Xử án nhỏ, huy động 20 thư ký và hội thẩm

Hữu Danh Thứ năm, ngày 28/01/2016 15:40 PM (GMT+7)
Thụ lý vụ án tranh chấp di sản thừa kế và “nghiên cứu” suốt 3 năm không xử, đến khi nguyên đơn gửi đơn cầu cứu báo chí, TAND tỉnh Đồng Tháp mới đưa án ra xét xử và huy động cùng lúc 10 thư ký (9 dự khuyết), 10 hội thẩm (8 dự khuyết) để xét xử vụ án...
Bình luận 0

Theo hồ sơ, năm 2007, bà Lê Thị Đoàn (sinh năm 1943, ngụ phường An Hòa, Sa Đéc) và 5 anh chị em cùng khiếu nại em rể là ông Huỳnh Kim Thận (sinh năm 1940, chồng bà Lê Thị Niên, bà Niên mất năm 2005) chiếm căn nhà do cha mẹ bà Đoàn để lại tại phường 2, Sa Đéc.

Theo đơn của bà Đoàn, căn nhà này là tài sản đồng thừa kế của cả 7 anh chị em, phải được dùng làm nhà thờ, việc ông Thận đi làm giấy cả nhà không ai biết. Ngày 8.2.2007, UBND thị xã Sa Đéc ra quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Thận. Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Thận vẫn chiếm giữ nhà, đất nên anh em bà Đoàn khởi kiện ra tòa, được TAND thị xã Sa Đéc thụ lý.

img

“Chúng tôi chỉ yêu cầu được tòa đem vụ án ra xét xử”, bà Lê Thị Đoàn (71 tuổi) nói. H.D

Sau một thời gian dài nghiên cứu hồ sơ, ngày 8.5.2012, TAND thị xã Sa Đéc trả lại đơn kiện vì cho rằng bà Đoàn có 2 người cháu ruột đang ở nước ngoài (2 người này gửi văn bản từ chối thừa kế vì tài sản quá nhỏ). Do án “có yếu tố nước ngoài” nên ngày 7.5.2013, TAND tỉnh Đồng Tháp thụ lý.

Được biết, theo quy định của pháp luật, thời hạn chuẩn bị xét xử của vụ án dân sự là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Thế nhưng mãi đến ngày 18.1, khi bà Đoàn gửi đơn khiếu nại và “đồng kính gửi” các cơ quan báo chí, ngày 20.1 TAND tỉnh Đồng Tháp mới ra quyết định xét xử vụ án vào ngày 19.2 tới.

img

Quyết định xét xử có sự tham gia của 20 thư ký và hội thẩm. H.D

Điều lạ là, Thẩm phán Nguyễn Tấn Tặng ký quyết định có tới 20 hội thẩm và thư ký tòa. Trong đó, HĐXX ngoài ông Tặng làm chủ tọa cùng 2 hội thẩm, phiên tòa còn có 9 thư ký dự khuyết và 8 hội thẩm dự khuyết.

Luật sư Phạm Hoài Nam - Đoàn Luật sư TPHCM nhận xét: “Tôi đã dự hàng trăm phiên tòa, chưa thấy nơi nào lại huy động một lực lượng hội thẩm và thư ký đông khủng khiếp như vậy. Có lẽ họ huy động toàn bộ thư ký của tòa án cùng tham gia. Đây là sự lãng phí nhân lực cực lớn, bởi những người dự khuyết cũng phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án và phải có mặt tại phiên xét xử”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem