Xuất hiện những mô hình sản xuất cho lãi 'khủng' ở Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An,... có mô hình thu từ 1,5-3 tỷ/năm

K.Nguyên Thứ tư, ngày 06/12/2023 05:46 AM (GMT+7)
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ngoài việc chuyển đổi thành công nhiều mô hình từ trồng lúa sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều địa phương đã tổ chức nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nhiều mô hình cho lãi khủng.
Bình luận 0

Khuyến cáo mở rộng cây vụ đông ưa lạnh

Báo cáo của Bộ NNPTNT cho thấy, năm 2023, tổng diện tích gieo cấy lúa ước đạt 2,245 triệu ha, giảm khoảng 32.000ha so với năm 2022 (do chuyển đổi sang các loại cây rau màu và mục đích phi nông nghiệp). Năng suất lúa năm 2023 trung bình đạt 58,4 tạ/ha, tăng so với năm 2022 là 1,2 tạ/ha.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt năm 2023. Dịch hại diễn biến phức tạp không theo quy luật đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. 

"Tuy vậy, đánh giá sản xuất lúa năm 2023 các tỉnh phía Bắc là một năm đạt được các kế hoạch đề ra về năng suất, sản lượng, giá trị và lợi nhuận do diện tích gieo cấy giống lúa chất lượng cao được mở rộng, giá lúa năm 2023 cao hơn năm trước từ 10-15%" - ông Cường cho biết.

Báo cáo nhanh của một số địa phương cho thấy, tổng chi phí trung bình cho sản xuất lúa 2023 khoảng 35,85 triệu đồng/ha; tổng giá trị thu nhập đạt khoảng 54,297 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 7,274 triệu đồng/ha/vụ; lợi nhuận đạt trên 18 triệu đồng/ha/vụ, tăng khoảng 6,64 triệu đồng/ha/vụ.

Đối với các loại rau màu khác, năm 2023, diện tích ngô các tỉnh phía Bắc ước đạt khoảng 577.000ha, giảm 3.000ha so với năm 2022; năng suất ước đạt 45 tạ/ha,tăng 0,4 tạ/ha; sản lượng ước đạt khoảng 3 triệu tấn, tăng khoảng 75.000 tấn. Diện tích rau đạt 470.000ha, năng suất 174,5 tạ/ha, tăng hơn so với năm 2022 khoảng 1,5 tạ/ha; sản lượng 8,2 triệu tấn.

Theo ông Nguyễn Như Cường, sản xuất vụ đông xuân, hè thu, vụ mùa 2023 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đã có sự tập trung chỉ đạo của các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương, hướng dẫn các địa phương nhiều giải pháp nhằm đảm bảo vụ sản xuất đạt thắng lợi. 

Trong đó, việc xác định tốt khung thời vụ, cơ cấu giống, đồng thời áp dụng biện pháp thâm canh lúa tổng hợp góp phần hạn chế sâu bệnh hại, tăng năng suất, giảm chi phí; xây dựng khung thời vụ toàn vùng, từng địa phương trong điều kiện dự báo về thời tiết khí hậu, nguồn nước đã mang lại kết quả khả quan, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh.

Nhiều yếu tố thuận lợi để các vụ sản xuất năm 2024 thắng lớn - Ảnh 1.

Nông dân Hải Dương chăm sóc cà rốt. Ảnh: B.H.DNông dân Hải Dương chăm sóc cà rốt vụ đông. Ảnh: B.H.D

Đối với vụ đông năm 2023, tính đến 15/11, diện tích đã gieo trồng cây vụ Đông các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 340.000 ha (đạt 89,4% kế hoạch). Theo Cục Trồng trọt, thời vụ gieo trồng cây vụ Đông ưa ấm đã kết thúc; các địa phương cần điều chỉnh và mở rộng diện tích cây vụ Đông ưa lạnh; tận dụng tối đa điều kiện đất đai, nhân lực, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại rau ăn lá, khoai tây... nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra; đặc biệt ưu tiên mở rộng diện tích các loại cây có hợp đồng tiêu thụ, đầu ra ổn định và cho hiệu quả kinh tế cao.

Xuất hiện những mô hình sản xuất cho lãi khủng

Theo Cục Trồng trọt, ngoài việc chuyển đổi thành công nhiều mô hình từ trồng lúa sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, nhiều địa phương đã tổ chức nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật gắn với liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Đơn cử như tỉnh Hải Dương, mô hình tích tụ ruộng đất quy mô từ 5 ha trở lên với tổng diện tích thực hiện 2.265 ha, 228 vùng tại 11/12 huyện, thành phố, thị xã. Mô hình sản xuất rau màu thực hiện 492ha với 103 vùng tăng thu nhập 15-25 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ; mô hình liên kết sản xuất khoai tây gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 284 ha áp dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo trồng, vun xới, thu hoạch cho năng suất trung bình 150-170 tạ/ha, giá bán trung bình khoảng 10.000 đồng/kg cho lãi khoảng từ 4,5-5,5 triệu đồng/sào; mô hình sản xuất dưa lưới, dưa chuột, hoa, rau ăn lá các loại trong nhà màng, nhà lưới với qui mô 50 ha cho thu nhập từ 0,6-1 tỷ đồng/ha/năm, riêng dưa lưới cho thu hoạch 3 vụ/năm, thu nhập từ 1,5-3 tỷ đồng/ha/năm.

Tỉnh Bắc Ninh có mô hình luân canh cây trồng có giá trị kinh tế cao tại vùng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả trên cây dưa lê, cải bẹ và cà rốt (03 ha/mô hình); mô hình sản xuất lúa gắn với bao tiêu sản phẩm quy mô 303 ha tại TX Thuận Thành...

Năm 2023, tỉnh Hưng Yên thực hiện được 169 mô hình sản xuất tập trung theo quy mô lớn với qui mô 3.100 ha, trong đó: 119 mô hình sản xuất lúa tập trung, 11 mô hình trồng rau màu, dược liệu và 39 mô hình trồng cây vụ đông.

Vĩnh Phúc có mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa qui mô 5.000 ha. Mô hình cấy máy với lúa đã giúp giải quyết vấn đề thời vụ, lao động nông thôn, góp phần giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế mang lại đạt 31,8 triệu đồng/ha, tăng hơn 5,8 triệu đồng/ha. 

Yên Bái xây dựng mô hình trồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm rau cải mầm đá qui mô 10 ha với vốn đầu tư 150 triệu đồng/ha, sản lượng đạt trên 300 tấn, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha. Mô hình liên kết sản xuất ớt Jalapeno vụ Xuân 2023 với qui mô 03 ha tại xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ với HTX thương mại và dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh có sự hỗ trợ về máy móc chuyên dụng và công nghệ chăm sóc nên đã giảm đáng kể sức lao động cho người dân, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha, giá bán khoảng 6.000 đ/kg, cho thu nhập 180 - 200 triệu/ha /vụ, cao hơn so với trồng lúa từ 1,5 - 1,9 lần.

Bắc Giang áp dụng mô hình sản xuất lúa Bắc thơm số 7 theo hướng hữu cơ gắn với bao tiêu sản phẩm qui mô 30 ha tại xã Tư Mại - Yên Dũng; Mô hình liên kết sản xuất giống lúa VNR 20 qui mô 74 ha tại Đại Đồng, Danh Thắng - huyện Hiệp Hoà; Mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật với quy mô 300 ha/năm tại các huyện Lạng Giang, Tân Yên, Lục Nam... cho thu nhập cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 20%,...

Mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối quy mô 1.180 ha tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang của tỉnh Tuyên Quang cho doanh thu ước đạt 42 tỷ đồng; Mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm ngô ngọt tại các xã trên địa bàn 02 huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình qui mô 20,8 ha đã tổ chức thu mua được 246 tấn, với giá thu mua trung bình từ 4.000 - 9.000đ/kg, doanh thu đạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Nghệ An xây dựng mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm lúa HĐ9 tại xã Diễn Liên, huyện Diễn Châu qui mô 201 ha cho hiệu quả kinh tế 60 triệu đồng/ha; Mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm lúa HD11 tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành qui mô 55 ha cho hiệu quả kinh tế 60 triệu đồng/ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem