Bất ổn bên nhà máy xi măng nghìn tỷ Bài 2: Dân kêu không thấu

Vinh Hải – Thắng Quang – Nguyễn Cầu Thứ năm, ngày 16/07/2015 15:35 PM (GMT+7)
Dự án xây dựng nhà máy xi măng được mở rộng gần gấp đôi diện tích, nâng công suất thiết kế gấp 4 lần, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của hàng nghìn người dân. Nhưng điều trớ trêu là dù đã được khởi công, nhưng dự án vẫn chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Bình luận 0

Khổ nhất vẫn là dân

Làm việc với PV NTNN về vấn đề ô nhiễm môi trường trong quá trình xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam, lãnh đạo xã Bài Sơn cho biết những phản ánh của người dân là có cơ sở. Chính quyền cũng đã báo cáo lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết thấu đáo.

img

Công trường xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam ở ngay sát khu vực dân cư, nhiều hộ dân chưa biết có được di dời hay không. Ảnh:  T.Q

Ông Nguyễn Hữu Quang – Chủ tịch UBND xã Bài Sơn cho biết: “Vốn là một xã nghèo nên Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam là mong mỏi bao lâu nay của người dân cũng như chính quyền xã Bài Sơn. Tuy nhiên, mới trong quá trình thi công, người dân đã liên tiếp phản ánh tình trạng bụi bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt. Có những cái phải chia sẻ với nhà đầu tư, nhưng phản ánh của người dân là có cơ sở. Trách nhiệm của địa phương là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân”.

Tuy nhiên, cái khó đối với cấp xã là sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, có nhiều vấn đề không đủ thẩm quyền để xử lý. Người dân kiến nghị, có điểm giải quyết được, có vấn đề xã không thể đưa ra câu trả lời.

Ông Quang dẫn lại việc nước từ nhà máy đổ vào nhà dân, chính quyền xã có trao đổi với Công ty Xi măng Sông Lam và nhận được trả lời “không bằng văn bản” là sẽ đổ bê tông mái taluy để tránh xói lở và đào hào thoát nước. Thế nhưng, bao giờ thực hiện và biện pháp trước mắt để tránh ảnh hưởng đến người dân thế nào thì đến giờ vẫn chưa rõ.

Hay như việc nước thải sinh hoạt ở khu nhà ở công nhân đổ ra đập Đá Bàn, xã có ý kiến và phía nhà máy tạm ngăn lại nhưng vẫn chưa có quy trình xử lý nước thải. Với thẩm quyền và chức năng của xã, dù người dân có kêu cũng không thể vào nhà máy để kiểm tra xem nước thải được xử lý thế nào trước khi đổ ra đập nước phục vụ tưới tiêu.

Còn đối với vấn đề có di dời các hộ dân sát nhà máy hay không, lãnh đạo xã Bài Sơn cũng “bó tay”. Cán bộ địa chính xã Bài Sơn cho hay, đến bây giờ cũng chưa có thông tin chính thức gì về việc di dời các hộ dân.

Ông Nguyễn Hữu Quang cho rằng: “Giờ khổ nhất là người dân dù lợi ích là chung cho cả huyện, tỉnh. Nhưng ảnh hưởng trực tiếp là người dân Bài Sơn đây. Dân kêu không thấu, xã kêu cũng không thấu. Khởi sắc đâu chưa thấy, nhưng đã thấy dân chịu khổ”.

Chưa có báo cáo ĐTM

Người dân Bài Sơn nhớ lại, khi dự án Nhà máy xi măng Đô Lương được rục rịch khởi động cách đây khoảng 10 năm, lúc đó, phía doanh nghiệp tổ chức công bố sơ đồ chỉ dẫn cụ thể, công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho tất cả người dân biết. Còn lần này, dự án mới chưa thực hiện được việc đó.

Vẫn ông Quang – Chủ tịch xã Bài Sơn cho hay: “Theo quy định, báo cáo ĐTM là việc đầu tiên phải thực hiện. Dân phải được xem cái này để có ý kiến vào đấy nữa chứ. Dự án mới tiếp quản nhà máy cũ, nhưng công suất trước đây chỉ 1 triệu tấn/năm, bây giờ lên tới 4 triệu tấn/năm, tác động môi trường cũng rất khác”.

Trong khi đó, ở cấp cao hơn, ông Hoàng Quốc Việt – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương xác nhận thông tin Công ty CP Xi măng Sông Lam đang phải làm lại ĐTM. Ông Việt cho hay: “Do Dự án đã nâng công suất lên tới 4 triệu tấn/năm nên phải làm lại ĐTM. Chủ yếu là điều chỉnh bổ sung vì mở rộng quy mô, tăng công suất. Công nghệ xi măng giờ cũng khác trước”.

Ông Việt cũng cho biết hiện phải chờ báo cáo ĐTM để xác định phạm vi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường mới quyết định có di dời các hộ dân hay không.

Với câu hỏi tại sao báo cáo ĐTM của dự án mở rộng chưa được phê duyệt nhưng việc xây dựng nhà máy xi măng đã được tiến hành, ông Việt cho rằng nhà máy đang xây dựng chứ chưa đi vào hoạt động (?).

“Họ đi vào hoạt động đâu. Trước đấy đã có báo cáo ĐTM, chứ không phải chưa có. Bây giờ tỉnh đang yêu cầu điều chỉnh lại. Còn nếu nhà máy đi vào hoạt động mà chưa xong ĐTM thì phải xem xét”- ông Việt phân trần.  

  Tổng diện tích xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Bài Sơn là 751.245m2, hiện đã được cấp 348.850m2 và diện tích xin mở rộng thêm là 284.023m2. Đến giữa tháng 6, đã có 10/35 hạng mục được bàn giao cho nhà thầu thi công. Trong đó, đơn vị nhà thầu thi công cọc khoan nhồi bê tông đã thi công trung bình 10 - 15 cọc/ngày. Sau khi nhà máy tiến hành khoan cọc nhồi, một số hộ dân cạnh công trường xây dựng đã phản ánh nước giếng ăn có màu lạ. 

 Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là một công cụ mang tính khoa học và kỹ thuật được sử dụng để dự báo các tác động môi trường có thể xảy ra bởi dự án đầu tư. Trên cơ sở đó đề ra các giải pháp và biện pháp nhằm tăng cường các tác động tích cực, giảm thiểu các tác động tiêu cực.   

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem