Lộ diện Biển Sữa bí ẩn sau cuộc “săn lùng” thế kỷ

Thứ bảy, ngày 16/07/2022 06:46 AM (GMT+7)
Biển Sữa (Milky Sea) là một trong những kỳ quan thiên nhiên quy mô lớn hiếm nhất trên Trái Đất. Sau nhiều thế kỷ xuất hiện đầy mê hoặc qua các truyền thuyết gắn với Tiên cá, Rồng… cuối cùng hiện tượng kỳ thú này đã lộ diện qua hình ảnh chụp được từ du thuyền và vệ tinh.
Bình luận 0

Hiện tượng phát quang sinh học kỳ thú trên biển Wadden (kéo dài qua Hà Lan-Đức- Đan Mạch). (Video: YouTube/Raymond K.)

Cuộc "săn lùng" thế kỷ từ những vùng biển phát sáng bí ẩn theo truyền thuyết

Những câu chuyện về các vùng biển phát sáng gắn với Tiên Cá và Rồng đã tồn tại trong truyền thuyết từ thời xa xưa. Tuy nhiên trong khi các nhân vật Tiên Cá và Rồng chỉ là hư cấu và được kể lại dưới nhiều hình hài khác nhau, thì sự xuất hiện của các vùng biển phát sáng được mô tả rất nhất quán.

Các mảng của hiện tượng biển phát sáng có thể rộng tới hơn 100.000km vuông và đã được báo cáo rất nhiều trong thế kỷ trước, với 235 lần được nhìn thấy giai đoạn 1915-1993, cho thấy tỷ lệ xuất hiện ít nhất là 3 lần mỗi năm.

Hiện tượng Biển Sữa (Milky Sea) được ghi nhận đã tồn tại hơn 4 thế kỷ, do hoạt động của vi khuẩn phát quang sinh học làm cho nước chuyển sang màu xanh lam, mà nhìn bằng mắt thường trong bóng tối có màu trắng sữa. Biển Sữa (Milky Sea) được cho là hình thức phát quang sinh học lớn nhất từng được biết đến trên Trái Đất.

Lộ diện Biển Sữa bí ẩn sau cuộc “săn lùng” thế kỷ - Ảnh 2.

Những câu chuyện về các vùng biển phát sáng gắn với những nàng Tiên Cá và Rồng đã tồn tại trong truyền thuyết từ thời xa xưa. (Ảnh: Atlas Obscura)

Lộ diện Biển Sữa bí ẩn sau cuộc “săn lùng” thế kỷ - Ảnh 3.

Hiện tượng Biển Sữa (Milky Sea) do hoạt động của vi khuẩn phát quang sinh học, làm cho nước chuyển sang màu xanh lam. (Ảnh: Tim Bow/APEX)

Trong cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng nổi tiếng "Hai vạn dặm dưới biển" năm 1870, nhà văn Pháp Jules Verne cũng viết về Biển Sữa (Milky Sea) qua cảnh tượng tàu ngầm hư cấu Nautilus khi đi vào Vịnh Bengal tối 27/1/1868 đã "lướt qua những con sóng màu trắng" trong vài giờ. (Jules Verne chắc đã đọc các tài liệu lịch sử về biển phát sáng).

Suốt hơn một thế kỷ qua, nhiều thủy thủ đoàn trên khắp thế giới cũng báo cáo về một trong những hiện tượng kỳ thú của đại dương mà họ gọi là Biển Sữa (Milky Sea). Đó là những vùng nước khổng lồ phát sáng màu trắng đục (với các sắc thái xanh lam khác nhau khiến màu nước biển trở nên rực rỡ), đôi khi tồn tại trong vài đêm liên tiếp.

Mặc dù dư luận rất bị cuốn hút khi nghe thông tin về hiện tượng kỳ thú này, nhưng giới khoa học đã không thể nghiên cứu nó vì tính chất xa xôi và khó nắm bắt do không xuất hiện thường xuyên của Biển Sữa (Milky Sea). Mãi đến năm 2005 Biển Sữa (Milky Sea) mới được xác nhận dưới dạng những bức ảnh chụp từ vệ tinh trong quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.

Cuộc "chạm trán" bất ngờ thú vị vùng biển phát sáng trên Ấn Độ Dương

Mới đây nhất thông tin báo chí ngày 13/7 cho biết, hình ảnh Biển Sữa (Milky Sea) lần đầu tiên được ghi lại trên máy ảnh đêm 2/8/2019.

Khi đó du thuyền Ganesha do thuyền trưởng Johan Lemmens cùng thủy thủ đoàn vận hành, đang trên đường du lịch qua khu vực rộng hơn 100.000km vuông bên ngoài đảo Java, đoạn giữa thành phố Lombok của Indonesia và đảo Cocos (Keeling) ở phía đông Ấn Độ Dương. Bất ngờ thủy thủ đoàn phát hiện du thuyền đi vào vùng nước phát sáng, họ chụp lại khung cảnh kỳ thú này bằng máy ảnh Go Pro và điện thoại Samsung Galaxy S9+.

Lộ diện Biển Sữa bí ẩn sau cuộc “săn lùng” thế kỷ - Ảnh 4.

Thủy thủ đoàn của du thuyền Ganesha là những người đã có cuộc "chạm trán" thực tế kỳ thú với Biển Sữa (Milky Sea) bí ẩn. (Ảnh: colostate.edu)

Lộ diện Biển Sữa bí ẩn sau cuộc “săn lùng” thế kỷ - Ảnh 5.

(Từ trái sang): Ảnh vệ tinh chụp đêm 2/8/2010 cho thấy vùng Biển Sữa rộng hơn 10.000km vuông ở phía nam đảo Java, Indonesia; du thuyền Ganesha; ảnh chụp cũng vùng Biển Sữa đó của thủy thủ đoàn Ganesha. (Ảnh: Steven Miller)

Cũng tại khu vực này, báo cáo đầu tiên về hiện tượng "vùng biển có màu trắng đục" đã được đưa ra từ một con tàu Mỹ ngày 27/7/1854. Trong nhật ký hành trình của tàu, Thuyền trưởng W.E. Kingman mô tả: "Toàn bộ đại dương giống như một vùng đồng bằng tuyết phủ" và rằng ông cùng thủy thủ đoàn vô cùng kinh ngạc chứng kiến cảnh tượng bí ẩn biển phát sáng rực rỡ.

Cùng với hình ảnh chụp được từ tàu Ganesha, giới chuyên môn cũng thu thập hình ảnh vệ tinh chụp đêm 2/8/2019 đúng tại tọa độ đó, để xác nhận rằng đã có cuộc "chạm trán" thực tế với Biển Sữa (Milky Sea).

"Các bức ảnh đó cung cấp bằng chứng trực quan cho những báo cáo bằng văn bản của các thế hệ thủy thủ qua hàng thế kỷ" - báo Guardian dẫn lời ông Steven Miller, Giáo sư khoa học khí quyển tại Đại học bang Colorado, ở Fort Collins, Mỹ nói và cho biết thêm rằng Biển Sữa (Milky Sea) đó kéo dài ít nhất 45 đêm.



Linh Quyên (sciencealert, Daily Mail…)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem