Vùng đất này của Thái Bình trồng được giống lạc cho hạt đỏ au, ăn vào bùi ngậy

Thứ hai, ngày 19/06/2023 18:37 PM (GMT+7)
So với nhiều loại lạc thông thường, lạc đỏ làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nổi tiếng với chất lượng cao, mẫu mã đẹp.
Bình luận 0

So với nhiều loại lạc thông thường, lạc đỏ làng Keo (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) nổi tiếng với chất lượng cao, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, vừa qua, lạc đỏ làng Keo được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao càng khẳng định, nâng cao giá trị của một sản vật vùng đất bãi ven sông Hồng. Những hạt lạc rang căng mẩy, đỏ bóng, thơm nồng, bùi ngậy là thức quà quê khó cưỡng khi đến làng Keo.

Lạc đỏ làng Keo Thái Bình: Sản vật của dải đất phù sa màu mỡ

Làng Keo là cái tên thân thương mà người dân thường gọi làng Dũng Nhuệ xưa, nay gồm 3 thôn Hành Dũng Nghĩa, Dũng Nghĩa, Dũng Nhuệ (xã Duy Nhất). Ngoài đặc thù đồng đất chua trũng, thích hợp cấy lúa nếp cái hoa vàng thì làng Keo nói riêng và xã Duy Nhất nói chung còn được thiên nhiên ban tặng dải đất bãi phù sa ven sông Hồng màu mỡ, phì nhiêu.

Bà Phạm Thị Hòa, thôn Hành Dũng Nghĩa cho biết: Cứ cuối tháng Chạp, đầu tháng Giêng, thay vì cấy lúa xuân, trên vùng đất bãi, bà con bắt đầu tiến hành làm đất, gieo trồng lạc. Giống lạc ở đây là giống lạc đỏ truyền thống, bà con tự chọn lọc, để giống từ năm này qua năm khác. Chất đất phù sa nhiều dinh dưỡng nên cây lạc hầu như không cần bón thêm phân, việc chăm sóc cây lạc nhàn hơn cây lúa, chủ yếu xới xáo, vun gốc, nhặt cỏ. 

Vùng đất này của Thái Bình trồng được giống lạc cho hạt đỏ au, ăn vào bùi ngậy - Ảnh 1.

Mẫu mã sản phẩm lạc đỏ làng Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình được thay đổi đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Cuối vụ mùa, khi lúa được thu hoạch cũng là lúc củ lạc già đanh, nhà nhà ra đồng nhổ lạc. Lạc nhổ xong phải bứt củ, rửa sạch đất cát, phơi từ 3 - 4 nắng thật to để hạt lạc bên trong săn chắc, lớp vỏ lụa của hạt lạc căng bóng, đỏ au, khi tách vỏ, cắn hạt lạc chưa rang nhưng vẫn giòn vỡ mới là lạc ngon.

Lạc củ phơi xong, bà con phải giữ nguyên củ lạc, bảo quản thật kỹ vào nhiều lớp bao nilon, bao giấy để củ lạc khô, không bị hút ẩm, tránh mốc hạt lạc. Khi có người mua hoặc những ngày xong mùa vụ, rảnh rỗi, người già, trẻ nhỏ của các nhà trong xóm tập trung nhau, mỗi người một thúng lạc củ ngồi tách vỏ lạc bằng 2 chiếc kẹp tre nhỏ.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, thôn Dũng Nhuệ cho biết, hiện nay có loại máy tách vỏ lạc nhưng cần phun ẩm lên củ lạc mới tách được vỏ, hơn nữa trong quá trình máy tách vỏ sẽ có nhiều hạt lạc bị dập nát, vì vậy dù mất khá nhiều công nhưng bà con vẫn bóc lạc bằng phương pháp thủ công. Có lẽ hạt lạc ngon lại sạch sẽ, bóc tách cầu kỳ, nên hạt lạc đỏ làng Keo được con em xa quê, du khách thập phương rất ưa chuộng. 

Mỗi dịp về quê, ghé thăm chùa Keo, mọi người thường mua vài cân, vài yến lạc mang về làm quà hoặc sử dụng dần. Người dân làng Keo không cần đi bán nhưng lạc đỏ chẳng ế bao giờ, giá trị luôn cao hơn các loại lạc khác trên thị trường.

Vùng đất này của Thái Bình trồng được giống lạc cho hạt đỏ au, ăn vào bùi ngậy - Ảnh 2.

Nông dân thôn Dũng Nghĩa (xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) thu hoạch lạc đỏ vụ xuân.

Lạc đỏ làng Keo lên sàn OCOP

Năm 2021, sản phẩm gạo nếp bể làng Keo của Duy Nhất đã được công nhận là sản phẩm OCOP, xếp hạng tiêu chuẩn 3 sao. Đây là vinh dự và động lực để cán bộ, nhân dân địa phương tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí để sản phẩm lạc đỏ làng Keo đạt tiêu chuẩn OCOP. Vừa qua, lạc đỏ làng Keo của HTX Kinh doanh nông sản làng Keo đã được công nhận sản phẩm OCOP tiêu chuẩn 3 sao năm 2022.

Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giám đốc HTX cho biết: Sau khi thu mua lạc đỏ của nông dân địa phương, chúng tôi giao cho các hộ thành viên bóc tách vỏ, phân loại, bảo quản, kiểm soát sản phẩm khắt khe hơn để bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng. Chúng tôi thiết kế mẫu mã bao bì hấp dẫn và đóng gói thuận tiện cho việc vận chuyển, cung cấp đầy đủ thông tin, nguồn gốc, hạn sử dụng để sản phẩm mang tính chuyên nghiệp, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Nhờ lên sàn OCOP, giá trị sản phẩm lạc đỏ của HTX hiện nay đạt 80.000 đồng/kg, cao hơn 15% so với cùng sản phẩm lạc đỏ của bà con địa phương.

Ông Nguyễn Văn Bôn, thôn Dũng Nghĩa, xã Duy Nhất cho biết: Lạc đỏ quê tôi có chất lượng cao nhưng trước kia chỉ có khách hàng quen, con em địa phương biết đến và tiêu thụ. Giờ đây, lạc đỏ trở thành sản phẩm OCOP giúp chúng tôi quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, du khách khi đến thăm chùa Keo có thể yên tâm mua lạc đỏ với chất lượng tốt nhất.

Ông Phạm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: Xã hiện có 85ha lạc đỏ. Năng suất lạc đỏ vụ xuân bình quân đạt 100kg củ/sào, giá 35.000 - 40.000 đồng/kg lạc củ, bà con thu về 3,5 - 4 triệu đồng/sào lạc xuân. Chúng tôi rất tự hào, đến nay xã đã có 2 nông sản là lạc đỏ và gạo nếp bể làng Keo đạt tiêu chuẩn OCOP. Ngoài góp phần quảng bá, tôn vinh, gìn giữ những sản phẩm nông sản đặc thù truyền thống của địa phương thì OCOP là bước đệm để chúng tôi từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân.


Quỳnh Lưu (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem