10 năm thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá: Số người hút thuốc giảm chậm

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 29/05/2015 08:00 AM (GMT+7)
Ngày 28.5, Bộ Y tế và Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tổ chức Hội nghị Đánh giá 10 năm thực hiện công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, tỷ lệ hút thuốc và vi phạm Luật PCTHTL vẫn cao. 
Bình luận 0

Thuế thuốc lá quá thấp

Việt Nam đã tham gia Công ước khung về PCTHTL từ ngày 11.11.2004. Từ đó đến nay, Việt nam đã cam kết thực thi các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn cung cấp và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá như xây dựng môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh trên vỏ bao thuốc, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, tạo nguồn kinh phí bền vững cho công tác PCTHTL.

img
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận Giải thưởng danh dự của WHO nhân Ngày thế giới không thuốc lá 31.5. Ảnh: Lê Hảo
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, sau 10 năm thực hiện Công ước khung, đến nay, việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại Việt Nam đã được cải thiện nhiều so với trước đây, được nhiều tỉnh, thành phố hưởng ứng như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hội An, Nha Trang, Huế, Tiền Giang, Thái Bình, Hải Dương… Môi trường không khói thuốc được mở rộng và củng cố các cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ quan công sở như Đại học Y tế công cộng, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Việt Đức, trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động… “Hệ thống các văn bản luật pháp và cao nhất là Luật PCTHTL cũng đã được ban hành, có hiệu lực khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO” – bà Xuyên khẳng định.

 

Đánh giá 10 năm thực hiện Công ước khung của Văn phòng Chương trình PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá nam giới giảm 9% (từ 56,1% năm 2001 xuống còn 47,4% năm 2010); tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 13-15 giảm từ 3,3% năm 2007 xuống còn 2,5% năm 2014, tỷ lệ hút thuốc ở nữ sinh giảm từ 1,2% xuống còn 0,2%. Tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại nhà của học sinh là 47,5%, phơi nhiễm khói thuốc tại địa điểm công cộng trong nhà là 66,5%. Tuy vẫn còn cao nhưng đã giảm so với năm 2007.

img
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên trao kỷ Kỷ niệm chương về đóng góp cho Chương trình PCTHTLở Việt Nam cho các cá nhân. Ảnh: Lê Hảo
Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam vẫn còn thấp (41,1%), là một trong hai quốc gia có mức thuế thuốc lá thấp nhất trong khu vực ASEAN và rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%, Úc 60%). Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt kể từ 1.1.2016, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hành thuốc lá sẽ tăng thêm 5%, từ 65% lên 70% (tương đương bán lẻ tăng 2% lên 43,1%). Đến năm 2019 sẽ tăng lên 75%. “Theo đánh giá của các chuyên gia, so với mức tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam, chỉ tăng 5% thuế thì sức mua đối với các sản phẩm thuốc lá vẫn tăng. Như vậy khó đáp ứng được mục tiêu theo Công ước khung là dùng biện pháp thuế để giảm hút thuốc” – TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết. Theo ông Jeffery Kobza – quyền Trưởng đại diện – Văn phòng WHO tại Việt Nam, nếu thực hiện tăng thuế thuốc lá lên 100% thì có thể cứu được 16.000 sinh mạng khỏi tử vong do thuốc lá mỗi năm tại Việt Nam.

 

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thiết lập mạng lưới PCTHTL, quy định cấm quảng cáo thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên vỏ thuốc, tổ chức các lễ cam kết môi trường không khói thuốc tại các tỉnh, các bệnh viện, cơ quan, trường học…

Vi phạm luật vẫn cao

Trong 2 năm 2014 và 2015, Trường Đại học Y tế công cộng phối hợp với Hội Y tế công cộng Việt Nam tiến hành nghiên cứu “Đánh giá tình hình thực thi Luật PCTHTL” trên địa bàn 6 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Tháp và Bạc Liêu. Kết quả thu được cũng so sánh với nghiên cứu tương tự được thực hiện giai đoạn 2009-2011. Tuy nhiên mới chỉ có 3 tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Khánh Hòa hoàn thành thu thập số liệu. Tại 3 tỉnh này không phát hiện các quảng cáo ngoài trời về thuốc lá, không ghi nhận bất cứ tài trợ nào của các công ty thuốc lá. Tuy nhiên tại địa điểm bán, tình trạng vi phạm về quảng cáo, khuyến mại và vi phạm về quy định trưng bày thuốc lá diễn ra rất phổ biến. Tỷ lệ vi phạm chung các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá tại Hải Dương có chiều hướng giảm theo thời gian (năm 2011 là 97%, năm 2014 là 90,6%, năm 2015 chỉ còn 77,5%). Còn Thái Bình và Khánh Hòa, tỷ lệ vi phạm gần như không thay đổi. Thái Bình năm 2011 là 95%, 2014 là 85,9%, năm 2015 là 91,5%. Khánh Hòa tương đương 100%, 96,5%, 96,5%.

Trong các loại hình vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại điểm bán, vi phạm về quy định cấm trưng bày quá 1 bao, 1 tút, 1 hộp của 1 nhãn hiệu thuốc lá là phổ biến nhất (Hải Dương 90,9%, Khánh Hòa 78%, Thái Bình 70,5%). Ngoài ra, tỷ lệ các điểm bán lẻ các bao thuốc có in chữ: “Nhẹ”, “êm”, “ít nicotin” bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh cũng khá phổ biến- vi phạm khoản 2d Điều 15 Luật PCTHTL: “Không được sử dụng từ làm người sử dụng hiểu thuốc lá là ít có tác hại hoặc hiểu sai về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe”. Tỷ lệ vi phạm các quy định cấm khuyến mại thuốc lá tại điểm bán có xu hướng giảm sau khi Luật PCTHTL có hiệu lực đã giảm ở Hải Dương và Khánh Hòa nhưng lại tăng lên ở Thái Bình. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Tỷ lệ vi phạm các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá hiện nay chưa thực sự giảm so với thời điểm trước khi luật được ban hành”.

Ngoài ra, trong Luật PCTHTL cũng quy định cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi nhưng các điểm bán thuốc lá chưa thực hiện nghiêm túc. Các quầy bán đều dán dòng chữ “Cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” song kích thước rất nhỏ, dán ở chỗ khó quan sát, tạm bợ. Thực tế cho thấy việc thực hiện quy định này cũng còn nhiều hạn chế.

  Công ước khung về kiểm soát thuốc lá đã bắt đầu bảo vệ sức khỏe con người và giúp tránh hàng triệu ca tử vong mỗi năm. Theo một số nghiên cứu gần đây tại 41 nước mà thực hiện ít nhất 1 biện pháp giảm cầu có tác động mạnh, ước tính số người hút thuốc giảm 14,8 triệu người, ngăn ngừa tổng cộng 7,4 triệu người chết do hút thuốc”.

Ông Jeffery Kobza

 Trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ người hút thuốc lá. Dự báo đến năm 2020, con số này sẽ lên đến 1,6 tỷ người. Mỗi năm có khoảng 6 triệu người chết do thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm khói thuốc lá thụ động. 50% những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và ½ trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất 15-20 năm cuộc đời” .

Theo WHO


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem