40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt

Khương Lực - Nguyễn Chương Thứ tư, ngày 03/04/2024 08:54 AM (GMT+7)
Được mệnh danh là "địa ngục trần gian" bởi sự ô nhiễm trên cả 3 "chỉ số": Không khí, nguồn nước và chất thải, người dân ở làng giấy Phong Khê (Bắc Ninh) dần được hít thở bầu không khí sạch hơn, được đi trên những con đường bớt lấm lem bùn đất, chất thải. Sự đổi thay đó bắt đầu từ hơn 30 bài báo trên Dân Việt...
Bình luận 0

Quãng đầu năm 2021, khi mới tổ chức triển khai đề tài viết về sự ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) và cụm công nghiệp sản xuất, tái chế giấy Phú Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du) của tỉnh Bắc Ninh, nhiều đồng nghiệp, trong đó có những đồng nghiệp lâu năm ở Bắc Ninh bảo với chúng tôi: Các ông hết đề tài để viết rồi sao? Viết về ô nhiễm ở Phong Khê, Phú Lâm có cả hàng trăm, hàng nghìn bài báo nhưng có thay đổi gì đâu. Mỗi bài báo đăng lên chỉ như cơn gió thoảng qua, như cơn sóng trườn lên rồi lại rơi vào lặng thinh. 

Thế nhưng, lần tác nghiệp này của chúng tôi lại khác, khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đồng hành trực tiếp của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 1.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 2.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 3.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 4.

Hơn 30 bài báo về sự ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê và CCN Phú Lâm được Báo điện tử Dân Việt đăng tải.

Lội bùn đen, "đeo bám" tác nghiệp hiện trường không kể ngày đêm

Trong nhiều năm, tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng giấy Phong Khê hay CCN Phú Lâm đã gây bức xúc, ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Đặc biệt, tình trạng xả nước đen ngòm, bốc mùi rất khó chịu từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân của tỉnh Bắc Giang, Hải Dương.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 5.

Do bị yêu cầu tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải trái phép không qua xử lý ra sông Ngũ Huyện Khê nên dòng nước thải từ các doanh nghiệp giấy lẫn bùn đen, nồng nặc mùi hôi thối chảy tràn từ hệ thống cống thoát, gây ngập tuyến đường giao thông từ UBND phường Phong Khê vào khu Trường Tiểu học, Trường THCS Phong Khê và khu dân cư. Ảnh: Nguyễn Chương

Liên quan tới việc xả nước từ sông Ngũ Huyện Khê gây ô nhiễm sông Cầu, UBND tỉnh Bắc Giang đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh quan tâm giải quyết tình trạng này; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tỉnh Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông Cầu do hoạt động xả thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra khu vực xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang).

Sau phản ánh dày đặc của báo chí, dẫn đầu là Báo điện tử Dân Việt, tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm sông Cầu vẫn tái diễn với mức độ nhiều hơn, gây bức xúc, lo lắng trong dư luận. Để có được những thông tin sát thực về những "tác nhân" gây ra dòng sông chết Ngũ Huyện Khê, phóng viên Dân Việt đã dành nhiều ngày đi thực tế tại CCN Phú Lâm, qua đó phát hiện ra vụ việc doanh nghiệp sản xuất giấy xả thải ra môi trường, gây chết cá của người dân, ảnh hưởng tới nhiều hộ trồng lúa trên địa bàn.

Ở thời điểm đó, khi trực tiếp đi kiểm tra hiện trạng sông Ngũ Huyện Khê và các cơ sở sản xuất giấy ở Phong Khê, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh đã yêu cầu tháo dỡ tất cả hệ thống xả thải ra sông Ngũ Huyện Khê, đường ống lấy nước mặt trái phép từ công trình thủy lợi. Đồng thời, yêu cầu công an tỉnh Bắc Ninh niêm phong doanh nghiệp vi phạm xả thải gây ô nhiễm kinh hoàng ra sông Ngũ Huyện Khê sau khi có quyết định đình chỉ hoạt động; huy động máy móc khủng cưỡng chế những công trình, nhà xưởng lấn chiếm hành lang giao thông, đê điều, rồi kiểm tra việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy...

Ông Tuấn nhận định: "Trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh rất nhiều về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các làng nghề sản xuất giấy ở Bắc Ninh, đồng thời các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương cũng liên tục có công văn đề nghị tỉnh Bắc Ninh xử lý môi trường từ đầu hệ thống sông Cầu, nên lần này chúng ta phải làm dứt khoát, không thể chấp nhận vì một vài trăm cơ sở sản xuất giấy mà đánh đổi môi trường, gây hệ lụy lâu dài".

Thế nhưng, trước sự xử lý mạnh, cứng rắn ấy, một số doanh nghiệp lại có biểu hiện nhờ luật, thậm chí thách thức pháp luật. Do bị cấm xả nước thải ra môi trường, nhưng một số doanh nghiệp vẫn lén lút hoạt động, gây ra tình trạng ngập đường giao thông, thậm chí nước thải còn tràn vào đình làng, trường học, ao cá và kênh mương tưới tiêu, gây ra bức xúc cho người dân và dư luận.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 6.

Từ 300 ống khói đến nay ở phường Phong Khê chỉ còn 50 ống khói. Tỷ lệ khói bụi gần như không còn, toàn bộ nước thải, chất thải cũng được thu gom, xử lý theo quy định. Ảnh: Khương Lực

Trong quá trình tác nghiệp tại làng giấy Phong Khê, CCN Phú Lâm, phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, đi ủng lội bùn đen qua những tuyến đường ngập ngụa nước thải để ghi nhận hình ảnh chân thực, những lo lắng, kiến nghị của người dân về thực trạng ô nhiễm làng nghề giấy. Trong lần tiếp cận, làm rõ việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và đình chỉ hoạt động, có chủ doanh nghiệp còn dọa đập máy ảnh của phóng viên.

Do trực tiếp có mặt, tác nghiệp bất kể ngày đêm hay ngày nghỉ nên những thông tin mà phóng viên Báo NTNN/Dân Việt cập nhật từ hiện trường, thực địa đã tạo ra những hiệu ứng lan tỏa tốt trong dư luận, qua đó các cấp chính quyền ở Bắc Ninh đã nhanh chóng vào cuộc, trực tiếp đi kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Từ tháng 4 đến tháng 10/2021, tại Phong Khê, ngành chức năng đã kiểm tra 326 cơ sở, trong đó xử lý vi phạm hành chính đối với 55 cơ sở, tổng số tiền xử phạt gần 13,5 tỷ đồng. Đồng thời, đưa ra hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 4,5 đến 9 tháng.

Đầu tư trên 1.600 tỷ đồng khắc phục ô nhiễm môi trường

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, tỉnh Bắc Ninh đang chỉ đạo xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm môi trường ở Phong Khê và CCN Phú Lâm theo hướng nghiêm khắc, dứt khoát, đảm bảo theo lộ trình.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 7.

Ông Đào Quang Khải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực tế tại làng giấy Phong Khê. Ảnh: N.Chương

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 8.

Để vận hành dây chuyền sản xuất giấy, ông Phạm Văn Đức (áo trắng), Giám đốc Công ty TNHH giấy Tân Hoàng Nga (CCN Phong Khê 1, thành phố Bắc Ninh) đã đầu tư mô hình xử lý nước thải CNC 800M.Ảnh: Khương Lực

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 9.

Về nước thải, tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy đều tuân thủ các quy định về xử lý nước thải.Ảnh: Khương Lực

Sau 5 tháng triển khai thực hiện thông báo kết luận số 43/TB-UBND ngày 28/4/2021 của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh - ông Vương Quốc Tuấn, môi trường ở Phong Khê đã có nhiều thay đổi, cải thiện. Ở thời điểm đó, khi trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Hà - Bí thư Đảng ủy phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh khẳng định: "Sau 15 năm, Phong Khê chưa từng có môi trường tốt đẹp như bây giờ".

Theo ông Hà, trên địa bàn phường Phong Khê hiện có 326 cơ sở sản xuất các lĩnh vực về ngành giấy. "Việc các hộ dân, doanh nghiệp đầu tư trên 1.600 tỷ đồng đầu tư khắc phục môi trường là một con số rất lớn"- ông nói và cho biết ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt.

Sau rất nhiều năm sống chung cùng ô nhiễm, khói bụi, đến nay người dân làng giấy Phong Khê giờ đã được hít thở không khí sạch. Sự thay đổi rõ rệt nhất mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhìn thấy được là trước kia có 300 ống khói thì nay chỉ có 50 ống khói. Do lò hơi áp dụng công nghệ mới nên tỷ lệ khói bụi gần như không có.

Về nước thải, tất cả các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất giấy đều tuân thủ các quy định về xử lý nước thải. Nước thải từ các dây chuyền sản xuất đều được tiến hành xử lý, lọc bỏ tạp chất sơ bộ trước khi bơm về Nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê bằng đường ống kín để xử lý theo quy định. Các cơ sở sản xuất giấy đều ký hợp đồng thu gom, xử lý các loại chất thải rắn phát sinh.

Ông Nguyễn Hà đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường ở Phong Khê đã giảm tới 70- 80% so với trước thời điểm có thông báo kết luận số 43/TB-UBND. "Trong thời gian tới, thành phố Bắc Ninh và các ngành của tỉnh và chính quyền địa phương tiếp tục ra quân tổng kiểm tra các cơ sở sản xuất trên địa bàn phường xem đã đảm bảo các yếu tố về bảo vệ môi trường hay chưa, trên cơ sở đó sẽ tiếp tục tuyên truyền và xử lý những vi phạm cố tình, thậm chí là dừng hoạt động khi phát hiện vi phạm" – ông Hà thông tin.

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 11.

Môi trường CCN Phú Lâm, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều thay đổi, đường nội cụm công nghiệp được làm mới, không còn cảnh ngập ngụa nước thải. Ảnh: Khương Lực

40 năm Báo NTNN: Làng giấy Phong Khê được hít thở không khí "sạch" sau loạt hơn 30 bài trên báo điện tử Dân Việt- Ảnh 12.

Nhà máy xử lý nước thải và thu gom rác tại Cụm công nghiệp Phú Lâm đã đưa vào vận hành thử nghiệm giai đoạn I với công suất 6.000m3/ngày đêm. Ảnh: Khương Lực

Tại Cụm công nghiệp Phú Lâm (huyện Tiên Du), môi trường cũng có sự thay đổi rõ rNhà máy xử lý nước thải tập trung đã đưa vào vận hành thử nghiệm giai đoạn I với công suất 6.000m3/ngày đêm.ệt. Cùng với những công trình xử lý nước thải của các doanh nghiệp, đầu năm 2024, Nhà máy xử lý nước thải tập trung đã đưa vào vận hành thử nghiệm giai đoạn I với công suất 6.000m3/ngày đêm. Tuyến đường trong nội khu CCN và tuyến đê đã được các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp và dọn dẹp hết những đống chất thải, giúp giao thông đi lại thông thoáng, thuận tiện.

Đáng chú ý, ý thức chấp hành pháp luật về môi trường của nhiều doanh nghiệp đã thay đổi, đặc biệt là sau khi Thanh tra Bộ TNMT đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 9 doanh nghiệp vào đầu tháng 2/2024. Ngày 15/3, ông Nguyễn Công Ký – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh cùng đoàn giám sát của huyện đã trực tiếp đi giám sát việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tại buổi làm việc, tất cả 9/9 doanh nghiệp cho biết chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các doanh nghiệp đã nộp phạt và hiện đang dừng sản xuất.

Các doanh nghiệp phản ánh đã gửi hồ sơ xin cấp phép môi trường đến Sở TNMT tỉnh Bắc Ninh theo quy định, thực hiện ký kết các hợp đồng về xử lý nước thải, chất thải. Vì thế, các doanh nghiệp mong các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, thẩm định và cấp giấy phép môi trường để doanh nghiệp hoạt động trở lại, tạo công ăn việc làm cho người lao động và duy trì cung ứng cho khách hàng.

Với thành tích tuyên truyền tốt về tình hình phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong đó có việc phản ánh loạt bài ô nhiễm ở làng giấy Phong Khê và CCN Phú Lâm, năm 2022, nhà báo Khương Văn Lực- phóng viên Báo NTNN/Dân Việt đã được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng Bằng khen

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem