đoàn kết góp phần tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai chi nhận và đánh giá cao sự tham gia tích cực, hiệu quả của gần 1,5 triệu cán bộ, đảng viên.

Bà Trương Thị Mai: Không để xảy ra tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong thực hiện Nghị quyết - Ảnh 4.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: Đ.X

Bà Trương Thị Mai đề nghị, ngay sau hội nghị này, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa, triển khai nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thực hiện nghị quyết. Trong quá trình thực hiện cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc nhằm đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột", đối phó; làm sao cho Nghị quyết phải đi vào cuộc sống một cách thực chất nhất.

Thường trực Ban Bí thư cũng nêu lên một số nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm và yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả.

"Nhiệm vụ của năm 2024 được triển khai trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; một số phát sinh có thể nằm ngoài dự kiến của chúng ta; một số địa phương phải tăng tốc, có giải pháp đột phá mới có thể đạt được mục tiêu chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ; đòi hỏi phải chủ động nắm sát tình hình kịp thời có giải pháp phù hợp; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống", bà Mai lưu ý.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem