Vùng đất Chí Linh của Hải Dương có loại nhãn "đẻ" quả ngon cản không kịp, dân buồn vì bán rẻ quá

Nguyễn Việt Thứ bảy, ngày 26/08/2023 08:04 AM (GMT+7)
Những ngày cuối của vụ thu hoạch nhãn, lúc này một số nông dân trồng nhãn ở xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương có dịp ngồi lại nhìn nhận, đánh giá vụ nhãn năm nay. Ai cũng cho rằng nhãn năm nay được mùa và cũng chung nhận định nhãn năm nay mất giá, giá nhãn quá rẻ...
Bình luận 0
Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 1.

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 2.

"Được mùa mất giá", điệp khúc người trồng nhãn

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Dân Việt với các ông Nguyễn Đình An, chủ vườn nhãn 2 ha; Bùi Văn Trân, chủ vườn nhãn gần 1 ha; Nguyễn Đình Xuyên, chủ vườn nhãn gần 2 ha đều ở thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương và cùng với một số cán bộ thôn Đá Bạc và Hội nông dân xã Hoàng Hoa Thám vào những ngày cuối vụ thu hoạch nhãn.

Ở thôn Đá Bạc, nông dân trồng nhãn trồng nhiều loại giống khác nhau, tuy nhiên giống chủ đạo và nhiều nhất vẫn là giống nhãn Miền Thiết (gốc ở Hưng Yên), nhãn siêu ngọt. Hai giống nhãn này đều cho quả to, cùi nhãn dày, ngọt. Đối với nhãn Miền Thiết có mã màu vàng sáng, vị ngọt thanh còn đối với nhãn siêu ngọt có mã màu nâu đất.

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 3.

Vụ nhãn năm nay, nhiều nhà vườn ở xã Hoàng Hoa Thám nói riêng và TP. Chí Linh nói chung được mùa với những cây nhãn quả sai chĩu cành. Ảnh: Nguyễn Việt.

Nhãn được chăm sóc theo quy trình VietGap nên quả to, rất được khách hàng tiêu dùng ưa thích. Nhà các ông An, Xuyên, ông Trân đều chăm sóc nhãn theo quy trình VietGap nên quả to, mã đẹp, giòn, ngọt...

Bên cạnh, sự chăm chỉ của người dân trồng nhãn, việc tiêu thụ quả nhãn cũng được các cấp chính quyền từ xã Hoàng Hoa Thám đến TP. Chí Linh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, mời gọi các nhà doanh nghiệp đến thu mua nhãn của người dân nơi đây để xuất khẩu. Nhờ vậy, quả nhãn nơi đây bán dễ dàng và được giá cao.

Theo những nông dân trồng nhãn nơi đây, những năm 2019 – 2021 giá nhãn khá cao, giá nhãn đầu vụ luôn ở mức giá từ 25 – 30 nghìn đồng/kg, giá chính vụ và cuối vụ cũng đạt từ 15 – 20 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, cộng với việc sản lượng nhãn đạt cao trên dưới chục tấn, việc ông Xuyên, ông An, ông Trân thu  từ 150 – 250 triệu đồng/năm đối với những nông dân trồng nhãn này là chuyện bình thường.

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 4.

Những cây nhãn quả sai như bện được thu hoạch. Ảnh: Nguyễn Việt.

Nói về vụ nhãn năm nay, ông Nguyễn Đình Xuyên cho biết: Năm nay, nhãn ra sai quả, năng suất, sản lượng cao hơn các năm trước. Có thể nói, năm nay được mùa nhãn, tuy nhiên giá nhãn giảm thấp hẳn so với các năm. Năm nay, vườn nhãn nhà ông Xuyên ước đạt hơn 15 tấn. Tuy nhiên với giá nhãn giao động ở mức giá từ 7 – 10 nghìn đồng/kg, ông không dám chắc có thu nổi được trăm triệu đồng hay không.

Cùng chung ý kiến với ông Xuyên, ông Nguyễn Đình An cho rằng năm nay được mùa nhãn, cao hơn gấp rưỡi so với vụ nhãn năm ngoài và các năm trước. Như nhà ông An, vụ nhãn năm nay ước đạt từ 15 – 17 tấn, năm ngoái chỉ đạt dưới 10 tấn.

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 5.

Ông Bùi Văn Trân, chủ vườn nhãn ở thôn Đá Bạc, đang bó nhãn cho khách mua tại vườn với giá 7000 đồng/kg. Ảnh: Nguyễn Việt.

Tuy nhiên, ông An cũng cho biết, năm nay giá nhãn thấp, đầu vụ chỉ được 20 đồng/kg, dần giảm xuống 15 nghìn đồng, vào chính vụ thu hoạch giá nhãn tiếp tục giảm sâu xuống 10 nghìn, 9 nghìn đồng, thậm chí 7 nghìn đồng/kg. Những hộ không chăm sóc theo quy trình VietGap bán giá còn thấp hơn nữa ở mức 5 nghìn đồng/kg.

Ông Bùi Văn Trân tiếp lời, những năm trước, các doanh nghiệp, công ty AMei, Rồng đỏ về thu mua nhãn để xuất khẩu nên được giá cao, tuy nhiên năm nay, không hiểu sao, không thấy các doanh nghiệp này về thu mua nữa nên toàn phải bán cho tư thương tiêu thụ ở thị trường nội địa nên những hộ trồng nhãn theo quy trình VietGap càng lãi thấp hơn so với các hộ trồng chăm sóc không VietGap.

Clip: Ông Nguyễn Văn Vân, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đá Bạc, xã Hoàng Hoa Thám, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương nói về vụ nhãn được mùa, mất giá. T/h: Nguyễn Việt.

Ông Nguyễn Văn Vân, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đá Bạc cho biết, toàn thôn Đá Bạc có 120 hộ trồng nhãn với tổng diện tích vào khoảng 20 ha, tuy nhiên trồng nhiều từ 1 mẫu trở lên có khoảng 20 hộ.

"Năm nay, nhãn thì sai, được mùa, mỗi tội giá cả nó thấp, thị trường hiện tại bây giờ nhãn đẹp mới có từ 7, 8, 9 nghìn, từ 10 nghìn đồng/kg đổ về. Với chi phí năm nay đầu tư cho nhãn cũng lớn, được mùa thật nhưng giá bán thấp nên thu nhập không được cao", ông Vân cho hay.

Nên để hay phá cây nhãn?

Trò chuyện với những nông dân trồng nhãn và cán bộ ở nơi xa nhất, sâu nhất của tỉnh Hải Dương (xã Hoàng Hoa Thám giáp 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh), được biết mô hình trồng nhãn ở đây diễn ra khoảng 15 năm nay và phát triển mạnh trong khoảng chục năm nay.

Ông Đường Thượng Nhi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám cho biết, hiện cây nhãn được trồng và phát triển ở cả 6 thôn trong xã. Với tổng diện tích gần 60 ha, trong đó có 20 ha nhãn trồng chăm sóc theo quy trình VietGap.

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 7.

Nhờ được chăm sóc theo đúng quy trình VietGap, nhiều vườn nhãn ở xã Hoàng Hoa Thám, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương cho quả to, đẹp, ngon, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Việt.

Theo một lãnh đạo phòng Kinh tế TP. Chí Linh, diện tích trồng nhãn của Chí Linh có gần 800 ha, các địa phương có diện tích nhãn nhiều như: Hoàng Hoa Thám, Bên Tắm, Hoàng Tiến, Hoàng Tân… Hằng năm, sản lượng của TP. Chí Linh ước đạt 5000 tấn.

Cũng theo lãnh đạo này, tuy chưa có đánh giá chính thức nhưng thông qua thực tế thì thấy nhãn năm nay sai được mùa hơn năm trước. Tuy nhiên giá bán tại vườn hay ở chợ cũng thấp hơn so với giá nhãn năm ngoái.

Khi được hỏi, trước việc diện tích trồng nhãn tăng và giá nhãn cũng đang có xu hướng giảm, liệu bà con trong xã có tiếp tục phát triển thêm diện tích trồng nhãn hay liệu có phá nhãn để chuyển đổi cây trồng không?

Nông dân trồng nhãn ở Chí Linh – Hải Dương chưa kịp vui được mùa liền buồn rũ vì giá thấp - Ảnh 8.

Mặc dù giá nhãn thấp nhưng những nông dân trồng nhãn theo quy trình VietGap ở thôn Đá Bạc sẽ vẫn "chung thuỷ" với cây nhãn. Ảnh: Nguyễn Việt.

Ông Đường Thượng Nhi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Với giá nhãn có xu hướng giảm sẽ không có chuyện, người dân mở rộng thêm diện tích trồng nhãn. Thậm chí, bà con trồng nhãn đang có xu hướng bỏ nhãn để chuyển đổi sang cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo ông Nhi, hiện ở xã Hoàng Hoa Thám đã có trên dưới chục hộ bỏ nhãn để chuyển đổi sang trồng rau màu trái vụ cho thu nhập cao hơn.

Tuy nhiên những người trồng nhãn VietGap ở Hoàng Hoa Thám vẫn tiếp tục với công việc chăm sóc vườn nhãn. Vì để tạo được vườn nhãn như hiện nay họ đã phải bỏ bao công sức, tiền bạc. Họ cho rằng cây trồng nào rồi cũng gặp tình trạng những năm đầu bán được giá cao, sau giá giảm dần, điều quan trọng là thích nghi với đó.

Vì vậy, những người như ông An, ông Xuyên, ông Trân làm nhãn VietGap không dễ dàng chặt bỏ vườn nhãn bao công sức tâm huyết của mình và các ông sẽ thích nghi với tình trạng "được mùa mất giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem