40 năm báo NTNN: Cái duyên "chích" đề tài mảng giáo dục

Đào Đức Tuấn Thứ ba, ngày 16/04/2024 09:54 AM (GMT+7)
Trong niềm vui đón sự kiện kỷ niệm 40 năm Báo Nông thôn Ngày nay phát hành số đầu tiên (7/5/1984 - 7/5/2024), phần tôi đã gắn bó nhỉnh hơn 10 năm, với biết bao mới lạ, nhiệt huyết, âu lo…
Bình luận 0

Sau 20 năm làm phóng viên, biên tập viên tại Đài PTTH Phú Yên, tôi xin chuyển công tác về Báo Nông thôn Ngày nay. Đầu năm 2013, tôi vô cùng hạnh phúc khi cầm tờ quyết định của Tổng Biên tập Lưu Quang Định chính thức tiếp nhận làm phóng viên bản báo. Nói thì ngắn vài dòng như vậy, nhưng về tình cảm cũng biết bao thấp thỏm, gian lao.

Nhớ ông bạn già có ví von gởi gắm "làm phóng viên báo tỉnh thì mày như bác sĩ chuyên khoa, nghĩa là được phân viết theo từng mảng. Còn phóng viên thường trú thì phải như bác sĩ đa khoa, nghĩa là phải "chích, mổ" tất tần tật!".

40 năm báo NTNN: Cái duyên "chích" đề tài mảng giáo dục- Ảnh 1.

Tác giả trên đường tác nghiệp tại huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên. Ảnh: Doãn Công

Cơ duyên ban đầu, qua nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, tôi được gặp anh Trần Lê Tuấn (lúc ấy là Trợ lý Tổng Biên tập-NV) khi anh về thăm quê Bình Định. Anh Tuấn bảo "cứ viết thử cái đã". Vậy là tôi lao vào "cày cuốc", từ lúa lang lợn lạc đến các vùng chuyên nuôi thủy sản, đánh bắt xa bờ và đủ thứ chuyện khác.

Vấn đề là phải viết làm sao để tin bài được đăng, được đánh giá "đạt" để được "ăn cơm" Hà Nội. Khi ấy, tin bài tôi được đăng khá dày nhưng bạn bè vẫn hay nhắc lại mấy loạt "chích" đề tài giáo dục: "Dạy cua lúc… gà gáy", "Vô vọng đường đến bục giảng"…

Loạt bài "Dạy cua lúc… gà gáy", tôi "bắt mùi" khi nghe anh bạn ở Tây Hòa (Phú Yên) nói "nhiều trò ở đây phải dậy từ 3 giờ sáng để đi học thêm, rồi đến trường học luôn!". Hồi đó, phải nói là đã có một cơn "rúng động" khi Báo Nông thôn Ngày nay, rồi Báo điện tử Dân Việt (lúc ấy vừa thành lập được vài năm) là tờ báo đầu tiên đăng tải thông tin này.

40 năm báo NTNN: Cái duyên "chích" đề tài mảng giáo dục- Ảnh 2.

Tác giả (phải) phỏng vấn nông dân trồng tỏi tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Tấn Trực

Khi ấy, Tổng Thư ký tòa soạn Nguyễn Văn Hoài (nay là Phó Tổng Biên tập Báo) trực tiếp chỉ đạo "gặp ai, phỏng vấn cửa nào, triển khai tiếp theo hướng ra sao". Ngành giáo dục và các địa phương ở tỉnh thực sự "xáo động", ra nhiều chỉ đạo kiểm tra khắt khe các vi phạm về dạy thêm, học thêm.

Nhiều người bỗng ngại ngần khi biết tôi viết cho Nông thôn Ngày nay. Có người bạn giáo viên bị "tuýt còi" dạy thêm, đã trách móc tôi "cũng tại ông viết". Có ông nguyên lãnh đạo địa phương nói "mày dẫn lời, giờ tao không biết ăn nói sao với mấy thầy cô hàng xóm"… Đúng là "sự thật, mất lòng" với nghề nghiệp đã chọn.

40 năm báo NTNN: Cái duyên "chích" đề tài mảng giáo dục- Ảnh 3.

Tác giả (phải) với già lang buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên. Ảnh: Mạnh Tâm

Còn loạt "Vô vọng đường đến bục giảng" là phóng sự 3 kỳ đăng trên Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, suýt chút nữa làm tôi bị "ách" việc chuyển công tác. Loạt phóng sự này đề cập đến những thăng trầm, trắc trở của giáo sinh ra trường tìm đến với nghề dạy học.

Lúc đó, hồ sơ chuyển công tác của tôi chỉ còn thủ tục "giấy thôi trả lương" ở đài tỉnh để về Báo Nông thôn Ngày nay. Thế nhưng ông giám đốc nói "có người ở Hội Nhà báo tỉnh bảo cậu phải giải trình, chứng minh cụ thể việc giáo viên bị nhũng nhiễu khi xin đi dạy. Xong, tôi mới ký giấy thôi trả lương".

Thấy quá vô lý, tôi bấm điện thoại Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho ra nhẽ. Hóa ra, ông Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh lúc đó đang đi công tác, không hề biết gì về vụ này!

Rồi mọi việc cũng được hóa giải. Rồi tôi được đứng vào hàng ngũ Nông thôn Ngày nay/Dân Việt. Những việc tưởng như mới hôm qua thôi, mà đã trôi qua cả một thập kỷ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem