Vùng đất trồng kiệu này ở Tây Ninh sao giá củ kiệu vụ Tết đang lao dốc, nông dân vẫn tin có lời?

Trần Đáng Thứ ba, ngày 23/01/2024 14:04 PM (GMT+7)
Theo nhiều bà con nông dân trồng kiệu tại khu phố An Thới (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), một vùng đất trồng kiệu có chất lượng hảo hạng, năm nay củ kiệu rất đẹp nhưng giá kiệu tươi đang lao dốc.
Bình luận 0

Ông Bảy Tỷ (Phạm Văn Tỷ, khu phố An Thới, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), một nông dân trồng kiệu với diện tích lớn nhất ở khu phố An Thới cho biết, kiệu tươi trên đồng đang được thương lái thu mua với giá 22.000-25.000 đồng/kg, bằng một nửa so với thời điểm này Tết năm ngoái.

Vùng đất trồng kiệu này ở Tây Ninh sao giá củ kiệu vụ Tết đang lao dốc, nông dân vẫn tin có lời?- Ảnh 1.

Nông dân trồng kiệu ở khu phố An Thới (phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) tất bật thu hoạch củ kiệu vụ Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: Trần Văn Thanh

Giá kiệu lao dốc, nông dân trồng kiệu... bình thường thôi

Chúng tôi lần vào ruộng kiệu của ông Bảy Tỷ khi cái Tết phả hơi nóng sau gáy. Thật lạ, giữa cánh đồng trồng rau màu có diện tích hàng trăm ha, nhưng lại chỉ có khoảng 20ha trồng kiệu cho chất lượng không đâu sánh bằng.

Những ngày này, nông dân trồng kiệu ở đây đang tập trung thu hoạch vụ kiệu Tết. Những bụi củ kiệu tươi vừa được nhổ lên còn bám đất căng tròn, tỏa mùi hăng hăng đặc trưng cả ruộng kiệu.

Theo ông Bảy Tỷ, giờ ông phải thu hoạch củ kiệu cho đến giáp Tết Giáp Thìn 2024 mới xong đám ruộng kiệu rộng 8.000m2, với năng suất gần 3 tấn/1.000m2.

"Thương lái đang mua củ kiệu tươi với đủ mức giá tùy theo củ kiệu tốt, xấu. Giờ tôi chưa biết giá củ kiệu lên hay xuống tiếp, phải chờ đến vài ngày nữa mới biết", ông Bảy Tỷ băn khoăn.

Nhiều bà con nông dân trồng kiệu tại đây cho biết, Tết năm ngoái, giá củ kiệu tươi 45.000-50.000 đồng/kg. Đầu vụ kiệu Tết năm nay, giá kiệu tươi còn ở mức 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện giá củ kiệu tươi trên đồng đã rơi xuống mức 22.000-25.000 đồng/kg.

Lý giải về việc giá củ kiệu lao dốc, ông Tỷ cho rằng, vụ kiệu Tết năm nay, nông dân trồng kiệu nhiều, trong khi người dân thắt chặt chi tiêu mùa Tết…

Vùng đất trồng kiệu này ở Tây Ninh sao giá củ kiệu vụ Tết đang lao dốc, nông dân vẫn tin có lời?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, một nông dân trồng kiệu, vui mừng với sản phẩm thu được. Ảnh: Trần Văn Thanh

Bạn hàng "cầm cán", nông dân trồng kiệu "cầm lưỡi"

Hàng năm, từ tháng Giêng đến tháng 7 (Al), vùng đất An Thới chuyên canh rau màu. Nhưng đến tháng 8 (AL), hàng chục nông dân ở đây sẽ chuyển sang lên luống trồng kiệu. Sau 3,5-4 tháng, nông dân thu hoạch củ kiệu bán kiếm lời vào dịp Tết.

Theo nhiều nông dân trồng kiệu ở đây, cây kiệu tương đối khó trồng, kén đất, không chịu ngập úng. Tuy trồng kiệu chịu chi phí cao, thời gian thu hoạch dài hơn rau màu, nhưng lợi nhuận cao gấp đôi rau màu.

Mỗi năm, với 20ha diện tích đất "đặc chủng", nông dân khu phố An Tịnh trồng kiệu cung ứng ra thị trường Tết khoảng 600 tấn củ kiệu chất lượng hảo hạng.

Chủ tịch Hội Nông dân phường An Tịnh Trần Văn Thanh cho biết, sở dĩ vùng đất 20ha ở An Thới cho năng suất kiệu cao, củ kiệu to, thơm ngon, trắng đẹp, củ kiệu cao cổ hơn nơi khác là do đất pha cát to. Giá củ kiệu vùng đất này cao gấp đôi, gấp ba lần nơi khác, thương lái và người tiêu dùng rất ưa chuộng.

"Với năng suất cao, dù giá củ kiệu tươi thương lái mua như hiện nay thì nông dân trồng kiệu trên địa bàn vẫn có lời", ông Thanh chia sẻ.

Vấn đề lâu nay việc mua bán kiệu giữa nông dân trồng kiệu và bạn hàng chỉ qua quen biết, không đặt cọc hay hợp đồng mua bán trước.

Thêm vào đó, thương lái mua kiệu từng đợt với vài trăm kg kiệu theo nhu cầu thị trường chứ không mua hết ruộng một lần. Do bạn hàng mua kiệu như vậy, nên nông dân cũng chỉ dám thu hoạch bằng ấy số lượng của bạn hàng đặt chứ không thu hoạch dư.

Theo ông Bảy Tỷ, việc thương lái chỉ mua kiệu từng đợt khiến ruộng kiệu còn lại chưa thu hoạch đang nằm đồng sẽ ngả vàng lá theo thời gian, khiến sản phẩm củ kiệu mất đẹp. Kiệu bị vàng lá khi bán cho thương lái sau này sẽ mất giá.

Vùng đất trồng kiệu này ở Tây Ninh sao giá củ kiệu vụ Tết đang lao dốc, nông dân vẫn tin có lời?- Ảnh 3.

Sau khi thu hoạch củ kiệu, nông dân trồng kiệu sẽ đưa về nhà sơ chế trước khi giao thương lái. Ảnh: Trần Văn Thanh

Củ kiệu, cà pháo, dưa món… là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của nhiều gia đình Việt Nam. Ngoài việc được dùng để làm thức ăn, như muối dưa, củ kiệu còn dùng làm thuốc phòng chữa nhiều bệnh.

Theo y học cổ truyền, củ kiệu có vị cay, đắng, tính ấm vào ba kinh phế, vị và đại tràng, có tác dụng thông hoạt lợi, thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau, làm ấm bụng, dùng chữa viêm mũi mạn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, chữa bỏng, chữa đau bụng, tức ngực khó thở...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem